• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắc Giang: Sản xuất vải thiều có tem truy xuất: Giám sát chặt từ khâu chăm sóc

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 17/04/2018
Ngày cập nhật: 18/4/2018

Để tạo thuận lợi trong tiêu thụ vải thiều, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, năm nay, huyện Lục Ngạn, Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) và ngành chức năng đang tập trung hướng dẫn, giám sát các hộ thực hiện nghiêm quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm điều kiện gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Nông dân xã Phúc Hòa (Tân Yên) chăm sóc vải thiều sớm theo quy trình VietGAP.

Trước tín hiệu vui được mùa vải thiều, các huyện, ngành chức năng đang thực hiện một số giải pháp hỗ trợ người dân gắn tem truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu sang thị trường một số nước, trong đó có Trung Quốc. Việc gắn tem nhằm giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Ông Đặng Văn Tặng, Trưởng Phòng Kỹ thuật Tổng hợp (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, để vải thiều được gắn tem truy xuất, các hộ cần tuân thủ đúng quy trình VietGAP, GlobalGAP, tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATTP). Ngay sau khi thu hoạch quả, các hộ khoanh gốc, tỉa cành, bón phân cân đối, đồng thời áp dụng biện pháp chăm sóc như: Tưới nước sạch, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong danh mục phòng trừ sâu, bệnh đúng thời điểm, bảo đảm thời gian cách ly. Ngoài ra, các hộ có sổ nhật ký ghi chép cẩn thận về quy trình chăm sóc, đây là căn cứ giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc. Vải thiều chỉ được gắn tem sau khi được Sở Nông nghiệp và PTNT lấy mẫu quả kiểm nghiệm chất lượng, bảo đảm ATTP, không có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng cho phép.

Nhằm đạt được những tiêu chí trên, ngay từ đầu vụ, cùng với tập huấn quy trình VietGAP, GlobalGAP, huyện Lục Ngạn, Tân Yên và Sở Nông nghiệp và PTNT đã phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các hộ dân. Ở huyện Lục Ngạn, người dân áp dụng quy trình này chăm sóc hơn 11 nghìn ha vải thiều, chiếm hơn 70% tổng diện tích. Huyện giao cho Phòng Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các xã, thị trấn, định kỳ 1-2 tuần kiểm tra quy trình sản xuất, sổ nhật ký ghi chép của thành viên ở các chi hội, HTX để kịp thời hướng dẫn nhà vườn điều chỉnh phương pháp chăm sóc phù hợp.

Theo ông Bùi Huy Tình, Chủ tịch UBND xã Hồng Giang, xã phân công cán bộ khuyến nông thường xuyên kiểm tra các vùng vải VietGAP ở các chi hội. Nơi nào bón phân, phun thuốc BVTV chưa đúng được nhắc nhở điều chỉnh. Không chỉ chính quyền sở tại giám sát, các thành viên trong HTX cũng tự kiểm tra lẫn nhau. Đại diện lãnh đạo HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Hồng Xuân (xã Hồng Giang) cho biết, đơn vị yêu cầu các thành viên ký cam kết tuân thủ nghiêm ngặt quy trình VietGAP, GlobalGAP, thành lập 2 tổ kiểm tra, định kỳ 7-10 ngày giám sát từng khu vườn. Để tránh tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, HTX khuyến cáo các hộ phun thuốc đồng loạt vào thời điểm thích hợp để phòng bệnh và bảo đảm thời gian cách ly giữa các lần phun đối với thuốc sinh học là 7 ngày, thuốc hóa học từ 15-10 ngày. Tương tự nhiều hộ khác, ông Phạm Văn Tư, thành viên HTX, chủ vườn vải rộng hơn 1 ha ở thôn Ngọt, xã Hồng Giang chia sẻ: “Vụ này, tôi chia vườn vải thành 3 khu riêng biệt để tiện chăm sóc, theo dõi. Hiện gia đình làm theo quy trình GlobalGAP, ở mỗi khu đều có sổ ghi chép chi tiết, chính xác thời gian bón phân, phun thuốc và chỉ sử dụng loại thuốc BVTV trong danh mục".

Cũng như Lục Ngạn, năm nay huyện Tân Yên chỉ đạo phòng chuyên môn hướng dẫn tất cả các xã áp dụng quy trình VietGAP chăm sóc vải. Ngoài duy trì cấp giấy chứng nhận cho 108 ha từ những năm trước, năm nay, huyện tiếp tục hỗ trợ mở rộng thêm 100 ha. Điểm mới là huyện giao cho những xã có diện tích vải sớm lớn như: Phúc Hòa, Tân Trung, Hợp Đức, Cao Thượng, Liên Sơn hướng dẫn, giám sát các hộ dân trên phạm vi toàn xã, bảo đảm đủ điều kiện dán tem xuất khẩu. Huyện coi đây là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại người đứng đầu.

Không chỉ giám sát chặt ở khâu chăm sóc, huyện Lục Ngạn còn dành kinh phí hỗ trợ 50% tem xác nhận nguồn gốc vải thiều cho tất cả các HTX, DN tiêu thụ. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện yêu cầu các HTX, DN có trách nhiệm quản lý chặt chẽ sản phẩm được hỗ trợ, chỉ gắn tem đối với những lô hàng đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Hiện nay, địa phương đang phối hợp với VNPT Bắc Giang thống nhất mẫu tem, nhãn cũng như quy cách bao gói sản phẩm, thiết lập sổ nhật ký chăm sóc vải thiều điện tử, giúp người dân thuận lợi hơn khi áp dụng và khách hàng mua sản phẩm tiện theo dõi qua điện thoại thông minh. Còn huyện Tân Yên bố trí ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí gắn tem nhãn cho sản phẩm vải thiều và bao bì đóng gói xuất khẩu.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm nay vải thiều dự báo được mùa, sản lượng ước đạt 180 nghìn tấn. Trong đó, riêng huyện Lục Ngạn 90 nghìn tấn, tăng gấp đôi so với năm ngoái; vùng vải sớm huyện Tân Yên ước 15 nghìn tấn.

Minh Linh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang