• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắc Kạn: Liên kết, tìm thị trường tiêu thụ cho quýt Bạch Thông

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn, 07/12/2018
Ngày cập nhật: 9/12/2018

Tính tới thời điểm hiện tại Bạch Thông (tỉnh Bắc Kạn) là địa phương có diện tích trồng quýt lớn nhất tỉnh với khoảng 1.400ha, sản lượng hàng năm đạt gần 10.000 tấn quả, nhưng thị trường tiêu thụ vẫn còn khó khăn.

Quýt được tập kết tại một điểm thu gom ở xã Dương Phong

Vẫn là câu chuyện về giá

Vào vụ quýt hàng năm, điều mà bà con nông dân lo lắng nhất vẫn là đầu ra sản phẩm, bởi 3 năm trở lại đây giá quýt không thể vượt nổi ngưỡng 10.000 đồng/kg, nếu có tăng chỉ vào dịp cuối năm khi mà lượng quả trên cây đã vãn. Vấn đề tiêu thụ khó phần nhiều còn do tác động thị trường, vì hiện tại lượng quả có múi trên thị trường quá lớn, giá cả các tỉnh không chênh lệch nhiều so với quýt Bắc Kạn dẫn đến tình trạng bão hòa, đó cũng là nguyên do giá quýt của ta khó nhích lên được

Thời điểm này, bà con vùng quýt Bạch Thông đã thu hoạch được khoảng 60% diện tích, nhưng giá quýt vẫn không hề xê dịch nhiều so với đầu vụ, loại nhỏ vẫn mức giá khoảng 3.000- 5.000 đồng/kg, to 7.000-10.000 đồng/kg. Hiện tại người vẫn dân đang tập trung thu hái, một số vườn chỉ còn lác đác quả, mặc dù lượng quả khai thác một vụ lên đến cả chục nghìn tấn, sản phẩm quýt đã có bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng trên thực tế hình thức tiêu thụ của bà con vẫn chủ yếu bán tự do cho các thương lái với các đầu mối quen thuộc tại các tỉnh miền Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên…giá cả thì thiếu ổn định do phải lệ thuộc vào thương lái. Nhiều người trồng quýt lâu năm ở xã Quang Thuận cho rằng cách đây 5 năm trở về trước vườn quýt 1ha thu về cả trăm triệu đồng còn 2 năm nay thì thực sự khó khăn.

Tuy nhiên dù có thất thường về giá cả nhưng không thể phủ nhận cây cam quýt vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế tại các xã Quang Thuận, Dương Phong và Đôn Phong, bình quân mỗi năm giá trị thu về từ quýt cam lên đến cả trăm tỷ đồng, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ dân. Góp phần hiệu quả vào mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương. Nhiều hộ dân có nhà cao, cửa rộng, phương tiện sinh hoạt đắt tiền cũng nhờ vào cây cam quýt.

Yếu tố chất lượng quyết định giá thành

Quýt Bạch Thông khởi nguồn đầu tiên ở mảnh đất Quang Thuận, những trái quýt có vỏ vàng, hạt nhỏ, hay còn gọi là quýt ta luôn có mùi thơm đặc trưng, khó trộn lẫn vào đâu, giống quýt ta thuần hiện chỉ còn ở những vườn quýt 20-30 năm tuổi trồng từ năm 1995, 2000 bằng hình thức gieo hạt hoặc chiết cành, từ giữa tháng 12 trở đi quả quýt chuyển vàng, ngọt và dễ ăn hơn.

Có thể thấy sau nhiều năm canh tác, chất lượng những vườn quýt bản địa một phần đã già cỗi, nhiều cây bị bệnh thối rễ và chết, năng suất thấp. Để duy trì và nâng cao chất lượng cây ăn quả, những năm qua huyện Bạch Thông đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai các chương trình thâm canh, cải tạo, nhân giống cây quýt bằng việc lấy mắt quýt ta ghép với gốc bưởi để tạo ra những lứa cây giống có chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng ngắn, dễ chăm sóc. Đưa vào các mô hình trồng cây ăn quả theo hướng VietGAP, khuyến khích trồng mới thay thế các lứa cây cằn cỗi, kém năng suất bằng các loại giống mới như cam Đường canh, cam Vinh, cam Xã đoài…đây là các loại giống có nhiều ưu điểm như thu hoạch nhanh, năng suất khá, giá thành cao khoảng 15.000-20.000 đồng/kg. Hiện nay, diện tích các loại giống cam mới tại xã Quang Thuận lên đến 50ha.

Cùng với đó huyện còn đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu nông sản, khuyến khích, hướng dẫn thành lập các HTX. Trên địa bàn hiện có 2 HTX là HTX Đại Hà (xã Quang Thuận) và HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Dương Phong đều được kỳ vọng là những đầu mối đắc lực có thể kết nối, mở rộng tiêu thụ nông sản cho người dân vùng quýt. Huyện cũng tăng cường mở các lớp tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chuyển giao kỹ thuật thâm canh trên cây cam quýt, kết quả từ năm 2016 -2018 trên địa bàn đã thực hiện được 20ha kỹ thuật thâm canh theo hướng VietGAP tại 2 xã Quang Thuận và Dương Phong, năm 2018 mở được 04 lớp tập huấn về kỹ thuật cắt tỉa, thâm canh cây cam quýt cho 400 lượt hộ nông dân.

Để tiếp tục phát huy thế mạnh từ cây cam quýt, tìm thấy chỗ đứng trên thị trường, ngoài việc đẩy mạnh quảng bá hình ảnh sản phẩm, kết nối liên kết, điều quan trọng nữa là chính người trồng phải chú trọng đến khâu sản xuất, tạo được lòng tin về chất lượng, có như vậy sản phẩm cam quýt mới có thể cạnh tranh, tìm thấy chỗ đứng bền vững trên thị trường./.

Thu Trang

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang