• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển thương hiệu quýt Bắc Kạn: Thăng trầm nghề trồng quýt

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn, 12/10/2018
Ngày cập nhật: 16/10/2018

Canh tác cây cam, quýt đã và đang giúp cuộc sống nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có cuộc sống khấm khá hơn, diện mạo nông thôn từng bước thay da đổi thịt... Nhưng vài năm trở lại đây, bởi nhiều lý do nên thị trường quýt trở nên bấp bênh, không ít vụ nông dân lao đao vì quýt.

Vườn cam, quýt của chị Nông Thị Minh, xã Quang Thuận (Bạch Thông)vụ năm nay hứa hẹn thu về 250 triệu đồng.

Những đồi quýt tiền tỷ

Nhiều nông hộ đã giàu lên từ nghề trồng quýt. Trong số đó không thể không nhắc đến hộ ông Lưu Chấn Thụ, thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận (Bạch Thông). Mô hình trồng cây ăn quả, trong đó chủ yếu là cây quýt đặc sản Quang Thuận của ông Thụ có quy mô lớn nhất xã Quang Thuận. Gắn bó với nghề trồng quýt đặc sản từ hơn chục năm nay, theo ông Thụ đây chính là đường hướng làm giàu phù hợp nhất trên mảnh đất quê hương. Với gần 7ha cây ăn quả chủ yếu là cam, quýt, mỗi năm gia đình ông Lưu Chấn Thụ thu lãi ròng trên dưới 700 triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng nếu được mùa, được giá.

Tới thăm các mô hình trồng cam quýt tại các xã Quang Thuận, Đôn Phong, Dương Phong (Bạch Thông), chúng tôi ấn tượng trước những đồi cam quýt ngút ngàn, xanh tốt, đều tăm tắp, cây nào cũng sai trĩu quả. Anh Bàn Hữu Lợi- người dân thôn Khuổi Cò, xã Dương Phong là một điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi với mô hình trồng cây cam, quýt. Từ gần 3ha trồng cam, quýt ban đầu, đến nay, gia đình anh Lợi đã có khoảng 6ha cây ăn quả cho thu hoạch. Thu nhập của gia đình anh tăng dần, từ 100 triệu đồng năm 2011, những năm gần đây đạt từ 500 - 700 triệu đồng/năm.

Những đồi cam quýt cho lãi từ 200 – 300 triệu đồng không phải hiếm tại huyện Bạch Thông. Giữa đồi cam quýt đang vào mùa chín quả, sai trĩu cành, chị Nông Thị Minh, thôn Nà Đinh, xã Quang Thuận chia sẻ: “Cách đây hơn chục năm, gia đình tôi chỉ trồng vài chục gốc cây cam, quýt. Thấy hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng diện tích, đồng thời trồng thử một số loại cây như cam Vinh, cam Đường Canh... Hiện gia đình đã có khoảng 2.000 gốc quýt và 500 gốc cam, dự tính năm nay cho thu hoạch khoảng 26 tấn quả, ước thu lãi 250 triệu đồng”.

Nỗi niềm trăn trở

Điệp khúc “được mùa mất giá” là điều trăn trở bấy lâu nay của người trồng quýt tại Bắc Kạn. Đồng chí Nông Văn Bình- Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thuận cho biết, cây quýt được trồng từ lâu, mang lại thu nhập khá cho người dân trong vùng. Tuy nhiên, cứ năm nào được mùa thì giá xuống thấp khiến người dân thất thu, còn năm nào mất mùa thì giá cao.

Không đâu xa, niên vụ quýt năm ngoái, nông dân Bắc Kạn lao đao vì quýt đặc sản bị rớt giá. Thêm vào đó, thời tiết cực đoan, mưa lớn kéo dài đúng thời điểm thu hoạch khiến những đồi cam, quýt vốn đang được mùa, trĩu quả bỗng dưng thối rụng hàng loạt. Người dân chỉ biết ngậm đắng bán tháo với giá 3.000 - 4.000 đồng/kg, được đồng nào hay đồng ấy.

Thiếu thị trường ổn định nên quýt Bắc Kạn luôn trong tình trạng chờ tư thương đến mua, dễ bị ép giá.

Theo người dân trồng quýt, khi bước vào chính vụ cây quýt sẽ chín đồng loạt, nếu bán không kịp thì quả sẽ hỏng, nhưng thương lái không thu mua thì cũng chịu nên dễ bị ép giá. Không như loại trái cây khác, quả quýt khó bảo quản, dễ bị dập nát khi vận chuyển. Một lý do khác khiến quýt Bắc Kạn tiêu thụ kém hơn so với các loại trái cây đặc sản của tỉnh khác là vị hơi chua nên khó bán. Vụ quýt năm nào các hộ nông cũng đứng ngồi không yên vì lo sợ bị ép giá.

Ông Trịnh Hoài Dương ở thôn Nà Đinh, xã Quang Thuận, người có hơn 2ha quýtđang cho thu hoạch lo âu: “Năm ngoái, cả đồi quýt bị thối, rụng quả do mưa nhiều, giá bán thấp chưa từng thấy, nhà nào cũng thất thu, mất trắng hàng trăm triệu đồng. Năm nay chúng tôi cũng chưa biết thế nào, vì phụ thuộc tư thương đến mua. Do không có hợp đồng tiêu thụ nên họ có nhiều lý do để ép giá. Hơn nữa, hiện giờ cam, quýt được trồng ồ ạt ở nhiều địa phương khác trong tỉnh nên ngày càng khó bán”.

Lãnh đạo xã Quang Thuận chia sẻ thêm: “Cam, quýt Bắc Kạn là đặc sản địa phương, là nguồn thu chính của đa số hộ dân tại xã Quang Thuận nói riêng và huyện Bạch Thông nói chung. Tuy nhiên, phát triển bền vững, duy trì hiệu quả chỉ dẫn địa lý sản phẩm hàng hóa cam quýt, nhất là giải quyết được đầu ra một cách ổn định lâu dài là điều trăn trở đối với địa phương. Thị trường bấp bênh, bà con thường hay tận dụng thu hái đầu mùa để bán được giá cao hơn chút nhưng quả xanh, chua nên ảnh hưởng đến thương hiệu. Ngoài ra, sản phẩm mẫu mã chưa đều, hàng hóa chưa có tem mác nên người tiêu dùng khó phân biệt cam quýt Bắc Kạn với nơi khác. Tốc độ thoái hóa nhanh cũng khiến cam, quýt Bắc Kạn giảm năng suất, chất lượng quả”.

Trồng quýt rất khó chăm sóc, mà mỗi năm chỉ cho một vụ nên nếu không được giá và được mùa thì nông dân vô cùng khó khăn. Trong khi đây được xác định là cây đặc sản mũi nhọn, diện tích tăng nhanh vượt quá quy hoạch thì thị trường tiêu thụ ổn định, lâu dài cho sản phẩm quýt Bắc Kạn là điều cần tính đến./.

Lê Trang

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang