• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trăn trở đầu ra chuối nguyên liệu

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 21/9/2018
Ngày cập nhật: 23/9/2018

Khi Cà Mau chuyển dịch cơ cấu sản xuất mạnh mẽ, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp thì bà con ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời vẫn thuỷ chung với những sản vật “nhà quê” như chuối, dừa.

Cũng không ai ngờ, chính những loại cây này đã giúp làng quê khởi sắc, nhiều người không những thoát nghèo mà có kinh tế hộ vững vàng. Trần Hợi cùng các xã như: Khánh Bình Tây, Khánh Hưng, Khánh Bình Tây Bắc… trở thành thủ phủ chuối và dừa ở Cà Mau. Nhiều năm qua, người dân thuộc các địa phương này vẫn kiên trì giữ diện tích, mong chờ những mùa vụ ổn định. Thế nhưng, nỗi trăn trở lớn nhất của bà con vẫn là đầu ra sản phẩm và điệp khúc được mùa, rớt giá.

Thu hoạch chuối ở Ấp 1, xã Trần Hợi.

Chủ tịch UBND xã Trần Hợi Ngô Văn Trường tâm sự: “Chuối và dừa ở Trần Hợi thì diện tích thuộc hạng nhiều nhất rồi, riêng cây chuối đã gần 400 ha. Có điều rất hay là diện tích chuối này đã duy trì nhiều năm qua, bà con cũng rất tâm đắc với loại cây này”.

Qua lời anh Trường, mới hiểu thêm vì sao dân Trần Hợi lại gắn bó với cây chuối đến vậy. Cây chuối có mặt khắp nơi trong đời sống của người dân. Chuối là thực phẩm cho người và các loại vật nuôi là nguyên liệu của các loại bánh mứt ngày lễ, Tết. Thân chuối, lá chuối, bắp chuối, trái chuối đều có giá trị sử dụng. Có người nói vui, lá chuối khô, coi vậy cũng có nhiều công dụng như làm “ủ heo”, kết dây thừng…

Tìm đến lão nông Mười Trương (Trần Văn Trương, Ấp 10C), ông kể: “Cây chuối gắn bó với Trần Hợi bao đời nay. Phải nói rằng, chuối Trần Hợi trở thành mặt hàng thương phẩm cũng thuộc hàng sớm nhất Cà Mau”. Ông nhớ lại cách đây mấy chục năm đã có thương lái “vùng trên” miệt An Giang, Đồng Tháp đổ về đây để thu mua nguyên liệu chuối rồi vận chuyển lên các địa bàn vùng biên, qua cả bên kia biên giới để tiêu thụ. Ông Mười quen nếp sinh hoạt ngày xưa, nên bên ấm trà là dĩa chuối luộc, cười móm mém ông nói: “Hồi xưa nghèo, nhiều nhà nấu cơm độn chuối ăn qua bữa. Thèm quá thì mần bánh chuối ăn chơi. Kẹt cái tụi nhỏ giờ không thèm ăn, nó ăn xúc xích, kẹo ngọt gì đâu không…”.

Nhìn những buồng chuối chín rục trong mưa, chúng tôi thắc mắc, ông Mười trầm ngâm: “Hổm rày giá chuối nguyên liệu xuống quá, ít người thu gom nên chuối chín hết. Chuối thu hoạch lúc vừa xanh già, chín thì coi như cho cá, cho heo ăn thôi”.

Tình trạng được mùa, mất giá liên tục xảy ra với các loại nông sản, tuy nhiên, với cây chuối thì chỉ mới hơn 1 năm nay. Lúc cao điểm, chuối Trần Hợi kg giá lên tới 8.000 đồng, còn bây giờ chỉ xấp xỉ 2.000 đồng/kg.

Anh Trần Duy Thanh, cán bộ nông nghiệp xã, cho biết: “Nếu giá cả kha khá một chút thì trồng chuối chắc chắn sống khoẻ hơn làm lúa”. Ông Mười tiếp lời: “Chuối là loại cây dễ trồng, thu hoạch đều, ít tốn công chăm sóc, có giá chút đỉnh thì bà con nông dân ở đây đỡ quá rồi”.

Tìm hiểu nhiều hơn về kỹ thuật trồng chuối, thật không khỏi ngỡ ngàng với sức sống và khả năng phát triển kỳ lạ của loại cây này. Dân Trần Hợi cam đoan rằng, trồng chuối một lần là có thể hưởng huê lợi một đời. Trồng chuối không phân, thuốc, không cần gây giống mới, chỉ tốn ít công vun đất đắp gốc, tỉa cây. Chuối cho trái quanh năm, khoảng 10 ngày thu hoạch 1 lần với năng suất khoảng 2 tấn/ha/tháng. Tính ra nếu có giá cả và đầu ra ổn định, trồng chuối vẫn là lựa chọn không thể thay thế của người dân Trần Hợi. Thế nhưng, mọi việc đâu suôn sẻ như vậy. Theo anh Thanh, toàn xã Trần Hợi có khoảng 7 vựa thu gom chuối, chịu sự chi phối giá cả của các chủ đầu mối ở “vùng trên”. Việc “ăn hàng” cũng không đều và thị trường thì bà con chỉ nghe nói là xuất khẩu tiểu ngạch sang các nước láng giềng.

Anh Thanh cũng là người gắn bó và khởi nghiệp từ cây chuối trăn trở: “Cái mình thiếu là công nghiệp chế biến thực phẩm, phải nói vùng nguyên liệu chuối của mình quá lớn, trong khi đó đầu ra phụ thuộc ở đâu đâu nên rất khó”. Cơ sở chuối khô Bảy Hoàng của anh Thanh cũng nhờ chuối Trần Hợi mà ăn nên làm ra và nức tiếng xa gần. Với anh Thanh, cái cần nhất của bà con Trần Hợi lúc này là việc nông sản làm ra phải có thị trường và giá cả ổn định. Mà điều này cứ bán buôn theo “mối lái” thì chẳng bao giờ có được.

Trưởng Ấp 10C Trần Văn Hiền thông tin: “Hồi đó vùng này vất vả lắm, nhờ chuối, dừa mà khấm khá lên. 254 hộ của ấp giờ còn 6 hộ nghèo”.

Ông Tám Hiền chỉ vườn chuối gần 40 năm tuổi của mình rồi tiếc nuối: “Phải có giá chút nữa thì dân Trần Hợi khá lên mấy hồi, 254 hộ ở đây là 254 vườn chuối mà”.

Theo ông Hiền lý giải, diện tích chuối không giảm mà vẫn duy trì có nhiều nguyên nhân, một trong số đó là thanh niên bỏ đi nhiều quá, nên người ta trồng chuối để đỡ nhân công chăm sóc mà lại có thu nhập đều đều. Ước mơ của ông Hiền là chuối Trần Hợi được nhiều người biết đến, sản xuất ra những mặt hàng từ chuối nổi tiếng, có đầu ra ổn định, được bao tiêu sản phẩm. Có như vậy thì chuối Trần Hợi nói riêng và các sản vật vùng ngọt nói chung của Trần Văn Thời mới thật sự tồn tại lâu dài.

Đứng giữa những vườn chuối bạt ngàn ở Trần Hợi, nông dân chỉ mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn với chính những sản vật quê hương gắn bó bao đời. Người dân Trần Hợi có buồn nhưng không bi quan, bởi với họ, ngoài vấn đề thu nhập, chuối hay dừa còn là những người bạn “cố tri, cố thổ”. Ai cũng tin rằng, đến một lúc nào đó, chuối sẽ trở thành một động lực mạnh mẽ để phát triển. Vấn đề là các cấp, ngành và những doanh nghiệp có nhìn thấy tiềm năng ấy…

Phạm Hải Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang