• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tỷ phú lúa ở xã Đồng Tiến

Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 08/06/2017
Ngày cập nhật: 11/6/2017

Vốn sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ anh Hoàng Công Sỹ, xã Đồng Tiến (Khoái Châu, Hưng Yên) đã quen với ruộng đồng, với cây lúa và xem đó là “nghề chính” để sinh sống. Sau khi lấy vợ, những ngày đầu lập nghiệp, vợ chồng anh Sỹ có vỏn vẹn 3 sào ruộng, lại chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nên mơ ước giảm nghèo tiến tới làm giàu từ cây lúa của anh gặp rất nhiều khó khăn.

Với quyết tâm “bám ruộng”, sau nhiều đêm suy nghĩ, tính toán, anh Sỹ nhận thấy trong thôn Kim Tháp quê anh có nhiều hộ cũng chỉ có diện tích ruộng đất ít như mình, đa số họ không mấy mặn mà với cấy cày, nhiều hộ còn cho người khác mượn ruộng để tập trung đi làm thêm các ngành nghề phụ hoặc công nhân trong các doanh nghiệp. Vậy nếu như anh có thể thuê lại số ruộng đó để đầu tư vào sản xuất lúa thì có thể làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương mình. Nghĩ là làm, từ năm 2002 anh bàn với gia đình mạnh dạn vay tiền thuê trên 20 mẫu ruộng của người dân trong thôn. Ban đầu, khó khăn chồng chất khó khăn, ruộng không bằng phẳng chỗ cao, chỗ thấp, để việc gieo cấy đạt hiệu quả thì anh phải đầu tư tiền, công sức cải tạo lại ruộng, có vốn để mua sắm dụng cụ, máy sản xuất… Không lùi bước trước khó khăn, anh dồn hết vốn liếng tự có và vay mượn thêm của bạn bè, người thân, ngày đêm tập trung công sức san ruộng, cải tạo mương máng, cuối cùng anh đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng để gieo cấy trên 20 mẫu lúa.

Đất không phụ công người, cuộc sống của gia đình anh Sỹ bắt đầu thay đổi khi những thửa ruộng cho những vụ mùa bội thu. Anh chị lại tiếp tục nhận thuê thêm ruộng để mở rộng diện tích canh tác. Đến nay, tổng diện tích ruộng cấy lúa của nhà và thuê thêm là trên 25 mẫu, tập trung trên 2 cánh đồng.

Để có thể “trụ” được với cây lúa, anh thường xuyên tham gia các buổi tập huấn, hội thảo hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc cây lúa do Hội Nông dân xã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức. Nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như sạ hàng, phương pháp “3 giảm, 3 tăng” (giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế), phòng trừ tổng hợp IPM... ruộng lúa của anh vụ nào cũng đạt năng suất cao.

Để tăng hiệu quả canh tác, hạn chế chi phí nhân công, anh Sỹ đã đầu tư mua máy làm đất, máy phun thuốc sâu, máy bơm nước để phục vụ sản xuất của gia đình. Ruộng rộng, anh không chỉ thuận lợi đưa cơ giới hóa vào khâu làm đất, mà còn thực hiện cơ giới hóa trong khâu gieo cấy bằng việc sử dụng công cụ gieo sạ hàng và thuê máy gặt đập liên hợp để thu hoạch lúa. Nhờ đưa máy móc cơ giới hóa vào sản xuất lúa đã giúp anh Sỹ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí thuê nhân công lao động.

Anh Sỹ tâm sự: “Nhờ đầu tư mua sắm máy móc, phương tiện cơ giới trong sản xuất đã giải quyết được tình trạng thiếu lao động mùa vụ, giảm chi phí thuê mướn nhân công. Ngày mùa, gia đình tôi gieo sạ 100% và thu hoạch hoàn toàn bằng máy gặt đập liên hợp nên chật lượng thóc được bảo đảm. Nhiều năm nay, gia đình tôi chỉ gieo cấy một giống lúa chất lượng cao là giống lúa Bắc thơm số 7. Mỗi năm tôi thu được trên 100 tấn thóc, với giá bán bình quân 7.500 - 8.000 đồng/kg, mang lại nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí cho lãi từ 200 – 300 triệu đồng”.

Đánh giá về mô hình cấy lúa của gia đình anh Sỹ, ông Hoàng Văn Tưởng, Giám đốc HTX DVNN xã Đồng Tiến cho biết: “Học tập cách làm của gia đình anh Sỹ, trong xã còn có một số hộ dân cũng mạnh dạn thuê thêm ruộng để mở rộng diện tích canh tác như: gia đình chị Phạm Thị Mơ ở thôn An Lạc cấy trên 20 mẫu, gia đình anh Đỗ Đình Miền thôn An Lạc cấy 15 mẫu… Mặc dù những mô hình cánh đồng mẫu lớn này mới chỉ là tự phát trong một số hộ dân nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Do canh tác trên một cánh đồng lớn nên giúp thuận lợi hơn trong việc chăm sóc, vận chuyển bởi phá bỏ những bờ thửa trước đây. Nông dân dễ dàng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong các khâu: làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, bao tiêu sản phẩm, đồng thời giúp giảm chi phí về thuê nhân công, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và lượng lúa thất thoát trong khâu thu hoạch. Việc cấy cùng một giống lúa trên một diện tích ruộng lớn cũng nâng cao được chất lượng sản phẩm bởi lúa không bị lai tạp với các giống lúa khác. Ngoài ra, còn giúp cho HTX DVNN thuận lợi trong việc điều hành, điều tiết tưới tiêu cho đồng ruộng”.

Hương Giang

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang