• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hiệu quả cao từ sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 08/06/2017
Ngày cập nhật: 9/6/2017

Nhằm bảo vệ môi trường nông thôn và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông nghiệp, thời gian qua được sự hỗ trợ của Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương (LVCD) tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị do Tầm nhìn thế giới và Tổ chức hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong đã triển khai mô hình sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên tại 4 xã là Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Trung và Triệu Trạch với tổng diện tích gần 11 ha và đã đạt được kết quả cao.

Thu hoạch lúa mùa

Ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc HTX An Hưng, xã Triệu Tài cho biết, bắt đầu từ vụ hè thu 2016 ông cùng với 10 hộ trong HTX bắt tay vào thực hiện mô hình sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên trên diện tích 1 ha bằng giống lúa NA2. Mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ do sản xuất theo phương pháp này có nhiều khác biệt so với sản xuất theo cách truyền thống mà người dân đã làm lâu nay, nhưng khi thu hoạch xong, tính toán mọi chi phí, ai cũng phấn khởi vì lợi nhuận đạt cao hơn nhiều so với phương pháp canh tác thông thường.

Như gia đình ông Đạt, với 2 sào lúa sản xuất theo phương pháp tự nhiên ông thu được gần 4,5 tạ lúa, với giá thành 12.000 đồng/kg, gần gấp đôi giá lúa thông thường thì hiệu quả kinh tế là rất rõ ràng.

“Vụ đông xuân 2016 - 2017 này, nhờ đã có kinh nghiệm nên chúng tôi đã mở rộng diện tích mô hình lên thành 3 ha, sử dụng giống lúa chất lượng cao HC95, trong đó gia đình tôi cũng tăng diện tích lên 2,5 sào. Năng suất bình quân đạt hơn 2,2 tạ/sào. Mặc dù thấp hơn so với sản xuất thông thường từ 20 - 30 kg/sào nhưng bù lại giá bán lại cao hơn, với lúa là 14.500 đồng/kg còn gạo là 22.000 đồng/kg, trong khi lúa sản xuất theo cách thông thường chỉ bán được từ 6.500 - 6.800 đồng/kg. Lúa sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên này không chỉ sạch, an toàn, có giá trị kinh tế cao mà quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe cho chính người nông dân và môi trường sinh thái. Vì vậy mà vụ hè thu này, toàn HTX chúng tôi đã đăng ký diện tích sản xuất theo mô hình canh tác tự nhiên này lên đến 10 ha”, ông Đạt chia sẻ.

Theo bà Phan Thị Ba, một trong những hộ sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên đạt năng suất cao nhất HTX An Hưng với hơn 2,5 tạ/sào thì trước đây khi sản xuất lúa theo cách thông thường bà chủ yếu sử dụng phân bón hóa học để bón cho lúa, ngoài ra trong quá trình sản xuất cứ phát hiện trên ruộng có loại sâu bệnh gì là lại mua thuốc BVTV về phun. Trong khi sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên này bà chỉ được phép sử dụng phân bón hữu cơ compost tự ủ bằng các loại thân, lá cây, phân chuồng cùng với chế phẩm được làm từ cơm, đường nâu và các vi sinh vật bản địa, sau đó bón từ 5 - 6 tạ mỗi sào.

Quá trình chăm sóc thì sử dụng các loại chế phẩm dinh dưỡng được ngâm ủ từ cá tạp, một số loại trái cây, thân cây chuối… Đối với phòng trừ sâu bệnh bà sử dụng các loại thuốc thảo mộc được làm từ gừng, ớt, tỏi. “Nghe thì phức tạp nhưng thực tế quá trình làm phân bón cũng như các loại chế phẩm rất dễ làm, nguyên liệu sẵn có và tính ra chi phí thấp hơn hẳn so với sử dụng phân bón và thuốc BVTV như trước đây.

Mặc dù từ 7 - 10 ngày phải đi phun các loại chế phẩm này một lần nhưng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Trước đây mỗi lần phun thuốc BVTV mặc dù mang áo quần bảo hộ, đeo khẩu trang kỹ càng nhưng phun xong là tôi mệt lả cả người. Trong khi phun các loại thuốc thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh thì không cần phải bảo hộ gì mà người vẫn bình thường”, bà Ba cho biết.

Tương tự như vậy, tại xã Triệu Sơn vụ đông xuân năm nay là vụ thứ 4 nông dân sản xuất sản xuất lúa theo phương pháp canh tác tự nhiên với diện tích 3 ha, năng suất thu hoạch đạt hơn 2 tạ/sào.

Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, cán bộ chuyên trách dự án của xã Triệu Sơn đồng thời cũng là một trong những hộ thực hiện mô hình, sở dĩ năng suất lúa thấp hơn so với các địa phương khác là do ruộng thực hiện mô hình là ruộng xấu, trước đây khi sản xuất theo cách thông thường năng suất cao nhất cũng chỉ đạt khoảng 2,3 tạ/sào.

Ngoài ra do ruộng mô hình là ruộng trũng, lúc gieo lại gặp rét nên lúa bị chết phải gieo lại. “Mặc dù năng suất chưa đạt so với yêu cầu đề ra nhưng nhờ giá bán cao nên nông dân vẫn rất mừng. Vụ đông xuân 2018 tới, nông dân trong xã đã đăng ký mở rộng diện tích lên thành 10 ha”, ông Sỹ cho biết.

Theo thạc sĩ Trần Thị Thúy, cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Triệu Phong, canh tác tự nhiên là phương pháp canh tác được đề xướng và phát triển đầu tiên ở Hàn Quốc. Nguyên tắc của phương pháp canh tác này là tôn trọng tự nhiên, dựa vào nguồn lực có sẵn trong tự nhiên thay cho việc thâm canh dựa vào hóa chất để tạo ra năng suất vượt trội và cải thiện chất lượng sản phẩm, bảo vệ đất, nguồn nước làm nền tảng căn bản cho sản xuất nông nghiệp.

Chị Thúy cho biết, khi sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên người dân hoàn toàn không dùng phân bón hóa học, thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu hóa học, các chất kích thích sinh trưởng hóa học, mà chỉ sử dụng phân hữu cơ compost để bón lót đầu vụ, tăng cường dinh dưỡng bằng các chế phẩm vi sinh như đạm cá lên men, nước trái cây lên men, nước thân cây lên men; phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc thảo mộc như gừng, tỏi, ớt, cây thuốc lá… lên men. Nhờ vậy, khi áp dụng phương thức canh tác tự nhiên sẽ giúp bảo vệ môi trường, đất đai ngày càng tốt lên, sâu bệnh cũng sẽ giảm dần. Sản phẩm làm ra cũng đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.

Chị Thúy cũng lưu ý, đối với cây lúa, để thực hiện thành công mô hình này người nông dân phải sử dụng giống từ cấp xác nhận trở lên, thực hiện đắp đập, be bờ giữ nước thường xuyên để hạn chế cỏ dại phát triển, làm cỏ thủ công. “Mặc dù giai đoạn đầu năng suất lúa có thấp hơn so với sản xuất theo cách thông thường khoảng 20 - 30 kg/sào. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất thấp, giá bán sản phẩm cao nên lợi nhuận mang lại vẫn cao hơn hẳn. Từ 11 ha vụ đông xuân, vụ hè thu này chúng tôi dự kiến mở rộng lên 22 ha”, chị Thúy chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm của chị Thúy, ông Đạt chia sẻ, trên cùng mảnh ruộng của gia đình ông, chất đất giống nhau, số lần bơm chế phẩm giống nhau, liều lượng như nhau nhưng với mảnh ruộng làm mô hình vụ thứ 2 năng suất đạt gần 2,4 tạ/sào trong khi mảnh ruộng làm vụ đầu tiên năng suất chỉ đạt 2,1 tạ/sào.

Theo ông Đạt, nguyên nhân là với ruộng làm mô hình càng lâu thì đất càng được cải tạo, cùng với đó là do tuyệt đối không sử dụng phân bón hóa học nên đất không bị chai. Bên cạnh đó với giống lúa HC95, mặc dù là giống chất lượng cao nhưng dễ nhiễm sâu bệnh, tuy nhiên trong mô hình canh tác tự nhiên này nhờ sử dụng công cụ sạ hàng, phun chế phẩm thảo mộc định kỳ nên hoàn toàn không có sâu bệnh gì xảy ra. “Vụ đông xuân vừa qua, mặc dù các ruộng xung quanh đều bị đạo ôn đầu vụ và rầy gây hại cuối vụ nhưng cây lúa trong ruộng mô hình vẫn phát triển tốt.

Vụ hè thu này, để hạn chế cỏ dại chúng tôi đang tập trung làm đất, bón phân hữu cơ compost sau đó sẽ đóng cống cho nước vào ngâm từ 7 - 10 ngày. Đến ngày gieo chúng tôi sẽ tháo nước ra và dùng công cụ sạ hàng để xuống giống đồng loạt’, ông Đạt cho biết.

Ông Đào Văn Đức, Giám đốc Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương tại huyện Triệu Phong cho biết: “Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Tổ chức Tầm nhìn thế giới đã tiếp tục hỗ trợ chúng tôi triển khai thực hiện dự án này trong 3 năm tới.

Theo đó, bên cạnh các mô hình sản xuất theo phương pháp canh tác tự nhiên dự án sẽ tập trung vào việc hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, cách tiếp cận thị trường…

Về phía huyện Triệu Phong cũng đã cam kết hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân sản xuất theo phương pháp này. Cụ thể, các đơn vị sản xuất theo phương pháp này với quy mô lớn sẽ được hỗ trợ xây dựng kênh mương, đường giao thông nội đồng, hỗ trợ 2 triệu đồng/ha công làm cỏ. Xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu “Gạo sạch Triệu Phong” nhằm quảng bá, nâng cao giá trị sản phẩm”.

Thúy Trần - Thục Quyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang