• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

“Giải cứu” rau VietGAP

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 05/06/2017
Ngày cập nhật: 6/6/2017

Với 80 ha rau các loại được cấp chứng chỉ VietGAP, song nhiều hộ trồng rau trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang gặp khó khi đầu ra cho rau an toàn chưa ổn định, giá cả bấp bênh.

20ha hành lá ở xã Hương An đang gặp khó về đầu ra

Khó tiêu thụ

Mặc dù sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, nhưng thị trường tiêu thụ các loại rau sạch vẫn là các chợ truyền thống nên giá cả chỉ ngang bằng hoặc cao hơn các loại rau sản xuất bình thường khoảng 10- 20%. Trong khi đó, để tuân thủ các quy trình VietGAP, các hộ dân phải thực hiện nghiêm ngặt các khâu từ làm đất, chọn giống, bón phân và chăm sóc nên phải đầu tư kinh phí khá lớn. Thời gian thu hoạch rau cũng kéo dài hơn so với rau trồng thông thường. Song, do chưa có nhãn hiệu, bao bì đóng gói và nguồn cung ổn định nên các hộ trồng rau trên địa bàn đang rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”!

Ông Trần Nhật, xã Quảng Thành (Quảng Điền) lý giải: “Gia đình tôi trồng 1.000m2 rau xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, gồm các loại như cải, xà lách, tần ô, ngò, rau dền…Trước đây cứ nghĩ áp dụng quy trình VietGAP, rau dễ tiêu thụ hơn, giá bán cao hơn; sau khi thu hoạch do không có nơi tiêu thụ nên đưa ra chợ bán và rất khó cạnh tranh với rau thường vì giá cao hơn”. Theo ông Nhật, để tìm đầu ra cho rau sạch, ông đã cất công vào các cửa hàng nông sản sạch ở TP. Huế hợp đồng cung ứng rau, song đa số đều không chấp nhận vì đã có nguồn cung ở nơi khác và chủ yếu là bán rau hữu cơ.

Để giải quyết đầu ra cho vườn rau VietGAP hơn 500m2, ông Lê Phú Đảng ở xã Quảng Thành đã nhiều lần lên TP. Huế đặt vấn đề tiêu thụ ở các cửa hàng nông sản sạch, siêu thị, song do thiếu bao bì đóng gói và các thủ tục kiểm định chất lượng nên không nơi nào đón nhận. “Đa số các cửa hàng nông sản sạch đều đầu tư quỹ đất tự trồng rau, nuôi gà và thực hiện mô hình “tự cung tự cấp”. Vì vậy, rau sau khi thu hoạch chủ yếu bán tại các chợ và bỏ mối cho tư thương nên giá thấp”, ông Đảng chia sẻ.

Cùng chung cảnh khó với rau sạch Quảng Thành, hiện 20ha hành lá trồng theo quy trình VietGAP của HTX Hương An (Hương Trà) , trong đó 8ha đã cấp chứng chỉ và số diện tích còn lại đang triển khai thủ tục cũng đang gặp khó trong tiêu thụ. “Nhiều xã viên than phiền vì trồng hành lá theo quy trình VietGAP tốn nhiều thời gian hơn nhiều so với trồng bình thường, song giá bán chỉ ngang bằng nhau, từ 10- 12.000đ/kg tại ruộng. Mặc dù đã nhiều lần vào tận Đà Nẵng, Huế để tìm nguồn cung, song đến nay chỉ cung cấp một lượng nhỏ cho đại lý ở Đà Nẵng, còn lại chủ yếu bán ở các chợ truyền thống”, Giám đốc HTX Hương An, ông Phan Lộc nói.

Theo bà Nguyễn Thị Như Ý, chủ cửa hàng thực phẩm an toàn Đồng Xanh, hiện mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ khoảng 20 kg rau xanh các loại, song chủ yếu là nhập rau hữu cơ ở phường Hương Sơ, TP. Huế vì sản phẩm rau hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học mà dùng phân hữu cơ, không phun thuốc. Để tạo uy tín và khẳng định thương hiệu với khách hàng, những sản phẩm cung ứng ra thị trường phải có sự giám sát từ khi trồng, thời gian bảo quản đến kỳ thu hoạch. Trong khi đó, các loại rau VietGAP ở huyện Quảng Điền rất khó giám sát và chưa có bao bì đóng gói phù hợp nên cửa hàng không nhập về tiêu thụ”.

Diện tích rau VietGAP ở xã Quảng Thành đang khó tiêu thụ.

Liên kết

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT- Hồ Vang thông tin: “Trong năm 2017, nhiều địa phương trong tỉnh mở rộng diện tích trồng rau theo quy trình VietGAP, trong đó huyện Phong Điền sẽ trồng 4ha, tập trung ở hai xã Phong An và Điền Lộc. Hai địa phương này sẽ đầu tư vốn, xây dựng nhà lưới trồng thêm 2.000m2 rau sạch cung ứng ra thị trường. UBND tỉnh đang khuyến khích nông dân trồng rau sạch, ứng dụng công nghệ cao và sẽ hỗ trợ các dự án trồng rau theo quy trình VietGAP”.

Theo ông Vang, một trong những khó khăn của rau sạch trồng theo quy trình VietGAP hiện nay là do chưa xây dựng được chuỗi cửa hàng giới thiệu nông sản sạch, các hộ trồng rau chưa đầu tư bao bì đóng gói mà chủ yếu là bán chung với các loại rau thường nên người tiêu dùng rất khó phân biệt. Để giải quyết đầu ra cho diện tích rau VietGAP, sắp tới sở tổ chức liên kết giữa các cơ sở sản xuất, thu mua và tiêu thụ rau sạch trên địa bàn nhằm tạo chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm, đồng thời vận động các địa phương đầu tư xây dựng các điểm bán nông sản VietGAP, đầu tư bao bì đóng gói và nhãn hiệu để thu hút khách.

Giám đốc Sở Công Thương, ông Nguyễn Thanh cho rằng: “Để giúp người nông dân tiêu thụ nông sản sạch, vừa qua sở đã tổ chức hội nghị kết nối giữa các cơ sở thu mua và người sản xuất tại huyện A Lưới, kết quả đã có nhiều hợp đồng tiêu thụ nông- đặc sản được ký kết, tạo cơ hội cho người dân tiêu thụ sản phẩm sạch. Sắp tới, sở tiếp tục nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh, trong đó có Quảng Điền và thị xã Hương Trà nhằm giải quyết đầu ra cho nguồn rau VietGAP.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp & PTNT, hiện toàn tỉnh có gần 80ha rau các loại trồng theo quy trình VietGAP, trong đó xã Quảng Thành có 25 ha rau ăn lá các loại, xã Quảng Thọ 31 ha rau má và xã Hương An (thị xã Hương Trà) 20ha hành lá.

Thanh Hương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang