• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cao su được giá, người trồng đầu tư thâm canh

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 01/01/2017
Ngày cập nhật: 3/1/2017

Người trồng cao su tăng cường cạo mủ khi mủ cao su có giá - Ảnh: THỦY TIÊN

Sau 3 năm liên tục mất giá, gần 2 tháng qua, giá mủ cao su nhích dần lên, nhiều người trồng cao su ở các huyện Sông Hinh, Sơn Hòa của tỉnh Phú Yên vui mừng và tập trung thu hoạch mủ.

Tăng tốc thu hoạch cuối vụ

Sau cả tuần mưa liên tục, mấy ngày qua, tranh thủ thời tiết hảnh nắng, các chủ vườn cao su tập trung nhân công khai thác mủ. Ông Cao Nguyên Lâm ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh), cho biết: Cao su đang có giá nhưng thời tiết bất lợi quá nên thu hoạch khó khăn. Mấy ngày gần đây, khi trời hanh ráo, tôi huy động công nhân cạo 17ha cao su đang kỳ cho mủ. Từ 1 giờ sáng đến 4 giờ sáng, gần chục công nhân ở trang trại ra vườn cạo mủ, bình quân, mỗi ngày vườn cao su của gia đình cho thu hoạch khoảng 500kg mủ đông. Số mủ thu được tôi bán với giá 14.000 đồng/kg. Bình quân, hơn 1 tháng nay, mỗi ngày vườn cao su của gia đình tôi cho thu nhập 7 triệu đồng/đêm. Cũng theo ông Lâm, so với nhiều vụ mùa trước, đây là vụ cao su được giá nhất từ trước đến nay. Đầu vụ năm nay (khoảng tháng 5), giá mủ chỉ khoảng 6.000 đồng/kg, sau đó nhích dần lên và đến nay đã được 14.000 đồng/kg, tương đương 350 đồng/độ mủ.

Cạnh rẫy cao su của gia đình ông Lâm, mấy ngày qua, 4 người trong gia đình ông Ngô Văn Lói cũng dậy từ tờ mờ sáng để thu hoạch mủ cao su. Ông Lói cho biết: Gia đình tôi có 7ha cao su. Nhiều năm liền, cao su mất giá, thu nhập không được bao nhiêu nên gia đình tôi không thuê người mà tự thu hoạch để tiết kiệm chi phí. Lúc này, giá cao su nhích lên chút đỉnh, gia đình tập trung thu hoạch, kiếm ít tiền đầu tư cho vườn cao su bị bỏ dãi mấy năm qua. Nhờ tiết kiệm chi phí thuê nhân công nên mỗi ngày vườn cao su của gia đình cho thu nhập 3 triệu đồng.

Hiện mủ cao su có giá nên một số người trồng cao su không tuân thủ quy trình cạo mủ Đ2 (1 đêm cạo, 1 đêm nghỉ) như hướng dẫn. Theo Mí Loan, một người trồng cao su ở xã Ea Trol (huyện Sông Hinh), mấy năm liền mủ mất giá, nay giá mủ bắt đầu tăng, người trồng có lãi nên gia đình Mí Loan tăng cường thu hoạch, cạo 2 đêm nghỉ 1 đêm để có sản lượng. Mặc dù biết cách cạo mủ này là có hại cho cây nhưng từ giờ đến hết vụ thu hoạch chỉ còn hơn 1 tháng nữa nên gia đình Mí Loan “nhắm mắt” bỏ qua quy trình khai thác.

Theo nhiều người trồng cao su, mùa cạo mủ cao su bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài gần hết tháng Giêng năm sau, khi cao su thay lá là kết thúc. Trong khi đó, vào đầu mùa, cao su rớt giá, sản lượng thấp vì nắng hạn, đến khi cao su có giá thì gặp trời mưa nên không cạo được, vì vậy bà con đang cố gắng thu hoạch trong đợt cuối vụ này để kiếm ít tiền. Ngoài ra, nhiều người trồng cao su còn ép cây cho mủ bằng cách bôi thuốc kích thích tiết mủ để tăng sản lượng.

Ông Đặng Minh Trường, Giám đốc Công ty TNHH Phúc Đặng Gia - doanh nghiệp có nhà máy chế biến mủ cao su tại huyện Sông Hinh, cho biết: Hiện sức tiêu thụ mủ cao su của thị trường tăng nên giá mủ cũng tăng theo. Nhà máy đang thu mua mủ với giá 350 đồng/độ mủ. Dự kiến năm nay, nhà máy thu mua khoảng 2.000 tấn mủ thô từ vùng nguyên liệu huyện Sông Hinh và Sơn Hòa. Cao su của các huyện này đã đến tuổi trưởng thành nên sản lượng mủ đạt khá cao, chất lượng mủ tốt.

Đầu tư thâm canh

Theo những người trồng cao su, vì 3 năm liên tục cao su mất giá, sản lượng mủ thu hoạch bán chỉ đủ đắp đổi tiền công cạo mủ nên họ không còn chi phí đầu tư thâm canh cho vườn cao su. Nay giá cao su đã đỡ hơn, người dân bỏ tiền đầu tư bón phân, bổ sung dinh dưỡng cho vườn cao su. Ông Lê Đức Huệ ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa), cho hay: Vườn cao su của gia đình rộng 20ha, hiện mỗi ngày cho thu nhập 10 triệu đồng, trừ chi phí gia đình tôi có lãi 5 triệu đồng. Nhờ có thu nhập nên gia đình có tiền đầu tư bón phân cho vườn. Theo quy trình thì mỗi năm, cao su cần được bón 2 đợt phân vào đầu và cuối mùa mưa. Tuy nhiên, đầu mùa mưa này, cao su mất giá, thu không bù đủ chi nên người trồng không có tiền vô phân. Đợt này có thu nhập, gia đình tôi đầu tư phân thuốc để bổ sung dinh dưỡng cho vườn.

Còn theo ông Cao Nguyên Lâm, với 30ha cao su (gồm 17ha cao su kinh doanh và 13ha cao su kiến thiết), bình quân mỗi đợt vô phân, dọn cỏ, ông mất gần cả trăm triệu đồng. Mấy năm qua, cao su tụt giá, gia đình ông cắt giảm 2/3 lượng phân bón cho vườn. Mùa này có thu nhập nên ngoài bón các loại phân lân, kẽm, kali, ông còn bổ sung thêm phân vi sinh để tăng độ phì cho đất, tạo dinh dưỡng giúp cây lấy lại sức sau thời gian dài thiếu thốn.

Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Toàn huyện có khoảng 3.700ha cao su tập trung ở các xã Ea Ly, Ea Bar, Ea Bá, Ea Trol và Sông Hinh. Trong đó, diện tích cao su đủ tuổi thu hoạch hơn 2.300ha. Sau một thời gian dài cao su mất giá, đến nay, giá mủ đã tăng trở lại. Với giá thu từ 333-350 đồng/độ mủ, bình quân mỗi héc ta cao su người trồng có lãi khoảng 50 triệu đồng. Cao su tăng giá trở lại, người trồng có thu nhập khá nên bà con đầu tư thâm canh cho vườn.

THỦY TIÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang