• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nguy cơ mạ già, lúa trổ sớm, năng suất giảm

Nguồn tin: Báo Nghệ An, 13/01/2017
Ngày cập nhật: 14/1/2017

Những ngày vừa qua ngành nông nghiệp và Báo Nghệ An liên tục đưa tin về việc nhiều địa phương để cho bà con nông dân vội vàng triển khai gieo mạ lúa xuân năm 2017 quá sớm. Kinh nghiệm cho thấy những năm thời tiết ấm, lại gieo cấy sớm thì năm đó lúa sẽ trổ sớm rất dễ gặp phải không khí lạnh của tiết thanh minh làm giảm năng suất lúa nghiêm trọng và thậm chí là mất trắng.

Mạ gieo sớm sẽ bị già, khi cấy sẽ trổ sớm ảnh hưởng đến năng suất. Ảnh: Phương Thúy

Thời tiết của vụ sản xuất vụ xuân năm 2017 được dự báo sẽ ấm hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 - 10C, thậm chí còn có khả năng cao hơn nữa. Còn theo dự báo của tổ chức khí tượng thủy văn Thế giới thì năm 2017 nhiệt độ không khí ẩm, nóng hơn năm 2016. Thế nhưng, bà con nông dân ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn cố tình gieo mạ cho vụ lúa xuân năm nay quá sớm so với lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp hướng dẫn. Theo quan sát thực tế trên đồng ruộng ở các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn… rất nhiều bà con nông dân ta đã xuống đồng gieo mạ từ ngày 15/12. Trời ẩm, mạ lại được phủ nilon kín nên hiện tại mạ đã có 2,5 - 3,0 lá đủ số lá để cấy.

Chủ trương của ngành Nông nghiệp chỉ đạo để lúa trổ vào thời gian an toàn nhất của vụ lúa xuân là từ 25/4 - 5/5. Nếu để lúa trổ trước ngày 25/4 trở về trước rất dễ gặp không khí lạnh tiết thanh minh làm giảm năng suất lúa. Nếu trổ sau ngày 5/5 thì ảnh hưởng đến thời vụ gieo cấy lúa hè thu.

Cách tính cụ thể như sau: Bất cứ giống lúa nào trong vụ xuân cho dù thời gian sinh trưởng khác nhau đều phải lấy ngày trổ an toàn là từ ngày 25/4 - 5/5 và lúa sẽ chín để thu hoạch từ ngày 25/5 trở đi là chắc chắn. Ví dụ: một giống lúa nào đó có thời gian sinh trưởng trong vụ xuân là 130 ngày cho thu hoạch vào ngày 25/5 thì lúa phải trổ vào ngày 25/4 và làm đòng vào ngày 25/3. Cứ vậy mà tính lùi lại ta sẽ xác định được ngày gieo mạ là 15/1 vừa đúng thời gian sinh trưởng của giống lúa đó là 130 ngày.

Nhưng để đề phòng trời ấm thì thời vụ gieo mạ nên từ 15/1 đến 20/1 là tốt nhất. Bằng cách tính toán như vậy chúng ta sẽ xác định được: Nhóm các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 125 - 130 ngày, thời gian gieo mạ từ 15/1 - 20/1. Nhóm các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 130 - 135 ngày, thời gian gieo mạ từ 10/1 - 15/1. Nhóm các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 135 - 140 ngày, thời gian gieo mạ từ 5/1 - 10/1. Nhóm các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 140 - 145 ngày, thời gian gieo mạ từ 30/12 - 5/1.

Trong vụ xuân hiện nay, đa số các địa phương trong tỉnh ta chỉ gieo cấy các giống lúa thuần có thời gian sinh trưởng phổ biến từ 125 - 130 ngày và một số giống lúa lai có thời gian sinh trưởng từ 130 - 135 ngày là chủ yếu. Nhưng thực tế hiện nay nhiều địa phương bà con nông dân ta đã xuống đồng gieo mạ từ sau ngày 15/12. Như vậy khả năng vụ lúa xuân năm nay ở những địa phương nào vội vàng gieo cấy sớm lúa sẽ trổ sớm hơn năm bình thường rất nhiều, dễ làm năng suất lúa giảm nghiêm trọng.

Gieo mạ đến đâu, bà con phủ ni lông đến đó. Tuy nhiên nhiều diện tích gieo trước khuyến cáo của thời vụ sẽ ảnh hưởng đến năng suất. Ảnh tư liệu

Đặc biệt ở những nơi nào, vừa qua đã gieo mạ từ sau ngày 15/12 trở đi, nếu so sánh với lịch thời vụ quy định thì sớm hơn trên dưới 20 ngày, thì càng không thể tránh khỏi hậu quả do lúa phải trổ sớm. Vậy bây giờ nên làm gì đây?

Thứ nhất, như cách tính toán nói trên, nếu cơ sở sản xuất nào, hộ gia đình nào gieo mạ sớm quá 15 - 20 ngày thì nên phá bỏ đi để gieo lại, vì thời vụ gieo mạ các giống lúa xuân có thời gian sinh trưởng từ 130 - 135 ngày, gieo mạ từ 10/1 - 15/1 và các giống lúa xuân có thời gian sinh trưởng từ 125 - 130 ngày, gieo mạ từ 15/1- 20/1. Nếu gieo sạ thì gieo chậm lại từ 5 - 7 ngày.

Thứ hai, những trà mạ mới gieo sau này tuy có sớm hơn thời vụ quy định. Nhưng để hạn chế mạ chóng già do trời ấm, nên nhanh chóng dỡ bỏ dần ni lon cho mạ phát triển chậm lại.

Thứ ba, khi cấy, không vì sợ lúa trổ sớm mà để mạ lưu lại trên nương, cấy chậm lại thì lúa càng trổ sớm. Vì vậy, phải cấy mạ đúng tuổi (2,5 - 3,0 lá).

Thứ tư, có một số địa phương do địa hình đồng ruộng thấp trũng, đất sâu sục bùn, thường có tập quán gieo mạ sớm, cấy sớm để thu hoạch sớm, kịp gieo cấy hè thu. Loại đất sâu sục bùn này nhiệt độ đất tầng canh tác thấp (đất lạnh) hơn so với loại đất có tầng canh tác mỏng, ruộng vàn mưng hoặc loại ruộng đất cát pha thịt nhẹ. Vì vậy, trên loại đất sâu sục bùn có thể gieo cấy sớm hơn 5 - 7 ngày so với lịch thời vụ quy định chung là vừa.

Thứ năm, những trà mạ được cho là già tuổi khi cấy cần lưu ý: trước khi cấy cần được bón đủ và nhiều phân lót để lúa đẻ khỏe và cũng là biện pháp hạn chế lúa trổ sớm.

Làm thế nào để biết được những giống lúa nào, mạ đã gieo rồi có sớm quá hay không để tìm giải pháp hạn chế.

Thứ nhất: Mỗi một giống lúa đều có số lá trên thân (trừ lá mầm ban đầu) là bao nhiêu lá thì tương ứng với thời gian sinh trưởng là bao nhiêu ngày trong điều kiện thời tiết bình thường. Số lá trên thân của mỗi giống lúa là cố định và được di truyền từ đời này qua đời khác. Còn thời gian sinh trưởng của mỗi giống lúa chỉ là tương đối, có thể dài ngày hoặc ngắn ngày hơn hoàn toàn lệ thuộc vào nhiệt độ không khí của vụ sản xuất đó. Nếu nhiệt độ không khí từ 160C trở xuống thì cây lúa ngừng sinh trưởng và sẽ chết nếu nhiệt độ đó kéo dài nhiều ngày.

Ngược lại, nhiệt độ không khí cứ tăng dần và càng tăng cao nhanh thì dẫn đến hiện tượng cây lúa sẽ rút ngắn thời gian sinh trưởng do số lá lúa trên thân cây ra nhanh, ra đủ để làm cho cây lúa làm đòng sớm, trổ sớm và chín sớm so với năm thời tiết bình thường. Đó là lý do vì sao năm nào ấm lúa trổ sớm, năm nào rét đậm, rét hại nhiều cây lúa kéo dài thời gian sinh trưởng và là vụ lúa được mùa nhất do thời gian sinh trưởng kéo dài ra làm cho quá trình tích lũy vật chất trong cây lúa được nhiều hơn.

Thứ hai: Bất kể giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn hay dài ngày, thời gian từ có đòng đến trổ là 28 - 30 ngày và từ trổ đến chín cũng từ 28 - 30 ngày tùy giống ngắn hay dài ngày. Vì vậy để người chỉ đạo sản xuất và bà con nông dân tính toán được lịch thời vụ gieo cấy lúa lúc nào là hợp lý nhất thì căn cứ vào thời gian sinh trưởng của chính giống lúa đó trong điều kiện thời tiết bình thường là bao nhiêu ngày để quy định ngày gieo mạ phù hợp.

Doãn Trí Tuệ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang