• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tiềm năng dược liệu ở An Giang

Nguồn tin: Báo An Giang, 24/05/2017
Ngày cập nhật: 25/5/2017

An Giang có 668 loài dược thảo quý hiếm. Nhiều loại cây thuốc quý có giá trị nằm trong sách đỏ, là tiềm năng phát triển dược liệu (DL) rất lớn. Tỉnh đã xác định DL là cây chủ lực và là một trong 8 sản phẩm trong chương trình phát triển kinh tế-xã hội, có khả năng giảm nghèo hiệu quả, nhất là miền núi.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đinh Thị Việt Huỳnh cho biết: “An Giang được thiên nhiên ưu đãi, có nguồn DL tự nhiên phong phú và đa dạng về chủng loại lẫn công dụng làm thuốc, tập trung chủ yếu ở vùng Bảy Núi (Tri Tôn, Tịnh Biên). Các DL có giá trị cao như: Đinh lăng, nghệ đen, hà thủ ô đen, hà thủ ô trắng, nghệ xà cừ. Ngoài ra, còn có 6 loài cây DL quý nằm trong sách đỏ Việt Nam như: Kim giao, ba gạc Châu Đốc, ba gạc lá nhỏ, bình vôi lá nhỏ, ngũ gia bì gai, trầm hương. Hiện, tỉnh đã phối hợp các viện, trường triển khai nhiều dự án cho kết quả rất khả quan. Qua đó, đã xác định được loài, định danh, lấy mẫu vật, tiêu bản và quy tụ, trồng 893 cá thể cây DL thuộc 103 họ. Sưu tập được 6 loài DL quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam; xây dựng các mô hình trồng theo hướng VietGap và GACP; xây dựng các vườn ươm có khả năng sản xuất tổng cộng trên 300 ngàn cây giống mỗi năm, thu thập được 61 giống cây DL phục vụ cho công tác bảo tồn, tạo mẫu sạch bệnh trong nhân giống 5 loại cây: hà thủ ô đỏ, ngũ gia bì gai, bách bộ, mạch môn, hà thủ ô trắng.

Thu hoạch củ huyền

Nhiều mô hình trồng cây DL dưới tán rừng mang lại hiệu quả như hộ ông Phạm Ngọc Thạch (núi Trọi, xã Lê Trì, Tri Tôn) trồng cây DL ứng dụng công nghệ cao dưới tán rừng 30 héc-ta, thời gian thực hiện từ năm 2015 - 2030, với tổng vốn đầu tư trên 3,2 tỷ đồng do chủ rừng đầu tư để cung cấp DL, đã mang lại hiệu quả bước đầu. Mô hình trồng cây đinh lăng tại xã Vọng Đông (Thoại Sơn) diện tích 0,8 héc-ta, vốn đầu tư trên 222 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ sự nghiệp khoa học - công nghệ được hộ gia đình tự đầu tư hệ thống tưới phun sương và mua cây giống đã cho hiệu quả tốt...

Nông dân trồng cây chùm ngây

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trần Anh Thư thông tin: "Tỉnh đã định hướng vùng bảo tồn và vùng trồng DL từ nay đến năm 2020 là 2.000 héc-ta và đến năm 2030 là 5.000 héc-ta. Tập trung trồng các loài cây có giá trị kinh tế và điều trị bệnh cao, như: Trầm hương, đinh lăng, hương nhu trắng, ích mẫu, nghệ vàng, nghệ xà cừ, ngũ gia bì, dây thuốc cá, xuyên tâm liên, kim tiền thảo. Đang triển khai quy hoạch bảo tồn và phát triển cây DL ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu duy trì và phát triển mô hình trồng cây DL đã có sẵn, cùng các vườn ươm cây giống, xây dựng nhãn hiệu, vùng nguyên liệu cây thuốc gắn với thị trường, tạo thu nhập cho nông dân, góp phần bảo vệ rừng bền vững". Tỉnh đã chấp thuận dự án đầu tư xây dựng nhà máy chưng cất tinh dầu trầm hương trên diện tích hơn 2.354 m2 đất của Công ty Cổ phần sản xuất Hành Tinh Xanh, với công suất thiết kế 4 tấn gỗ/tháng, tương đương 3,6 triệu lít dầu trầm/tháng. Tiếp tục mời gọi đầu tư trồng và chưng cất cây tràm dó, cây tần dầy lá. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Sở Y tế thực hiện các đề tài nghiên cứu và chuyển giao kết quả cho các doanh nghiệp để triển khai sản xuất; xây dựng vùng nguyên liệu cây thuốc.

Hiện nay, trên thế giới có xu hướng sử dụng sản phẩm thực phẩm chức năng từ các loài cây thiên nhiên và trong nước. Nhu cầu sử dụng DL chữa bệnh ngày càng tăng và mạng lưới khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền ngoài công lập cũng phát triển mạnh. Vì vậy, với vùng Bảy Núi có truyền thống trồng và sử dụng cây DL không chỉ để làm thuốc mà còn thay thế rau trong bữa ăn hàng ngày. Đây là vùng có khí hậu, thổ nhưỡng thích nghi nhiều cây DL quý có thể quy hoạch thành vùng bảo tồn cây DL cho vùng Tây Nam Bộ, tránh bị tiệt chủng. Với nguồn DL đa dạng, phong phú của vùng Bảy Núi rất cần được bảo tồn, phát triển.

Hạnh Châu

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang