• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đi qua mùa điều thất bát

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 18/05/2017
Ngày cập nhật: 19/5/2017

Một mùa điều thất bát vừa đi qua ba huyện phía Nam Lâm Đồng. Người dân cũng như chính quyền địa phương đang tính toán hướng chuyển đổi vườn điều. Đây được xem là thời điểm thuận lợi để “thay máu” tổng thể vườn điều bằng giống mới hoặc bằng những cây trồng khác hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Văn Làu tỉa những cành điều chết khô do dịch bệnh. Ảnh: Đông Anh

3 ha thu được 40 kg

Gia đình ông Nguyễn Văn Làu (thôn 3, xã Đoàn Kết, huyện Đạ Huoai) giống như nhiều gia đình khác tại đây trồng chuyên canh cây điều. Ông có 3 ha điều đã cho thu hoạch từ nhiều năm trở lại đây. Những năm trước, bình quân mỗi năm, gia đình ông thu được 3 - 4 tấn hạt điều. Thế nhưng, năm nay, vườn điều gần như bị “mất trắng” khi mót hết cả vườn mới được 40 kg hạt. Dù không lâm vào cảnh túng bấn nhưng gánh nặng về chi tiêu đè nặng lên gia đình ông. Ông Làu chia sẻ: “Như mọi năm thì vườn điều cũng tạm đủ chi tiêu cho gia đình, còn năm nay thì chẳng thu được đồng nào trong khi các khoản vẫn phải chi tiêu, nặng nhất là phải lo cho một đứa con đang học đại học và 2 đứa đang học trung học. Để có tiền xoay xở thì gia đình phải vay mượn thêm và tiết kiệm các khoản chi tiêu”.

Cùng cảnh ngộ mất mùa điều, gia đình ông Nguyễn Văn Khoa, xã Đoàn Kết cũng gặp nhiều khó khăn. Ông Khoa có 2,5 ha điều, vào năm 2015, ông thu được 5 tấn hạt nhưng năm nay, chỉ được 3 tạ. Theo ông Khoa, thu được như thế là còn khá hơn nhiều hộ dân khác trong xã. Bởi lẽ, hàng năm, ông đều đầu tư khoảng 20 triệu đồng để phun xịt thuốc, bón phân cho vườn điều. Khi cây điều bị dịch bệnh, ngoài thuốc trị bọ xít muỗi do nhà nước hỗ trợ, gia đình ông còn mua thêm nhiều loại thuốc đặc trị khác để bơm tích cực “cứu” vườn điều nhưng cũng không ăn thua. Ông Khoa là lính phục viên từ chiến trường Camphuchia. Năm 1998, ông đến xã Đoàn Kết lập nghiệp và trồng điều cho đến nay. Ông cho biết: “Do địa thế đất nằm xa nguồn nước cộng với việc thiếu vốn nên gia đình không thể chuyển đổi diện tích điều sang các loại cây trồng khác như cà phê, cây ăn trái. Trong khi đó, càng bám trụ với cây điều thì càng khó vì phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện thời tiết. Hiện tại, sau thời gian tích cực phun xịt thuốc thì cây điều đã dần hồi phục, ra chồi non. Thế nhưng, tôi cũng không dám khẳng định sẽ phục hồi được bao nhiêu phần trăm, mùa tới sẽ ra sao”.

Tích cực chuyển đổi

Theo ông Cao Viết Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đoàn Kết, toàn xã có khoảng 380 hộ dân trồng hơn 1.200 ha điều. Rất nhiều hộ dân nơi đây đều sống phụ thuộc vào cây điều nên việc mất mùa đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày. Hiện, xã đang tiếp tục triển khai các biện pháp khắc phục theo kế hoạch chung của huyện và vận động bà con học nghề để tăng thêm thu nhập. “Hầu hết diện tích điều trên địa bàn xã Đoàn Kết đều được trồng trước năm 1990 nên hiệu quả kinh tế không cao. Đợt dịch bệnh này cũng là “cơ hội” để người dân tái canh lại. Hiện, Hội Nông dân đang làm thống kê và nắm bắt nhu cầu của hội viên để đề xuất ngành chức năng hỗ trợ dạy nghề, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trước mắt, Hội đã phối hợp với Hội Phụ nữ mở một lớp đan mây tre và đến nay các học viên đã có việc làm, tăng thêm thu nhập. Hội cũng đã nhận giống bắp, đậu do UBND huyện hỗ trợ để người dân trồng dưới tán điều. Diện tích được hỗ trợ giống là hơn 33 ha, giải quyết được một phần khó khăn trước mắt cho người dân” - ông Xuân cho biết thêm.

Mưa trái mùa kèm với sự bùng phát của một số dịch bệnh như bệnh thán thư, bọ xít muỗi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “mất trắng” của vườn điều 3 huyện phía Nam. Theo thống kê, huyện Đạ Huoai có hơn 9.000 ha, Đạ Tẻh có 8.000 ha, Cát Tiên có 5.500 ha điều. Dịch bệnh đã khiến 80 - 90% diện tích điều tại khu vực này bị thiệt hại. Sau thời gian tăng cường dập dịch, hiện, các địa phương đang tính toán các phương án chuyển đổi vườn điều, hỗ trợ sản xuất cho người dân. Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết: “Được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện Đạ Tẻh đã cấp thuốc để người dân phun xịt dập dịch trên cây điều. Đến nay, các diện tích có khả năng phục hồi thì đã hồi phục được, còn khoảng 300 ha không thể phục hồi. Đối với diện tích không thể phục hồi, huyện đã chỉ đạo các xã chuyển đổi sang trồng tre tầm vông (gần 200 ha ở xã Đạ Lây và Hương Lâm) và sang trồng dâu tằm, mía, tràm ở các xã Đạ Kho, Triệu Hải, Quảng Trị (khoảng 130 ha). Đối với 7.000 ha đang phục hồi, huyện cũng đã có chủ trương sẽ chuyển đổi từ từ diện tích này sang trồng các loại khác, trừ những diện tích không thể chuyển đổi. Bởi lẽ, việc biến đổi khí hậu hiện nay diễn biến phức tạp, trong khi cây điều lại không thích ứng được. Nếu tiếp tục duy trì thì người dân sẽ bị thiệt hại ngày càng nặng nề hơn”.

Từ trước đến nay, tập quán canh tác cây điều của người dân chủ yếu theo kiểu “hái lượm”. Cây điều ít được chăm sóc và thu hoạch theo kiểu “được chăng hay chớ”. Chính kiểu chăm sóc này nên khi có dịch bệnh xảy ra thì thiệt hại càng nặng nề hơn. Đã đến lúc vườn điều cần được “thay máu” toàn diện từ việc tái canh bằng giống mới, thay thế bằng cây trồng khác đối với diện tích có điều kiện và cả việc thay đổi tập quán canh tác. Có như vậy, những mùa điều mất trắng mới không còn là nỗi lo trong tương lai.

Đông Anh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang