• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắc Giang: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: Tăng năng suất, thích ứng biến đổi khí hậu

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 08/05/2017
Ngày cập nhật: 10/5/2017

Biến đổi khí hậu (BĐKH) thời gian qua đã tác động tiêu cực đến sản xuất, khiến cây trồng giảm năng suất, thậm chí thất thu. Thực tế này đòi hỏi những giải pháp ứng phó, bảo đảm hiệu quả canh tác khi thời tiết bất thuận.

Nhờ làm nhà màng, nông dân xã Quang Thịnh (Lạng Giang) trồng được một số loại rau trái vụ.

Ít sâu bệnh, tiết kiệm nước

Vụ xuân này, lần đầu tiên bà con thôn Quang Hiển, xã Quang Thịnh (Lạng Giang, Bắc Giang) thành lập hợp tác xã sản xuất rau an toàn trên cơ sở cùng góp đất, góp vốn xây dựng nhà màng với diện tích hơn 1,4 ha. Hiện nay, hầu hết các loại rau như dưa bao tử, rau cải, cà chua... đã được thu hoạch, năng suất cao. Bà Nguyễn Thị Hằng, người dân trong thôn nói: “Nếu không phòng trừ kịp thời, rau xanh thường bị bọ ăn lá. Năm nay tôi trồng trong nhà lưới, rau không bị sâu nên tiết kiệm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, sức khỏe người chăm sóc được bảo đảm do không phải tiếp xúc với thuốc hóa học”.

Điển hình dễ thấy nhất là dưa bao tử. Đây là cây trồng thường xuyên phải dùng thuốc trừ sâu bệnh nếu trồng thông thường. Khi sản xuất trong nhà màng, tuy không dùng thuốc song dưa vẫn khỏe mạnh, bộ lá xanh đen, quả sai, đều.

Ngoài ít sâu bệnh, người dân còn có thể trồng một số cây trái vụ khi có nhà màng như: Xà lách tím, bắp cải tím hay cà chua... Ông Hoàng Văn Trịnh, Chủ tịch UBND xã Quang Thịnh cho biết: “Mái che cộng với hệ thống tưới phun mưa sẽ giảm lượng ánh sáng, nhiệt độ nên thời tiết ít tác động trực tiếp đến cây trồng. Do đó, trong nhà màng vẫn trồng được một số giống cây trái vụ vốn chỉ phù hợp với khí hậu ôn đới”.

Cũng có nhiều ưu điểm, phương pháp canh tác lúa cải tiến (SRI) đã giúp nông dân dần thay đổi nhận thức về cấy lúa. Ông Đặng Văn Tặng, Trưởng phòng Kỹ thuật tổng hợp (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: “Lúa canh tác theo SRI không những giảm lượng giống, phân bón, công lao động mà còn tiết kiệm 20% lượng nước so với cách làm truyền thống. Do vậy, chúng tôi tiếp tục tập huấn, khuyến cáo nông dân mở rộng mô hình này”.

Với những lợi thế ấy, nông dân Yên Dũng áp dụng hàng nghìn ha lúa thâm canh SRI, chiếm khoảng 70% tổng diện tích gieo cấy của huyện. Được biết, canh tác lúa SRI được chú trọng tại một số địa bàn khan hiếm nước như ở các xã: Đông Phú (Lục Nam), Tân Thịnh (Lạng Giang), Tân Hiệp (Yên Thế) ở vụ mùa năm 2016 và cho kết quả cao.

Xây dựng kịch bản BĐKH

Những mô hình trên đã phần nào giảm được những tác động của thời tiết. Tuy nhiên, biện pháp kỹ thuật mới chủ yếu áp dụng trên lúa, rau và chiếm tỷ lệ nhỏ so với cơ cấu cây trồng của tỉnh.

Trước thực tế này, ngành nông nghiệp tỉnh vừa rà soát, xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, lập quy hoạch để bố trí, định hướng cây trồng phù hợp với chất đất, khí hậu. Với khu vực miền núi ưu tiên phát triển kinh tế rừng, cây ăn quả; xã vùng thấp tập trung vào mô hình rau, hoa ứng dụng công nghệ cao (CNC). Theo đó, nhiều cơ chế, chính sách liên quan đến ứng dụng CNC vào nông nghiệp được áp dụng.

Hiện, toàn tỉnh có gần 30 mô hình nhà lưới, nhà kính, nhà màng được xây dựng, bình quân hơn 1 nghìn m2/mô hình để áp dụng CNC vào sản xuất. Ưu điểm lớn nhất của các loại nhà lưới, nhà kính, nhà màng là hạn chế tác động bất lợi của thời tiết. Có mô hình mới đi vào hoạt động và bắt đầu thu lãi như: HTX Hoài Long, xã Bích Sơn (Việt Yên); Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp T.Ư, phường Đa Mai (TP Bắc Giang).

Một biện pháp hiệu quả nữa được ngành nông nghiệp chú trọng là chỉ đạo đơn vị chuyên môn khảo nghiệm, chọn tạo bộ giống có khả năng chống hạn, úng. Trung tâm Giống cây trồng Bắc Giang đang nghiên cứu để tìm bộ giống ớt ngọt, lúa chịu nóng, hạn. Khi thành công, những giống này sẽ được nhân rộng tại các xã vùng cao, miền núi.

Bên cạnh đó, biện pháp kỹ thuật cũng là một trong những yếu tố quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu. Ví như một số nông dân của huyện Lục Ngạn đã có biện pháp chăm sóc đặc biệt để vải thiều ra hoa, được mùa quả ở vụ này trong khi đa phần các vườn vải mất mùa. Bởi vậy, cơ quan chuyên môn đã tổ chức đánh giá, từng bước nhân ra diện rộng.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề xuất, để ứng phó hiệu quả với BĐKH cần xây dựng kịch bản BĐKH, từ đó có những biện pháp phù hợp. Trong đó, phải có sự phân tích, nhận định ở tầm vĩ mô. Bố trí, ưu tiên kinh phí xây dựng hạ tầng sản xuất, giảm phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên. Tuyên truyền nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân chung tay ứng phó với BĐKH.

Trịnh Lan

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang