• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nguy cơ bùng phát bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 08/05/2017
Ngày cập nhật: 9/5/2017

Sau thời gian dài “vắng bóng”, hiện bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá đã xuất hiện trở lại và gây hại ở nhiều diện tích lúa Hè thu 2017 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, từ đó khiến cho bà con nông dân vô cùng lo lắng về loại bệnh nguy hiểm này.

Ông Tám xót lòng nhổ những cây lúa bị bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá trong ruộng nhà mình.

Đang xót lòng nhổ những cây lúa có lá màu vàng hoe vì nhiễm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, ông Lê Văn Tám, ở ấp Xáng Mới A, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, than: “Lâu lắm rồi bệnh này không xuất hiện, tự nhiên vụ này ruộng lúa lại bị nhiễm trở lại khiến tôi trở tay không kịp. Hiện toàn bộ 8,5 công ruộng của gia đình tôi đều bị bệnh tấn công, với tỷ lệ khoảng 3%. Trong đó, 3 công lúa giống IR 50404 bị nặng hơn giống OM 5451”.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện không riêng gì ruộng của ông Tám mà cả cánh đồng lúa nơi đây (khoảng 85ha) đều bị nhiễm bệnh, với tỷ lệ từ 1-3%. Những cây lúa bị bệnh có chiều cao, số nhánh trong bụi bị giảm, còn lá có màu vàng rồi chuyển sang cam và khô dần. Khi người dân nhổ lên thì rễ lúa bị thối. Ông Tám thông tin thêm: “Tôi đã tốn gần 1 triệu đồng tiền mua thuốc về xịt nên bệnh không lây lan sang diện rộng. Đợi ít bữa lúa trổ đều sẽ xịt thêm một cử nữa cho an tâm”.

Cách ruộng ông Tám không xa, gần 1ha lúa (giống OM 5451) của ông Trương Văn Út, ở cùng ấp Xáng Mới A cũng bị nhiễm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, với tỷ lệ nặng hơn. Ông Út cho biết: “Dù là ruộng của tôi sạ hàng nhưng cũng bị bệnh tấn công. Lúc cây lúa được khoảng 25 ngày tuổi đã bắt đầu có triệu chứng nhiễm bệnh và kéo dài đến thời điểm chuẩn bị trổ như hiện nay. Cây lúa nào bị bệnh là hư hoàn toàn vì không trổ bông được. Do đó nếu bệnh nặng sẽ làm giảm năng suất rất nghiêm trọng nên ai cũng lo bệnh bùng phát thêm”.

Theo ngành nông nghiệp huyện Châu Thành A, sau khi bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá xuất hiện, cán bộ nông nghiệp các địa phương có diện tích lúa bị bệnh đã tiến hành tập huấn nhanh cho bà con về biện pháp phòng trị, nhờ vậy mà dịch bệnh phần nào được khống chế, tránh lây lan sang những cây lúa khỏe. Đáng nói là hiện nay, một số khu vực tuy dịch bệnh được kiểm soát nhưng chỉ ở mức độ thấp. Nhìn chung, bệnh đang có chiều hướng lây lan sang diện rộng. Đây thật sự là mối đe dọa cho người trồng lúa nên bà con phải hết sức cảnh giác.

Bà Nguyễn Thị Năm, ở ấp 3A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho hay: “Khi lúa chuẩn bị trổ thì thấy có dấu hiệu lạ nên báo cho cán bộ nông nghiệp địa phương biết. Sau khi họ xuống kiểm tra phát hiện là bị bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (nhiễm khoảng 3%) đã hướng dẫn tôi đi mua về xịt liền nên chặn đứng được bệnh. Giờ lúa đã trổ đều nên phần nào đỡ lo. Tuy nhiên khả năng năng suất lúa giảm vào thời điểm thu hoạch là khó tránh khỏi”.

Nếu vào thời điểm cuối tháng 4, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá chỉ ghi nhận trên địa bàn huyện Châu Thành A, với diện tích khoảng 150ha, tỷ lệ nhiễm bệnh từ 2-5% thì kết quả thăm đồng của ngành chuyên môn Hậu Giang mới đây cho thấy dịch bệnh nguy hiểm này đang xuất hiện thêm ở 2 địa phương khác là huyện Long Mỹ và Vị Thủy. Hiện toàn tỉnh ghi nhận có khoảng 508ha lúa Hè thu 2017 bị bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, phần lớn diện tích đều nhiễm ở mức độ nhẹ, với tỷ lệ gây hại phổ biến từ 3-6%. Bệnh chủ yếu xuất hiện trên các trà lúa giai đoạn làm đòng đến trổ và phân bố rải rác ở 3 địa phương kể trên.

Dự báo trong thời gian tới, rầy nâu và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây hại trên các trà lúa. Do đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị cán bộ kỹ thuật của ngành ở các địa phương cần phối hợp cùng nông dân thường xuyên thăm đồng, kiểm tra mật số rầy nâu tại ruộng, tỷ lệ bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá để có biện pháp quản lý và phòng trừ kịp thời. Ngoài ra, tiến hành vận động nông dân khi phát hiện bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá thì nhổ bỏ và tiêu hủy những cây lúa bị bệnh nhằm tránh rầy nâu chích hút, phát tán mầm bệnh sang những cây lúa khỏe. Mặt khác, khuyến cáo nông dân phun trừ bệnh đạo ôn lá, phun ngừa đạo ôn cổ bông và lem lép hạt cho lúa lúc trước và sau trổ đều...

Hữu Phước

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang