• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Trị: Nỗ lực khắc phục bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 05/05/2017
Ngày cập nhật: 7/5/2017

So với nhiều loại cây truyền thống khác, cây hồ tiêu là loại cây trồng đã giúp nhiều nông dân trong tỉnh Quảng Trị đưa kinh tế gia đình vươn lên khá giả. Tuy nhiên, thời gian qua, bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân. Với sự nỗ lực của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, bệnh chết nhanh trên cây tiêu đã từng bước được khắc phục.

Bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu đã cơ bản được khắc phục trên địa bàn tỉnh

Thời gian này, ông Hồ Văn Phòong ở thôn Bến Mộc II, xã Linh Thượng (Gio Linh) rất lo lắng khi chứng kiến nhiều gốc tiêu trong vườn nhà chết khô, nhiều cây khác bên cạnh, cây lá cũng đã chuyển sang màu vàng, chuẩn bị rụng. Vào thời điểm này những năm trước, chính những gốc tiêu này đã sắp cho thu hoạch thì năm nay, ông Phòong đành ngậm ngùi cắt bỏ cây tận gốc. Nhiều năm nay, cây hồ tiêu đã đem lại nguồn thu nhập chính cho gia đình ông Phòong và nhiều hộ khác trong thôn Bến Mộc II, còn năm nay bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu đã làm ảnh hưởng lớn đến thu nhập của các hộ dân tại địa phương này. Việc khôi phục lại vườn tiêu là mong ước lớn nhất của ông Phòong cũng như nhiều hộ dân ở xã Linh Thượng.

Ông Phòong cho biết: “Không riêng gia đình tôi, ở đây hộ nào trồng tiêu cũng có tiêu chết. Là cây trồng đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân nên bây giờ hộ nào cũng mong muốn khôi phục vườn tiêu. Chúng tôi rất mong cấp trên, các ngành chức năng quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân để việc phục hồi vườn tiêu đem lại hiệu quả, hạn chế được dịch bệnh”. Trước tình trạng này, chính quyền địa phương cũng đã có những giải pháp khắc phục cụ thể nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan. Ông Hồ Văn Ba, Phó Chủ tịch UBND xã Linh Thượng (Gio Linh) cho biết: “Hiện nay, các giải pháp của địa phương chủ yếu là họp dân để tuyên truyền về cách chăm sóc cây tiêu, nhất là trong khâu bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh để phục hồi vườn tiêu”.

Tại Quảng Trị, cây hồ tiêu là cây công nghiệp dài ngày chủ lực đặc trưng của tỉnh, gắn bó lâu đời với nông dân. Trong những năm gần đây, giá hồ tiêu tương đối cao đã khuyến khích nông dân tập trung đầu tư chăm sóc và mở rộng diện tích. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và PTNT, tính đến cuối năm 2016, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh đạt 2.450 ha, sản lượng bình quân đạt 2.000 tấn/năm, doanh thu trên toàn tỉnh hàng năm đạt trên 300 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy năng suất hồ tiêu trên địa bàn tỉnh còn thấp so với mức bình quân chung của cả nước. Bên cạnh đó, việc người dân phát triển diện tích cây hồ tiêu khi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về khoa học- kỹ thuật đã tạo điều kiện cho sâu bệnh gây hại nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.

Thời gian gần đây, một diện tích lớn cây hồ tiêu ở các địa phương trong tỉnh đã bị thiệt hại nặng do biến đổi khí hậu. Chẳng hạn như đầu năm 2016, hơn 1.000 ha hồ tiêu đã bị rụng lá do thời tiết rét đậm, rét hại, làm giảm năng suất hồ tiêu khoảng 30%. Cuối năm 2016, mưa lớn trên diện rộng trong thời gian dài đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu bùng phát và gây hại nhiều diện tích, gây hại nặng trên các vườn tiêu thoát nước kém. Tính đến tháng 4/2017, toàn tỉnh có 373 ha hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh, tỷ lệ bệnh phổ biến từ 2-3%, nơi cao từ 50-70%, diện tích nhiễm nặng là 57 ha, tập trung chủ yếu ở các xã Gio An và Trung Sơn (Gio Linh). So với năm 2016, diện tích cây hồ tiêu chết nhanh toàn tỉnh tăng 188 ha, ước tính thiệt hại do bệnh chết nhanh trên cây tiêu gây ra khoảng 10 tỷ đồng.

Trước tình hình phát triển của bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp tích cực để phòng chống bệnh, tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật xử lý đến tận các địa phương và hộ trồng tiêu. Nhờ vậy, đến thời điểm này, bệnh chết nhanh đã cơ bản được khống chế. Tuy vậy nguồn bệnh trong đất, trong tàn dư cây trồng vẫn còn tồn tại và vẫn còn khả năng tiếp tục gây hại trong những năm tiếp theo khi có có điều kiện thuận lợi nếu không có biện pháp xử lý triệt để và nhận thức của người dân về quản lý bệnh chết nhanh chưa được nâng cao.

Để tạo điều kiện và giúp người dân khôi phục sản xuất, trồng mới cây hồ tiêu bền vững trên những diện tích bị chết và tránh lây lan ra các vườn khác, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã xây dựng kế hoạch phục hồi vườn tiêu chết nhanh theo hướng bền vững năm 2017. Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: “Hiện nay, chi cục đang xây dựng kế hoạch để phục hồi các vườn tiêu bị bệnh chết nhanh theo hướng bền vững, trong đó tập trung vào các biện pháp: Thứ nhất hướng dẫn nông dân các loại hóa chất để xử lý các gốc tiêu bị bệnh nặng, bệnh chết nhanh với mục tiêu đối với các diện tích bị bệnh nặng, khi phục hồi trồng lại không bị bệnh này gây hại nữa.

Thứ hai là tập huấn nâng cao nhận thức của người nông dân về nguyên nhân, triệu chứng cũng như biện pháp phòng trừ có hiệu quả bệnh chết nhanh, đồng thời xây dựng các mô hình trồng hồ tiêu sạch bệnh làm cơ sở cho nông dân trên địa bàn tỉnh học tập và nhân rộng trong thời gian tới”. Chi cục sẽ hướng dẫn xử lý thuốc các cây tiêu đã bị chết do nhiễm bệnh chết nhanh và các trụ tiêu bị bệnh nặng. Triển khai tập huấn kỹ thuật quản lý các đối tượng dịch hại trên cây hồ tiêu tại 3 huyện Gio Linh, Vĩnh Linh và Cam Lộ, đồng thời thực hiện xây dựng vườn tiêu sạch tại 3 huyện này. Đối với việc xây dựng các vườn tiêu an toàn dịch bệnh sẽ được triển khai đối với các hộ trồng tiêu có khả năng đầu tư và có khả năng tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật cho các hộ khác. Đối tượng áp dụng là đối với các vườn tiêu kinh doanh có tỷ lệ bệnh từ 3-4%.

Thông qua việc xây dựng mô hình vườn tiêu an toàn với sâu bệnh nhằm để nông dân học tập và nhân rộng, thời gian thực hiện dự kiến sẽ kéo dài trong vòng 1 năm, từ tháng 7/2017 đến tháng 7/2018, chi cục sẽ xây dựng 5 mô hình trên toàn tỉnh, trong đó, Gio Linh 2 mô hình, Vĩnh Linh 2 mô hình và Cam Lộ 1 mô hình. Về tổ chức thực hiện, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chịu trách nhiệm triển khai các nội dung đúng theo kế hoạch, kịp thời báo cáo với Sở Nông nghiệp và PTNT định kỳ theo hàng tháng, quý. Chi cục cũng đề nghị chính quyền các địa phương, các xã, HTX nơi triển khai kế hoạch cùng phối hợp với chi cục để kế hoạch được triển khai có hiệu quả nhất.

Đồng thời, chi cục kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT sớm trình UBND tỉnh kế hoạch phục hồi vườn tiêu, quan tâm hỗ trợ kinh phí để chi cục và các địa phương sớm triển khai thực hiện kế hoạch phục hồi lại các vườn tiêu bị bệnh chết nhanh theo hướng bền vững. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ cũng cần bố trí thêm nguồn kinh phí để mở các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình chuyển giao ngoài mô hình của tỉnh để nông dân học tập và triển khai áp dụng. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan chuyên môn để hỗ trợ các hộ gia đình phục hồi bền vững diện tích hồ tiêu bị bệnh.

Thanh Lê

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang