• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Các địa phương tăng cường giải pháp phòng trừ dịch bệnh cho hồ tiêu

Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 25/04/2017
Ngày cập nhật: 27/4/2017

Thời điểm hiện nay, các hộ trồng tiêu đang bước vào giai đoạn chăm sóc sau thu hoạch. Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có trên 1.000 ha hồ tiêu bị nhiễm bệnh hại như: tuyến trùng, bệnh chết nhanh, chết chậm… Hiện, các cấp, ngành chuyên môn đang tăng cường công tác cảnh báo, điều tra phát hiện để có biện pháp xử lý kịp thời.

Nhiều gốc tiêu bị chết khiến người dân không kịp trở tay

Theo bà Hoàng Ngọc Duyên, Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp - PTNT) trong những tháng vừa qua, do thời tiết nóng ẩm đã khiến nhiều diện tích hồ tiêu bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Nhiều vườn tiêu xuất hiện dấu hiệu bị vàng lá, chết rải rác nên nguy cơ lây nhiễm ra diện rộng là rất cao.

Tại những vùng sản xuất hồ tiêu trọng điểm như: xã Nâm N’Jang, Đắk N’Drung (Đắk Song), xã Quảng Sơn (Đắk Glong), Đắk D’rông, Ea Pô (Chư Jút)…, dịch bệnh tấn công khiến nông dân không kịp trở tay. Tại xã Đắk N’Drung, những năm qua, việc phòng trừ bệnh hại cho cây hồ tiêu được nông dân hết sức chú trọng.

Ông Nguyễn Thế Hải, Phó trưởng thôn Đắk Kual cho biết: Chưa năm nào người trồng tiêu trong thôn lo lắng như hiện nay. Hiện tại tuy dịch bệnh chưa gây thiệt hại trên diện tích lớn nhưng vườn nào cũng xuất hiện hiện tượng vàng lá và chết rụi từ 5 – 10 cây. Do đó, nguy cơ lây lan diện rộng là rất cao.

Tại vườn hồ tiêu của ông Nguyễn Văn Sự, một hộ trồng tiêu trong thôn Đắk Kual trên diện tích 1,5 ha, tiêu đang độ sung sức, vườn cây tốt sum suê nhưng đã có nhiều trụ tiêu chết rụi, lá khô rụng quanh gốc chỉ còn trơ dây. Theo ông Sự, sau kết thúc mùa thu hái khoảng vài tuần thì vườn tiêu của gia đình ông xuất hiện hiện tượng vàng lá ở một số trụ. Nghĩ vườn tiêu của mình bị “mất sức” do ảnh hưởng của giai đoạn nuôi trái và tác động của quá trình thu hoạch nên ông vẫn chăm sóc bình thường như mọi khi.

Ông Sự cho hay: “Vườn tiêu đang tuổi kinh doanh của gia đình tôi từ 5-7 năm nay chưa hề có dấu hiệu của dịch bệnh. Thế nhưng những tháng vừa qua, vườn tiêu liên tục bị vàng lá dẫn đến chết rụi với số lượng lên đến vài chục gốc”.

Cũng theo ông Sự, khi phát hiện các dấu hiệu không bình thường trên vườn tiêu, gia đình ông đã tích cực chăm sóc, sử dụng các loại phân bón giúp cây nhanh phục hồi, các loại thuốc bảo vệ thực vật đặc trị bệnh tuyến trùng, chết nhanh, chết chậm nhưng nhiều gốc tiêu vẫn chết rụi trước sự bất lực của gia đình. Chỉ tính riêng khu vực quanh rẫy của gia đình ông Nguyễn Văn Sự, hàng chục gia đình có rẫy tiêu cũng xuất hiện nhiều trụ tiêu chết rải rác.

Vườn hồ tiêu của ông Nguyễn Văn Sự ở thôn Đắk Kual, xã Đắk N’Drung (Đắk Song) xuất hiện hiện tượng vàng lá và chết rụi nhiều gốc

Còn tại huyện Chư Jút, hiện tượng vườn tiêu bị nhiễm bệnh dẫn đến suy yếu và chết rải rác xuất hiện ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện. Theo Trạm Bảo vệ thực vật huyện thì đến nay, toàn huyện đã có 111 ha tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó có khoảng 20 ha tiêu bị chết.

Đề cập về vấn đề này, ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Chư Jút cho biết: Trước tình hình cây hồ tiêu trên địa bàn huyện bị nhiễm bệnh trên diện rộng như vậy, ngành Nông nghiệp huyện đã khuyến cáo bà con tăng cường biện pháp chăm sóc, phòng trừ dịch hại. Đồng thời, Phòng Nông nghiệp - PTNT cũng đã phối hợp với UBND các xã tổ chức các buổi trao đổi, hướng dẫn cách chăm sóc cây hồ tiêu cho bà con. Đến nay, đơn vị đã mở được 2 lớp tập huấn về chăm sóc, phòng trừ bệnh hại trên cây tiêu tại thị trấn Ea T’ling và xã Trúc Sơn. Các xã còn lại đang được tiếp tục triển khai.

Cũng theo bà Hoàng Ngọc Duyên, Chi cục Phó Chi cục Bảo vệ thực vật thì so với các năm trước, hiện tượng các vườn hồ tiêu bị nhiễm bệnh diễn biến khá phức tạp. Nguyên nhân do trong mùa khô năm nay thường xuất hiện những đợt mưa trái mùa đã tạo môi trường thuận lợi cho các loại nấm bệnh phát sinh và tấn công vườn tiêu.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 1.123 ha tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó, bệnh tuyến trùng là hơn 891 ha, bệnh chết chậm trên 119 ha, bệnh chết nhanh 113 ha. Ngoài ra, các loại bệnh hại khác như: đốm đen lá, “tiêu điên”, đốm tảo, rệp sáp… cũng gây hại rải rác tại hầu hết các vườn tiêu ở các địa phương.

Trước tình hình đó, để giúp nông dân phòng trừ dịch hại trên cây tiêu hiệu quả, ngành Nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh đã hướng dẫn người dân triển khai nhiều biện pháp canh tác hồ tiêu theo hướng an toàn, bền vững. Trong đó, ngành Nông nghiệp đặc biệt khuyến cáo bà con các biện pháp trồng hồ tiêu theo hướng sinh học, hữu cơ, trồng tiêu trên trụ sống và sử dụng giống có nguồn gốc, bảo đảm chất lượng. Đồng thời, bà con nông dân cũng không nên phát triển diện tích hồ tiêu trồng mới ở những vùng không đủ điều kiện canh tác.

Văn Tâm

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang