• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mía Thới Bình trước nguy cơ xoá sổ

Nguồn tin: Báo Cà Mau, 25/04/2017
Ngày cập nhật: 26/4/2017

Huyện Thới Bình một thời là vùng nguyên liệu mía lớn của tỉnh Cà Mau. Sau nhiều năm thăng trầm, nay vùng mía nguyên liệu này đang dần mất đi chỗ đứng bởi nhiều nguyên nhân. Tỉnh đã có quy hoạch, các ngành chức năng cũng vào cuộc vực dậy nghề trồng mía… nhưng tất cả những nỗ lực đó có nguy cơ mất trắng vì nhiều người trồng mía tự phát chuyển đổi cơ cấu sản xuất vùng đất này.

Ở Trí Phải, từ trồng mía trước đây, bà con chuyển sang mô hình lúa - tôm, rồi chuyển sang trồng gừng khi mía mất giá và thỉnh thoảng thì… ngược lại, mía thay cho gừng. Vòng luẩn quẩn mía - gừng, gừng - mía, quay đi quay lại từ năm này qua năm khác, cây mía cho đến nay chưa lấy lại được vị thế của mình.

Hoang mang vì cây mía

Là nông dân sản xuất giỏi của xã, nhưng không phải từ… trồng mía mà là các mô hình đa cây, đa con khác, ông Võ Văn Đời, Ấp 10, xã Trí Phải, cho biết: “Cây mía cứ năm này được giá thì năm sau giá lại xuống tận đáy, cứ thế nếu bà con cố theo cây mía thì làm sao sống nổi? Từ khi gia đình chuyển sang mô hình lúa - tôm thì cuộc sống khấm khá hơn”.

Người trồng mía của vùng nguyên liệu mía Thới Bình vẫn chưa hết lao đao vì thực trạng được mùa, mất giá.

Không chỉ có mình ông, hiện nay phần lớn người dân trên địa bàn xã Trí Phải đã chuyển dịch sang mô hình lúa - tôm. Ông Nguyễn Hoàng Ca, Phó chủ tịch UBND xã Trí Phải, cho biết: “Trên địa bàn xã chỉ 3 ấp còn mía, các ấp khác đã chuyển sang mô hình lúa - tôm".

Mía rớt giá thường xuyên, nhiều năm nay không giải quyết được đầu ra, gây khó khăn trong việc ổn định, phát triển diện tích mía của địa phương. Cây gừng và cây mía thay phiên nhau được người dân chọn để trồng, tuỳ theo tình hình giá cả thị trường. Thế nhưng, dù chọn loại cây nào thì họ vẫn không thoát khỏi cảnh… được mùa mất giá.

Ông Nguyễn Hoàng Ca cho biết: “Năm nào cây mía rớt giá thì năm sau nông dân lại chuyển sang trồng gừng và ngược lại. Năm nay giá mía tăng, khoảng 1.000 đồng/kg, nên nhiều hộ trồng mía trở lại. Nhưng giá cao thì người trồng mía thực tế cũng không lời được bao nhiêu bởi chi phí cho việc trồng mía giờ tăng cao. Một vấn đề nữa, nhà máy đường mua mía theo chử đường, nên nói giá mía là 1.000 đồng/kg nhưng thực tế thì nông dân không phải ai cũng bán được giá đó, do phụ thuộc vào việc đánh giá chử đường của nhà máy”.

Vẫn còn cơ hội

Cà Mau đã có quy hoạch vùng nguyên liệu mía, có nhiều chính sách hỗ trợ, thế nhưng đến nay nghề trồng mía vẫn bấp bênh. Để phát triển kinh tế hộ, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, tỉnh đã thông qua quy hoạch phát triển vùng mía nguyên liệu đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2015 ổn định tổng diện tích mía của tỉnh là 5.000 ha, phấn đấu đến năm 2020 là 10.000 ha. Riêng xã Trí Phải, nơi đặt nhà máy đường, có diện tích mía lên tới gần 2.000 ha.

Quy hoạch là thế, nhưng thực tế thì ngược lại, diện tích mía ngày càng giảm. Tình trạng người dân đốt, phá bỏ mía do mất giá cứ diễn ra thường xuyên trên vùng nguyên liệu mía Thới Bình. Những năm gần đây trên địa bàn huyện Thới Bình đã có hàng ngàn héc-ta đất mía bị mất, thay thế bằng mô hình tôm - lúa, trồng các loại hoa màu khác, trong đó có gừng.

Ông Nguyễn Hoàng Ca cho biết thêm: “Thực tế, giữ vùng nguyên liệu mía rất khó khăn, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng. Vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo ổn định được đầu ra của sản phẩm, không để người trồng mía bị ép giá. Tình trạng được mùa - mất giá, mất mùa thì được giá vẫn diễn ra mà chưa có cách nào giải quyết ổn thoả”.

Thế nhưng, nếu quyết liệt vào cuộc thì không phải là không còn cơ hội để vực dậy cây mía. Tại hội nghị tổng kết niên vụ sản xuất mía đường 2015-2016 và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho vụ sản xuất 2016-2017, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chỉ rõ, trong sản xuất cần hình thành đầu tư vùng nguyên liệu ổn định, tăng cường năng lực chế biến, giảm giá thành, đa dạng hoá sản phẩm ngành đường, đa dạng hoá phương thức canh tác, phát triển liên kết sản xuất, xây dựng cánh đồng lớn. Các địa phương có nhà máy đường cần rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu cho các nhà máy đường phù hợp với quy hoạch điều chỉnh tổng thể của cả nước và tình hình biến đổi khí hậu. Chỉ đạo, tổ chức lại sản xuất mía nguyên liệu theo hướng doanh nghiệp liên kết với nông dân, nông dân liên kết với nông dân để xây dựng các cánh đồng mía lớn tạo thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng kỹ thuật thâm canh và cơ giới hoá. Chỉ đạo lựa chọn bộ giống mía tốt, quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây mía phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương để hướng dẫn, khuyến cáo doanh nghiệp và nông dân áp dụng. Tăng cường công tác khuyến nông cho cây mía, chú trọng phổ biến, nhân rộng những mô hình sản xuất mía hiệu quả. Các doanh nghiệp sản xuất đường phối hợp với chính quyền địa phương rà soát lại quy hoạch vùng nguyên liệu mía cho nhà máy. Trên cơ sở đó, rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ cho nông dân, hướng đến mục tiêu tăng sản lượng và chử đường trong bối cảnh diện tích mía không tăng. Bên cạnh đó, chủ động nghiên cứu các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương để kết nối, hướng dẫn cho người dân tiếp cận.

Rõ ràng, để vực dậy vùng nguyên liệu mía của tỉnh thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của tất cả các cấp, ngành liên quan. Cần tránh trường hợp quy hoạch là một chuyện, thực tế lại là chuyện khác. Một vấn đề cần giải quyết sớm hiện nay là đừng để người trồng mía tự bơi trên vùng nguyên liệu rồi dẫn đến phá vỡ quy hoạch

Đặng Duẩn

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang