• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nỗ lực đi tìm “ngọt trong mặn”!

Nguồn tin: Báo An Giang, 20/04/2017
Ngày cập nhật: 21/4/2017

Lần thứ 2 chúng tôi trở lại thăm “nhà khoa học” nông dân Hoa Sĩ Hiền (sinh năm 1969, ngụ ấp Tân Phú B, xã Tân An, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang). Đến thời điểm này, ông đã lai tạo thành công 30 giống lúa mới mang thương hiệu Tân Châu (ký hiệu TC). Nhưng điều chúng tôi được chia sẻ nhiều nhất không phải là về những giống lúa chất lượng cao (CLC), có khả năng chống bệnh tốt mà câu chuyện lần này xoay quanh TC7 - giống lúa có khả năng chịu được độ mặn đến 10‰ (g/l).

“Năm 2012, khi đang tập trung nghiên cứu những giống lúa CLC như TC 12, TC13, TC14, TC16, TC17... tình cờ tôi nghe nói về vấn đề xâm nhập mặn ở các tỉnh lân cận như Kiên Giang, Sóc Trăng. Thế là, tôi tặng giống lúa TC7 cho một số nông dân ở Kiên Giang. Đến ngày thu hoạch, tôi nhận được thông tin, những giống lúa cùng gieo trồng trên ruộng đất chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn nhưng chỉ có duy nhất giống TC7 là chống chọi được. Dù năng suất chưa cao nhưng đó là tín hiệu vui ở thời điểm ấy. Từ đó, tôi bắt tay vào việc nghiên cứu, lai tạo giống lúa chịu được độ mặn cao. Tôi đi khắp các vùng, miền đang chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn để lấy mẫu đất và nước về thí nghiệm. Sau đó, tôi dành riêng một khoảng ruộng để tái dựng mô hình trồng lúa trên đất mặn. Lúc nào cũng vậy, tôi luôn để lúa của mình sống trong cái mặn cao hơn ở những vùng đã lấy mẫu thử để xem sức chịu đựng của chúng thế nào. Không ít người cho rằng, tôi làm điều này là vô bổ vì Tân Châu sẽ không thể nào bị xâm nhập mặn. Nhưng giống lúa chịu mặn của tôi nghiên cứu là nhằm phục vụ tất cả bà con đã, đang và sẽ chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn” - nông dân Sĩ Hiền nói.

Tham quan mô hình trồng lúa TC7 của “nhà khoa học” nông dân, chúng tôi thấy nó được thiết kế gồm 3 hộc hình chữ nhật và cũng được trồng với 3 vụ. Mỗi hộc có diện tích khoảng vài chục mét vuông với độ mặn khác nhau theo thứ tự tăng dần từ: 5‰, 10‰ đến 15‰. Sau nhiều năm nghiên cứu, nông dân Hoa Sĩ Hiền đã thành công với giống lúa chịu được độ mặn 5‰. Nếu như năng suất ban đầu của nó chỉ chiếm 450kg/1 công thì nay đã tăng lên hơn 700kg/1 công. Và nay, giống lúa này được trồng nhiều ở các tỉnh: Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng. Còn với độ mặn 10‰, giống lúa TC7 vẫn có khả năng chống chịu được nhưng năng suất vẫn chưa cao. Qua chia sẻ, lão nông Hoa Sĩ Hiền cho biết đang cố gắng nghiên cứu để lúa của mình có thể sống được với độ mặn 15‰ và cho năng suất cao.

“Hơn 5 năm nghiên cứu TC7, tôi rút ra kinh nghiệm rằng độ mặn sẽ thay đổi thường xuyên và liên tục theo từng ngày, từng giờ chứ không phải theo mùa, theo năm như một số người vẫn nghĩ. Ngoài nghiên cứu giống lúa chịu mặn, tôi còn tập trung nghiên cứu giống lúa chịu hạn. Hiện, tôi đang sở hữu khá nhiều giống lúa cổ, có loại gần 100 năm tuổi. Trong số đó, có loại lúa thuộc giống của người dân vùng cao. Có lẽ, điều này thật không tưởng nhưng ngày nào còn hơi thở, ngày đó tôi sẽ còn theo đuổi công trình nghiên cứu của mình” - ông Hoa Sĩ hiền nói chắc nịch.

Trước tình trạng thời tiết bất thường, nắng hạn kéo dài như hiện nay, lão nông Hoa Sĩ Hiền sợ rằng mình không có nhiều thời gian để đạt được mục tiêu lớn nhất ấy, bởi “sức người có hạn”! Với lại, phải nghiên cứu trong điều kiện khá chật vật, thiếu thốn thiết bị thì đến nhà khoa học thật thụ cũng chưa thể phát huy hết năng lực của mình nói gì đến một nông dân. Chúng tôi thấy rất rõ nỗi lo lắng ấy qua ánh mắt băn khoăn, trăn trở mỗi khi người nông dân tên Hiền chạm tay vào những cây lúa của mình. Vậy nên, mỗi đợt sinh viên về thực tập, nông dân Hiền đều hướng dẫn, chia sẻ thêm về giống lúa TC7 với mong muốn sẽ có người “cùng chung chí hướng” đam mê với cây lúa có khả năng chịu hạn, chịu mặn.

Ông Nguyễn Văn Diệu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân An (thị xã Tân Châu) cho biết: “Nông dân Hoa Sĩ Hiền có nhiều đóng góp cho địa phương trong việc lai tạo giống lúa mới từ TC1 đến TC30. Những khi mưa xuống gây ngập úng, bà con không có giống gieo trồng, ông Hiền đã tự nguyện hỗ trợ giống lúa cho bà con để mọi người xuống giống kịp mùa vụ. Với việc nghiên cứu, lai tạo giống lúa có khả năng chịu mặn cao từ 10‰ - 15‰ của ông, chúng tôi rất quan tâm và sẽ liên hệ các ngành chức năng hỗ trợ một số dụng cụ cần thiết nhằm tạo điều kiện giúp nông dân Hiền nghiên cứu.”.

Phương Lan

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang