• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vụ lúa hè thu 2017: Nông dân cần chủ động trước bất lợi của thời tiết

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 12/04/2017
Ngày cập nhật: 14/4/2017

Đến nay, nông dân TP Cần Thơ xuống giống được hơn 67.800ha lúa hè thu 2017 trên diện tích kế hoạch 77.600ha. Nhìn chung, các trà lúa phát triển khá tốt và ít sâu bệnh. Tuy nhiên, thời tiết tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nông dân cần thăm đồng thường xuyên, chủ động phòng tránh rủi ro, đảm bảo thắng lợi vụ lúa này.

Chi phí sản xuất tăng

Lúa hè thu trên địa bàn TP Cần Thơ chủ yếu đang trong giai đoạn đẻ nhánh đến chuẩn bị làm đòng và trổ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, nhìn chung, các trà lúa hè thu trên địa bàn thành phố đang phát triển khá tốt. Một số trà lúa xuất hiện rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn và bị chuột cắn phá. Một số loại dịch hại khác tấn công, nhưng với mật số thấp, nằm trong vòng kiểm soát.

Ông Nguyễn Văn Nhàn ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ chăm sóc ruộng lúa hè thu 2017.

Ông Nguyễn Văn Nhàn ngụ ấp Thới Phong A, thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, cho biết: "Thời tiết diễn biến rất khó đoán, xuất hiện mưa trái mùa. Giai đoạn lúa còn nhỏ và chưa trổ, gặp mưa là thuận lợi. Nhưng lúc lúa trổ và chín, gặp phải trời mưa sẽ ảnh hưởng năng suất lúa. 3 công lúa của tôi gieo sạ được hơn 35 ngày, lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh phát triển khá tốt, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, tôi luôn thăm đồng thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện, phòng trị sâu bệnh". Ông Nguyễn Văn Lộc ngụ phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt, cho biết: "Lúa hè thu của tôi đã được hơn 40 ngày, nhìn chung ít sâu bệnh và phát triển khá tốt. Nhưng tôi cũng khá lo vì thời tiết bất lợi, mưa giông và các loại dịch hại nguy hiểm như rầy nâu, muỗi hành hại lúa… có thể còn có những diễn biến phức tạp khó đoán". Vụ này, gia đình ông Lộc gieo sạ khoảng 50 công lúa (trong đó có hơn 30 công đất mướn với giá 3,5 triệu đồng/công/năm) chủ yếu sử dụng giống chất lượng cao OM 4218. Vụ rồi, thời tiết diễn biến rất thất thường, nhất là mưa giông xảy ra cuối vụ làm lúa bị đổ ngã và thất thoát trong thu hoạch nên năng suất lúa bị giảm đáng kể so mọi năm. Do vậy, vụ hè thu này, ông rất quan tâm việc tu sửa, gia cố bờ bao quanh ruộng, chủ động các phương tiện để sẵn sàng tiêu thoát nước cho ruộng lúa. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật bón phân cân đối, chú ý bổ sung phân bón kali để cây lúa khỏe, ít bị đổ ngã.

Đầu vụ sản xuất hè thu 2017 đến nay, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều trận mưa trái mùa và thủy triều thường xuyên ở mức cao, tạo nhiều thuận lợi cho nông dân bơm tưới nước cho ruộng lúa cũng như giảm được số lần phải bơm nước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của giá phân bón và một số loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng nên khả năng năng suất lúa trong vụ này khó đạt cao so với đông xuân. Theo anh Phan Văn Mỹ ngụ ấp 3, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, chi phí sản xuất lúa trong vụ hè thu này dự kiến tăng khoảng 500.000 đồng/công lúa do phân bón, chi phí nhân công, giá xăng, dầu, điện ở mức cao. Tuy giá nhiều loại phân bón đã giảm so với đầu vụ nhưng vẫn còn cao hơn tăng trên dưới 100.000 đồng/bao 50kg so với năm trước. Vụ hè thu, nông dân thường phải tăng lượng bón phân để trừ hao lượng phân bốc hơi do trời nắng nhằm đảm bảo năng suất.

Tích cực hỗ trợ nông dân

Trước tình hình sản xuất có nhiều bất lợi, các cấp chính quyền và các ngành chức năng thành phố đã và đang tích cực hỗ trợ nông dân thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm thiểu thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra. Theo đó, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đã có khuyến cáo kịp thời cho chính quyền các địa phương và nông dân thực hiện những biện pháp chủ động phòng tránh các rủi ro trong sản xuất và ứng phó với những diễn biến bất lợi của thời tiết. Trong đó, Sở lưu ý sau khi thu hoạch lúa đông xuân 2016-2017, các địa phương cần tích cực vận động nông dân chuyển đổi trồng cây màu trên nền đất lúa kém hiệu quả. Đối với các diện tích sạ lại lúa, phải đảm bảo thời gian cách ly giữa vụ đông xuân và vụ hè thu ít nhất 3 tuần. Quan tâm xuống giống theo lịch thời vụ khuyến cáo để né rầy, tránh hạn đầu vụ và xuống giống đồng loạt, tập trung trên từng vùng, cánh đồng để dễ quản lý sâu bệnh, thuận tiện cho chăm sóc, thu hoạch lúa. Khuyến cáo nông dân sử dụng giống xác nhận, áp dụng biện pháp sạ hàng, sạ thưa, lượng giống sử dụng không quá 120 kg/ha, áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật để giảm giá thành, thu hoạch bằng cơ giới, sấy sau thu hoạch nhằm giảm thất thoát và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Khuyến khích nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất lúa theo hướng an toàn, thân thiện môi trường như "3giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", tưới tiêu nước tiết kiệm, công nghệ sinh thái, sản xuất và sử dụng các chế phẩm sinh học trong quản lý sâu rầy, chú ý không sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn lúa từ 0 đến 40 ngày sau sạ.

Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông Thôn TP Cần Thơ, đầu vụ hè thu 2017, thời tiết có mưa, ít nhiều gây khó cho nông dân trong tiêu thoát nước đầu vụ, làm đất, diệt cỏ dại và chuyển đổi từ lúa sang trồng mè. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ và khuyến khích của ngành Nông nghiệp và các cơ quan chức năng, nông dân tại nhiều địa phương đã chủ động chuyển sang trồng các loại rau màu khác, như các loại đậu, dưa… có hiệu quả kinh tế cao hơn. Nông dân cũng tiếp tục tăng cường liên kết với nhau, liên kết với doanh nghiệp để duy trì và phát triển các mô hình "cánh đồng lớn" có hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhằm đảm bảo đầu ra. Vụ hè thu 2017, diện tích lúa nông dân tham gia mô hình "cánh đồng lớn" dự kiến đạt khoảng 17-18 ngàn ha.

Thời tiết bất lợi trong vụ đông xuân 2016-2017 khiến năng suất lúa và lợi nhuận giảm nên bà con đang rất kỳ vọng vào vụ hè thu này. Mong ngành Nông nghiệp tích cực hỗ trợ và nông dân cũng cần tuân thủ tốt các khuyến cáo của ngành chức năng để có vụ mùa thắng lợi.

Khánh Trung

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang