• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Không đơn thuần là cây lương thực

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 10/04/2017
Ngày cập nhật: 12/4/2017

Nếu xét trên cùng đơn vị diện tích, có lẽ cây lúa là loại cây trồng đứng vị trí thấp nhất cả về giá trị lẫn lợi nhuận, nên thu nhập của người trồng lúa cũng thuộc vào hàng thấp nhất so với nhiều loại cây trồng khác. Điều này sẽ khó có thể cải thiện trong ngắn hạn, nếu như chúng ta vẫn cố níu giữ tư duy chỉ xem cây lúa là cây lương thực.

Do chỉ được nhìn nhận là cây lương thực thuần túy, nên giá trị của cây lúa chủ yếu được định đoạt qua hạt gạo, còn tất cả các sản phẩm khác do cây lúa tạo ra, như: rơm rạ, vỏ trấu, cám, tấm… đều được xếp vào loại phụ phẩm. Một khi được xếp vào nhóm phụ phẩm, các sản phẩm này thường ít được quan tâm và tất nhiên kèm theo đó là giá trị sẽ không cao. Do đó, giá trị cây lúa hầu như chưa bao giờ vượt lên so với một số cây trồng khác.

Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, trên đồng còn một lượng lớn rơm rạ, nếu được thu gom, sử dụng sẽ mang lại giá trị tăng thêm cho nhà nông.

Hạt gạo Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh gay gắt với nhiều nước trên thế giới cả về số lượng, chất lượng lẫn giá trị. Do đó, trong mục tiêu tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng và tạo giá trị khác biệt có ý nghĩa, một giải pháp không thể thiếu là đưa các phụ phẩm lúa gạo trở thành hàng hóa cho các ngành công nghiệp chế biến, chứ không chỉ đơn thuần là hạt gạo.

Một trong số những phụ phẩm có sản lượng lớn của cây lúa chính là rơm rạ. Theo tính toán cân bằng vật chất, sản lượng rơm rạ hàng năm từ sản xuất lúa tương đương với sản lượng lúa thu hoạch. Trong khi đó, từ trước đến nay, nông dân chủ yếu đốt bỏ rơm rạ để cải tạo đồng ruộng, vừa lãng phí lại vừa gây ô nhiễm môi trường và làm gia tăng hiệu ứng nhà kính.

Những năm gần đây, khi nghề trồng nấm rơm và chăn nuôi gia súc phát triển, giá trị nguồn rơm rạ mới được nhìn nhận và đang có chiều hướng tăng thêm hàng năm. Mỗi một công rơm, nếu bán thô cho người đi thu gom cũng được vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đồng, còn nếu đưa vào làm nấm rơm, hay ủ chua để nuôi bò, giá trị của nó sẽ tăng thêm rất nhiều.

Một loại phụ phẩm khác sản lượng lớn đứng thứ 2 là vỏ trấu. Đây là loại nhiên liệu được người dân sử dụng làm chất đốt trong sinh hoạt hàng ngày nhờ có giá cực rẻ, thậm chí có giai đoạn cho không cũng không có người lấy, khiến các nhà máy phải lén lút tuồn xuống kênh rạch, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Giá trị của vỏ trấu hiện đã được nâng lên khá hơn nhiều so với trước nhờ có thêm công nghệ ép than củi trấu.

Rõ ràng, khi có yếu tố khoa học - công nghệ, giá trị của rơm rạ và vỏ trấu từng bước được tăng lên. Riêng vỏ trấu, giá trị và tiềm năng của nó còn rất lớn một khi được đưa vào sản xuất viên nén trấu, hay sản xuất than hoạt tính sinh học và đặc biệt là sản xuất vật liệu nano silicat sử dụng cho công nghệ chất phủ sơn hay phụ gia thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm… Với sản lượng trấu hàng năm thải ra của nước ta ước khoảng 10 triệu tấn sẽ là nguồn nguyên liệu rất lớn cho công nghệ sản xuất nano silicat có giá trị cao.

Tuy hai loại phụ phẩm trên có số lượng lớn, nhưng phụ phẩm cám gạo mới được xem là loại hàng hóa công nghiệp đứng thứ hai sau gạo, trước nay chủ yếu được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Không phải đến bây giờ, mà từ lâu cám gạo đã được đưa vào những ngành công nghiệp mới có giá trị gia tăng rất cao, như: công nghiệp thực phẩm, hóa chất, dược, mỹ phẩm... với các sản phẩm, như: dầu ăn cao cấp, dầu salad, margarine… Ngoài ra, sản phẩm sáp gạo còn được sản xuất lớp bọc bánh kẹo, chất đánh bóng sàn, vật liệu cách điện, chất chống thấm, sản phẩm cho ngành dược, ngành mỹ phẩm...

Như vậy có thể thấy, bên cạnh giá trị hạt gạo, cây lúa vẫn còn đó một tiềm năng rất lớn từ các phụ phẩm để có thể nâng cao thêm giá trị cho ngành hàng lúa gạo. Hiện nay, việc tăng năng suất lúa thêm nữa gần như là rất ít, còn tăng chất lượng cũng có giới hạn nhất định, nên để gia tăng giá trị ngành hàng lúa gạo trong thời gian tới như chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị sản xuất ngành hàng lúa gạo mới đây, rất cần có sự quan tâm nhiều hơn đến các ngành công nghiệp sau lúa gạo.

Phát triển công nghiệp sau lúa gạo là vấn đề cần thiết, để đưa ngành lúa gạo từ một ngành sản xuất nông nghiệp đơn thuần phát triển theo chuỗi giá trị “nông nghiệp – công nghiệp” với nhiều sản phẩm có giá trị cao, giúp nâng cao thu nhập cho các đối tác tham gia chuỗi, đặc biệt là người trồng lúa. Hay nói cách khác, khi cây lúa không còn được xem là cây lương thực đơn thuần, thì ngành lúa gạo mới phát triển một cách hiệu quả và bền vững nhất, thu nhập người trồng lúa mới được cải thiện đúng với công sức mà họ đã bỏ ra.

Tích Chu

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang