• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Rau an toàn - làm sao để nhận biết?

Nguồn tin: Hà Nội Mới, 11/04/2017
Ngày cập nhật: 12/4/2017

Theo thống kê của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, 90% người tiêu dùng không phân biệt được rau an toàn, rau hữu cơ với các sản phẩm rau đại trà. Để tránh “vàng thau lẫn lộn”, cùng với triển khai đồng bộ quy trình sản xuất, giám sát chất lượng, cơ quan quản lý đang tăng cường giải pháp nâng cao kỹ năng nhận biết các loại rau cho người tiêu dùng.

Siêu thị, chuỗi cửa hàng bán nông sản an toàn là địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng. Ảnh: Bá Hoạt

Làm sao để nhận biết rau an toàn?

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), sản xuất rau đang đi theo ba hướng: Rau thông thường (rau đại trà); rau an toàn (RAT) và rau hữu cơ (RHC). Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam Hà Phúc Mịch cho biết, cần phân biệt rõ ràng các phương thức sản xuất và kênh phân phối để nhận định chất lượng của từng loại rau: Rau đại trà là loại được sản xuất theo lối truyền thống, không được kiểm soát kỹ về nguồn đất, nguồn nước và quy trình sản xuất; RAT là loại sản xuất theo quy trình “sạch” đúng tiêu chí của Bộ NN&PTNT được cấp chứng chỉ VietGAP hay GlobalGAP; RHC là loại được sản xuất theo hệ thống canh tác tự nhiên, không sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt về nguồn đất, nguồn nước, giống, sơ chế, bảo quản...

Hiện nay, có rất ít cơ sở sản xuất RHC nên phần lớn sản phẩm loại này chỉ bày bán trong siêu thị, cung cấp cho các công ty, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Ông Hà Phúc Mịch nhận định: Đa số người tiêu dùng đang nhầm lẫn giữa RAT và RHC. Các sản phẩm RAT đạt chất lượng VietGAP hay GlobalGAP có thể vẫn được dùng phân hóa học, thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác, nhưng được kiểm soát theo quy trình nên vẫn bảo đảm sạch...

Để phân biệt các loại rau, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Nguyễn Như Tiệp khuyến cáo: Người tiêu dùng nên tìm đến các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán nông sản an toàn để mua những sản phẩm đạt yêu cầu. Ngoài ra, có thể nhận biết qua nhãn mác được gắn trên bao bì, và thông qua đó, người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Về phía người tiêu dùng, chị Nguyễn Thị Dung ở tổ dân phố 1 Văn Quán (quận Hà Đông) chia sẻ kinh nghiệm: Gần 10 năm nay, gia đình tôi sử dụng các loại RAT, RHC ở các siêu thị Vinmart, Co.op Mart, Big C, Metro... Về cảm quan, RHC thân cứng cáp, lá dày hơn và có màu hơi vàng chứ không xanh đậm như rau thông thường...

Chăm sóc ran an toàn tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. Ảnh: Bá Hoạt

Tăng thông tin cho người tiêu dùng

Hà Nội là một trong những thị trường tiêu thụ rau xanh lớn. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng RAT, RHC ngày càng cao. Theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội, ngoài việc mở rộng diện tích sản xuất RAT, rau theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và RHC, Hà Nội đã tăng cường hệ thống quản lý các chuỗi siêu thị, cửa hàng bán nông sản sạch, kiểm tra, lấy các mẫu rau xét nghiệm để đưa ra cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng. Ngành Nông nghiệp Hà Nội cũng đã xây dựng hệ thống giới thiệu sản phẩm RAT trên website của Sở và kênh tư vấn qua tổng đài 1080. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể trao đổi thông tin với cơ quan quản lý thông qua số điện thoại của các đơn vị được công khai trên website của Sở NN&PTNT và các trang điện tử về RAT, RHC. Qua đó, cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt, kịp thời giải đáp thắc mắc về RAT, RHC với người tiêu dùng.

Cùng với việc tăng tường thông tin, kiến thức cho người tiêu dùng qua các kênh khác nhau thì hệ thống siêu thị, doanh nghiệp tham gia cung ứng sản phẩm RAT, RHC cũng đang xây dựng chiến lược kinh doanh riêng để tạo niềm tin với khách hàng. Theo ông Trần Mạnh Chiến - chủ chuỗi cửa hàng rau, thực phẩm sạch Bác Tôm, để người tiêu dùng yên tâm, cửa hàng thường đưa khách hàng đến tham quan quy trình sản xuất ở các nông trại. Nếu doanh nghiệp xây dựng chuỗi sản phẩm khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ thì sẽ tạo được sự tin tưởng đối với người dùng.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam cho biết: "Để chấp nhận một loại rau sạch được bày bán trong hệ thống siêu thị của công ty, chúng tôi phải tổ chức đoàn kiểm tra, tham quan thực tế vùng rau, ký cam kết với nhà sản xuất không để xảy ra tình trạng trà trộn rau không bảo đảm an toàn chất lượng. Đồng thời, trang bị hệ thống kỹ thuật chặt chẽ để kiểm soát chất lượng rau vào siêu thị”.

Tuy vậy, để tránh nhập nhèm sản phẩm, việc hướng nông dân sản xuất rau theo chuỗi, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ cao được coi là "chìa khóa" giải quyết tận gốc vấn đề chất lượng. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, để phát triển cây rau bền vững, việc tập trung đầu tư sản xuất RAT và RHC, trong đó RHC là giải pháp mang tính chiến lược dài hạn.

Thực tế hiện nay, nhiều địa phương đang quy hoạch vùng RAT, hướng nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP và GlobalGAP. Riêng với sản xuất RHC, trong nước mới có 2 mô hình là doanh nghiệp tư nhân và nhóm hộ nông dân. Khó khăn lớn nhất đối với sản xuất RHC là chưa có bộ tiêu chí cụ thể về quy trình sản xuất và khâu giám sát. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm ban hành bộ tiêu chí và xây dựng đề án cụ thể nhằm nhân rộng mô hình, từng bước hình thành thị trường minh bạch cho RAT, RHC.

Đào Huyền - Bạch Thanh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang