• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Doanh nghiệp liên kết “rởm” khiến nông dân khốn đốn

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 08/04/2017
Ngày cập nhật: 10/4/2017

Người dân có nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu đồng khi liên kết trồng gừng với Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An. Ảnh: PV

Tin tưởng vào chiếc “bánh vẽ” mà Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An, có trụ sở chính tại tỉnh Bình Phước và văn phòng đại diện tại thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa bày ra, nhiều người dân đã mạnh dạn đầu tư để liên kết trồng gừng. Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch, năng suất gừng thực tế thấp so với hứa hẹn và doanh nghiệp thì cũng chẳng thấy đâu. Nhiều người dân đang đứng trước nguy cơ mất trắng hàng trăm triệu đồng đã đầu tư.

Sau khi ký kết hợp đồng trồng và bao tiêu gừng với Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An, do ông Mai Xuân Quảng làm giám đốc, gia đình ông Lê Văn Thông ở thôn 3, xã Định Tiến (Yên Định) đã đầu tư trồng 2.000 bao gừng. Gừng giống mà công ty cung cấp cho gia đình ông Thông là gừng trâu, với số lượng 170 kg. Giá gừng giống của công ty cung ứng là 80.000 đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại, gia đình ông Thông đã đầu tư gần 50 triệu đồng. Theo hợp đồng, sau 8 tháng trồng, công ty sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm, trong đó 1.000 bao ban đầu được mua với giá 25.000 đồng/1 kg, phần còn lại sẽ được thỏa thuận theo giá thị trường trước khi thu hoạch 15 ngày. Hợp đồng cũng ghi rõ: Nếu chăm sóc đúng quy trình công ty hướng dẫn mà sản lượng bình quân dưới 2,5 kg/1 bao, công ty vẫn tính đủ 2,5 kg/1 bao cho bà con. Thế nhưng, khi đến kỳ thu hoạch, mỗi bao gừng của gia đình ông chỉ đạt sản lượng trung bình là 0,2 kg (bằng 1/10 so với dự tính). Ông Thông cũng đã gọi điện liên hệ nhiều lần nhưng không thấy công ty đến thu mua cũng như giải quyết các vấn đề như đã ký kết. Ông Thông tính toán, nếu thực hiện thu hoạch ở thời điểm hiện tại thì thu nhập chỉ được khoảng 3 triệu đồng.

Cũng tại huyện Yên Định, gia đình anh L.V.V tại xã Định Tăng ký kết hợp đồng trồng và bao tiêu gừng non với công ty này. Theo đó, anh V. đã đăng ký trồng 50.000 gốc gừng vào tháng 8-2016. Số lượng giống mà công ty cung ứng cho gia đình anh là 4.167 kg với giá 60.000 đồng/kg. Gia đình anh V. đã chuyển tiền giống và phân bón cho công ty số tiền 269 triệu đồng. Tính cả chi phí nhân công, anh V. đã đầu tư hết hơn 300 triệu đồng. Sau 1 tháng xuống giống, kiểm tra thực tế chỉ có 30% gừng giống phát triển, anh V.đã nhiều lần gọi điện nhưng công ty chỉ cho nhân viên xuống kiểm tra qua vài lần và yêu cầu chuyển tiếp 85 triệu đồng tiền giống còn thiếu mới thực hiện cấp giống mới. Do thiếu niềm tin nên anh V. không chuyển tiền tiếp. Đến thời điểm hiện tại, sau gần 2 chu kỳ phát triển (theo “quy trình kỹ thuật” của công ty thì gừng non sẽ thu hoạch sau 4 tháng trồng), mỗi bụi gừng anh V. chỉ thu được chưa đầy 0,1 kg. Trong khi công ty “hứa hẹn” sẽ mang lại năng suất 1 kg/bụi.

Thông qua một nhân vật làm đầu mối được giao “độc quyền phân phối phân bón” cho công ty này, chúng tôi được biết, không chỉ tại Yên Định, ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, rất nhiều nông dân hoặc “nhóm liên kết” trồng gừng với Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An cũng đang trong tình trạng “dở khóc, dở cười”. Tại các huyện như Thạch Thành, Cẩm Thủy, Hà Trung, thị xã Bỉm Sơn, có nhiều nhóm liên kết trồng hàng chục vạn bao gừng với số vốn hàng tỷ đồng. Tại thôn Nghĩa Động, xã Hà Long (Hà Trung), cả một khu trang trại rộng lớn được anh Lê Văn T. và một nhóm người cùng đầu tư trồng hơn 50.000 bao gừng với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Anh T. cho biết, mặc dù được đầu tư trồng, chăm bón rất tỉ mỉ theo đúng quy trình kỹ thuật mà công ty hướng dẫn, tuy nhiên đến nay đã quá thời điểm thu hoạch 1 tháng nhưng sản lượng chẳng đáng là bao. Để cứu vãn tình thế, anh T. thường xuyên gọi điện liên lạc với giám đốc Mai Xuân Quảng; tuy nhiên, vẫn chỉ là những lời hứa hão “ít hôm nữa tôi sẽ vào”, “cuối tháng này tôi sẽ vào”, trong khi người dân như đang “ngồi trên đống lửa”.

Nghiên cứu các hợp đồng mà Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An đã ký với nông dân, chúng tôi nhận thấy, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, công ty đã “xây dựng” những điều khoản chỉ có lợi cho phía đơn vị mình. Cụ thể như: Bà con nông dân bắt buộc phải mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học do công ty cung ứng và phải trả trước 50% tiền phân bón, 100% tiền giống, trong khi giá gừng giống mà công ty cung ứng cao gấp 4 lần so với giá thị trường, mà không có điều khoản về tỷ lệ nảy mầm khi xuống giống cũng như những ràng buộc khác liên quan. Giá phân bón mà công ty bán ra cũng cao gấp hàng chục lần. Ngoài ra, có một số thông tin trên hợp đồng rất “mập mờ”, mục đích để tạo niềm tin cho người dân khi tìm hiểu và thực hiện ký kết hợp đồng, như: Theo giấy phép đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước cấp, Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An do ông Mai Xuân Trường là người đại diện theo pháp luật (sẽ là chủ tài khoản công ty). Tuy nhiên, trong hợp đồng ký kết với các hộ dân, số tài khoản để giao dịch lại là tài khoản riêng của ông Mai Xuân Quảng.

Một số thông tin trên hợp đồng rất “mập mờ”

Sáng ngày 6-4, chúng tôi gọi điện cho ông Mai Xuân Quảng, trong vai một người nông dân đang đi tìm hiểu mô hình trồng gừng. Ông Quảng vẫn rất hào hứng “chào đón” những “con mồi mới” và khẳng định: Các mô hình của tôi đang triển khai rất hiệu quả và hứa hẹn ngay ngày mai sẽ cho “cán bộ kỹ thuật” đến trang trại để “kiểm tra chất đất”, “đo độ PH”... xem có phù hợp không để tư vấn trồng gừng sao cho mang lại giá trị kinh tế cao nhất.

Vào chiều ngày 6-4, khi chúng tôi giới thiệu là phóng viên đang đi tìm hiểu tình hình trước phản ánh của nông dân, ông Mai Xuân Quảng vẫn rất bình tĩnh trả lời: Công ty tôi làm ăn chân chính, những ruộng gừng không lên được là do người dân không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật. Khi được hỏi có vùng nào trồng hiệu quả không, ông Quảng nói rất nhiều nơi, nhưng lại không nói được địa điểm cụ thể. Chất vấn về đầu ra của cây gừng, ông Quảng nói công ty liên kết đầu tư để xuất khẩu, nhưng khi hỏi thị trường nào thì lại ấp úng không trả lời được. Trước nguy cơ thua lỗ của nông dân, ông Quảng hứa hẹn sẽ vào kiểm tra để đưa ra phương án tốt nhất, tuy nhiên nhiều người dân phản ánh đã gọi rất nhiều lần nhưng rồi càng chờ đợi càng thất vọng.

Trao đổi với chính quyền và Công an phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn (nơi công ty đặt địa điểm giao dịch), chúng tôi được biết, Công ty TNHH Nông nghiệp Trường An thuê địa điểm giao dịch tại số 36, đường Trần Hưng Đạo từ tháng 7-2016. Khi đặt địa điểm giao dịch tại địa phương, thời gian đầu công ty có 3 đến 4 nhân viên làm việc và có mời người dân đến tổ chức hội thảo. Tuy nhiên, người lao động tại công ty này thường xuyên thay đổi cũng như không thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng tại địa phương và đã bị xử phạt hành chính 2 lần. Khoảng 2 đến 3 tháng gần đây, công ty thường xuyên đóng cửa và giám đốc công ty cũng không thấy xuất hiện.

Trước tình trạng trên, đề nghị các lực lượng chức năng sớm vào cuộc điều tra, yêu cầu công ty có trách nhiệm bồi thường cho người dân với những hợp đồng đã ký kết. Chính quyền các địa phương cần thực hiện sớm các giải pháp tuyên truyền để người dân cảnh giác với các thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo của một số công ty “ma”, công ty “rởm” lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người dân để thực hiện những hành vi lừa đảo.

Nhóm phóng viên kinh tế

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang