• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL: Đổi mới tư duy để phát triển cây lúa

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 04/04/2017
Ngày cập nhật: 5/4/2017

Thực trạng thời tiết diễn biến phức tạp, xâm nhập mặn khu vực ven biển, lũ muộn, không lũ đầu nguồn, mưa nắng bất thường, nguồn nước ngày một ít đi… là những vấn đề bất lợi lớn đã, đang xảy ra ở ĐBSCL ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất lúa gạo. Nông nghiệp sẽ phát triển ra sao để vẫn canh tác hiệu quả, đảm bảo an ninh lương thực, tăng trưởng xuất khẩu và lợi thế cạnh tranh cho kinh tế vùng?

Diễn biến khó lường của thiên nhiên

Biến đổi khí hậu (BĐKH) thực tế đã được nhắc đến vài chục năm qua với hàng loạt kịch bản khác nhau. Nhưng, đến thời điểm hiện tại, câu chuyện về BĐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lở, cạn kiệt nước ngọt… đang hiện hữu và diễn biến khó lường. Mỗi năm, lượng nước ngọt từ thượng nguồn cứ thấp dần. Trong vòng năm năm trở lại đây, An Giang gần như chẳng có mùa nước nổi. Lượng nước ngay đỉnh mùa nước nổi tại khu vực hai đập tràn kiểm soát lũ Tha La, Trà Sư vào khoảng tháng 7, tháng 8 Âm lịch những năm gần đây giữa trong và ngoài đập cũng chỉ tròm trèm một mét nước. Thay vì phải xả đập để điều tiết, kiểm soát lũ thì đập lại phải thực hiện nhiệm vụ cung ứng nước tháo chua rửa phèn.

Cần đầu tư cho thủy lợi trước tình trạng hạn mặn do BĐKH hiện nay.

Các nghiên cứu khác đánh giá về biểu hiện biến đổi của khí hậu ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, canh tác lúa trong khu vực với bốn nhóm gồm nhiệt độ, lượng mưa, hiện tượng cực đoan thời tiết và nước biển dâng đã được các nhà khoa học đưa ra thời gian gần đây. GS.TS Lê Quang Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Cần Thơ đánh giá các tác động của BĐKH có thể làm kìm hãm các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Do địa thế nằm ở vùng cuối hạ lưu, toàn bộ dòng chảy lũ từ thượng nguồn tràn về vùng ĐBSCL qua hai nhánh sông Tiền, sông Hậu và phần tràn bờ chảy trên đất liền vượt biên giới giữa Campuchia và Việt Nam làm ngập nhiều vùng đất trũng, chủ yếu là vùng Tứ giác Long Xuyên - Hà Tiên, vùng Đồng Tháp Mười và vùng trũng giữa hai nhánh sông Tiền - sông Hậu. Mùa lũ bắt đầu từ tháng 7, gia tăng dần từ tháng 8-9, cao điểm vào tháng 10 và giảm dần vào tháng 11-12. Bình quân vào mùa mưa, lưu lượng lũ cao nhất là 139.000m3/s, gây ngập từ 1,2 đến 1,9 triệu ha. Nếu tình trạng hạn - mặn tiếp tục diễn ra như năm 2016 thì diện tích các vùng trồng lúa sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, làm giảm năng suất và sản lượng. Ngay từ đầu năm 2017 đến nay, xâm nhập mặn, khô hạn vùng các cửa sông khu vực ĐBSCL đã ăn sâu vào đất liền từ 35 đến 45km…

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu IMHEN – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa ra những con số đáng báo động đến năm 2100: Nếu mực nước biển dâng 100cm, ĐBSCL sẽ có 38,9% nguy cơ ngập mặn, trong đó Hậu Giang 80,62%, Kiên Giang 76,86% và Cà Mau 57,69% kéo theo năng suất giảm bình quân từ 500kg/ha đến gần 700kg/ha vào năm 2050. Trong đó vụ chính đông xuân sẽ khiến cả vùng mất trắng từ 755.600 tấn đến hơn một triệu tấn vào năm 2050.

Thay đổi tư duy phát triển cây lúa

Tăng cường năng lực ứng phó với BĐKH của toàn bộ chuỗi giá trị lúa gạo là một trong những mối quan tâm lớn của toàn bộ tác nhân trong chuỗi giá trị lúa gạo. Đặc biệt, nó có ý nghĩa rất lớn sau đợt hạn mặn, thiếu mưa làm trầm trọng tình trạng xâm nhập mặn tại ĐBSCL từ cuối năm 2015 đến đầu 2016 khiến giảm cả năng suất, sản lượng lúa gạo. Đối phó với vấn đề BĐKH nói riêng, các áp lực môi trường, thị trường nói chung sẽ yêu cầu các tổ chức công – tư trong ngành hàng lúa gạo xây dựng nền tảng tri thức cho phát triển bền vững. Trong đó, từ Chính phủ đến chính quyền các tỉnh, ngành Nông nghiệp phải đóng vai trò cầm trịch từ chiến lược đến tác động thị trường…

Hạn hán là nguy cơ lớn đối với phát triển cây lúa ĐBSCL.

Ngân hàng Thế giới đưa ra dự báo cụ thể, năm 2030 sẽ có 1/3 đất trồng lúa của vùng có thể chuyển đổi sang các hoạt động nông nghiệp hoặc sinh thái khác: Đất trồng lúa xâm nhập mặn chuyển sang thủy sản, đất trồng lúa ven đô thị chuyển sang rau màu, cây ăn trái cho du lịch, một phần phát triển trồng bắp. Vùng ven biển phát triển lúa tôm hữu cơ…

GS.TS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền Nông nghiệp- Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho rằng: Đối với cây lúa nước ta, bất lợi lớn nhất do BĐKH gây ra là xâm nhập mặn, hạn hán và ngập lụt. Để ứng phó BĐKH góp phần giữ vững sinh kế và an ninh lương thực, việc tạo ra giống chịu ngập, chịu mặn, chịu hạn và kháng sâu bệnh là cần thiết. PGS.TS Dương Văn Chín, Nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển nông nghiệp Định Thành, thuộc Tập đoàn Lộc Trời, khẳng định: "Không thể cứ bắt mãi những vùng chịu ảnh hưởng nặng đối với BĐKH cứ khư khư ôm cây lúa. Chúng ta phải thay đổi tư duy, có thể là lúa tôm, có thể chuyển sang những mô hình nông nghiệp khác bền vững hơn. Riêng cây lúa, phải có một hệ thống giống lúa có khả năng chịu hạn mặn đa dạng, chất lượng, chuyển giao đến hộ nông dân. Không thể "trống kèn hô hào" mà để bà con tự bơi trong quá trình ứng phó BĐKH đối với sản xuất nông nghiệp nói chung, cây lúa nói riêng".

PGS.TS Bùi Bá Bổng, Chuyên gia cao cấp FAO-Việt Nam về An ninh lương thực, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng: Cần xác định vùng chuyên canh lúa trọng điểm ở ĐBSCL. Đây là vùng sản xuất thuận lợi, đảm bảo 2 vụ lúa năng suất cao. Vùng chuyên canh này nằm ở 30 huyện thuộc 8 tỉnh ĐBSCL là An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền Giang và Long An. Đây được xem như vựa lúa của đồng bằng và cũng là cả nước, chiếm 50% tổng sản lượng lúa của ĐBSCL và đóng góp 75% tổng sản lượng gạo xuất khẩu. Đối với vùng này Nhà nước cần đầu tư thích đáng để hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sau thu hoạch, chế biến, thương mại, đạt cơ giới hóa 100%, đạt sản xuất theo phương thức tập thể, liên kết, liên doanh 100%, áp dụng các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong chuỗi giá trị. Diện tích đất lúa vùng chuyên canh trọng điểm nên được giữ ổn định khoảng 800.000ha.

Nguyễn Huỳnh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang