• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Triển vọng phát triển dược liệu

Nguồn tin: Báo An Giang, 29/03/2017
Ngày cập nhật: 30/3/2017

An Giang có đầy đủ điều kiện tự nhiên về khí hậu, thổ nhưỡng, sinh thái… phù hợp để phát triển cây dược liệu. Từ đó, hình thành những vùng chuyên canh cây dược liệu vừa mang tính chất bảo tồn, vừa giúp tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, việc liên kết giữa doanh nghiệp, người dân cũng như việc xây dựng thương hiệu dược liệu của địa phương là rất cần thiết.

Tăng nguồn lợi kinh tế

Hễ khi trời dứt hạt mưa, cư dân vùng núi Két, núi Dài, núi Trà Sư… lại tất bật thu hoạch nhiều loại củ, quả ở địa phương. Trong đó, việc trồng củ huyền và chế biến bột huyền tinh đã trở thành nghề truyền thống. Người dân ở đây cho rằng, củ huyền có tính dược, vừa có tác dụng làm mát cơ thể, có thể trị được một số bệnh thông thường. Đã hơn chục năm gắn bó với nghề trồng huyền, ông Trần Văn Bền, ấp núi Két, xã Thới Sơn (Tịnh Biên), cho biết, thấy mưa rớt hạt bà con đem củ huyền giống đi trồng, khi mùa mưa kết thúc là đến mùa thu hoạch. Thời gian sinh trưởng khoảng 7-8 tháng, ít nhất là 6 tháng. Chỉ có như vậy, mới thu được củ huyền già, lượng bột làm ra sẽ nhiều hơn. “Bà con có thể trồng riêng hoặc xen vào vườn cây ăn trái, cây rừng. Với những chỗ đất bằng, bà con chịu khó lên liếp, củ huyền sẽ cho năng suất cao hơn (trên 3 tấn/công). Tuy thời gian sinh trưởng kéo dài nhưng được cái nhẹ công chăm sóc, thấy cỏ thì nhổ, tưới ít phân, vậy là chỉ chờ đến khi thu hoạch” - ông Bền chia sẻ.

Chế biến củ huyền lấy bột

Vì bột huyền bán được giá cao hơn so với củ thô nên đa số người dân đều biết cách thức sơ chế củ huyền thành bột huyền tinh. “Bào chế củ huyền lấy bột cực công lắm, nhiều công đoạn, nhân công… Một ký bột tinh cần đến 5kg củ thô. Hiện nay, nhờ có đầu tư máy xay bột, vắt bột nên bà con nhẹ công hơn. Người sản xuất và chế biến bột huyền, phần lớn vẫn thực hiện thủ công, chỉ đưa máy móc vào vài công đoạn. Như vậy, vừa đảm bảo tính nguyên chất cũng như có thể tạo ra sản phẩm sạch, không tạp chất vừa đảm bảo hương vị nguyên gốc và chất lượng củ huyền vốn có xứ núi” - ông Bền nói thêm.

Hiện nay, đã có nhiều đề tài nghiên cứu về những sản phẩm từ bột huyền như chế biến nước uống hay bột làm bánh, cùng với việc giới thiệu sản phẩm nên giá thành bột huyền có giá cao hơn. Trước đây, giá mỗi ký bột huyền chỉ ở mức 20.000 - 25.000 đồng, nay tăng lên 40.000 - 50.000 đồng/kg, giúp người dân tăng thu nhập đáng kể.

Định hướng phát triển

Xu hướng sử dụng cây thuốc có nguồn gốc từ thiên nhiên trên thế giới ngày càng tăng, bởi ít tác động có hại và phù hợp với cơ thể con người. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 80% dân số ở các nước vẫn dựa vào thuốc có nguồn gốc tự nhiên trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng. An Giang có nhiều lợi thế trong việc trồng dược liệu, tuy nhiên việc khai thác quá mức, dẫn đến mất cân đối trong khai thác và trồng mới. Chủ yếu sản phẩm bán dưới dạng thô hoặc sơ chế cắt lát, bột và chưa có nhãn hiệu, chưa có hướng dẫn và thời hạn sử dụng…

Từ thực trạng trên, An Giang đã xây dựng quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao (CNC) đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, được thực hiện dưới dạng quy hoạch mở, nhằm điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình phát triển chung về kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian qua, tỉnh đã xây dựng được 2 vườn ươm CNC tại Hạt Kiểm lâm huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, 12 đề tài cấp tỉnh, 1 đề tài cấp cơ sở được thực hiện đáp ứng quy hoạch đến năm 2020. Một số mô hình đã được triển khai và duy trì có hiệu quả như: Trồng cây dó bầu, cây đinh lăng, trồng và sản xuất bột huyền tinh. So với năm 2012, diện tích cả 3 mô hình đều tăng nhanh về số lượng (trên 20%). Gần đây, bắt đầu nhân rộng loài ngải đen, sâm bố chính, sâm cốc… ứng dụng CNC ở vùng Bảy Núi, bước đầu mang lại hiệu quả, thu hút được người dân mở rộng diện tích.

Để tạo thị trường cho cây dược liệu, An Giang đã phối hợp xây dựng phần mềm Cây thuốc An Giang chạy trên hệ điều hành Android, giới thiệu sản phẩm dược liệu ở các phiên hội chợ hay trưng bày và bán sản phẩm ở khu bảo vệ cảnh quan rừng tràm Trà Sư, tổ chức nhiều đoàn đi xúc tiên thương mại ở TP. Hồ Chí Minh… Kỳ vọng thời gian tới sẽ mở rộng thị trường, xây dựng được thương hiệu dược liệu của tỉnh An Giang.

Ánh Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang