• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đưa rau sạch Đà Lạt lên mạng

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 17/03/2017
Ngày cập nhật: 18/3/2017

Nắm bắt được nhu cầu thị trường về rau sạch nên nhiều người dân tại Đà Lạt (Lâm Đồng) đã nhận làm kênh phân phối rau qua mạng xã hội. Tuy nhiên, việc mua rau qua mạng còn nhiều bất cập và tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhiều bạn trẻ ở Đà Lạt lựa chọn kinh doanh nông sản sạch để tăng thêm thu nhập

Mua bán bằng… niềm tin

Đang làm hướng dẫn viên du lịch tại TP Đà Lạt, chị Nguyễn Thị Lý (28 tuổi) chọn thêm nghề “tay trái” là kinh doanh nông sản sạch Đà Lạt. Mỗi ngày chị gửi hàng trăm ký rau củ quả các loại như cà chua, khoai tây, khoai lang, dưa leo, đọt su su, bắp sú, rau cải, chuối laba... cho khách từ nhiều tỉnh, thành phố. Chị Lý chia sẻ: “Trong những chuyến dẫn du khách đi tham quan mọi người đều tỏ ra thích thú và mua nhiều rau củ quả đặc trưng của Đà Lạt về sử dụng và làm quà. Nắm bắt được thị hiếu đó, tôi đã nảy ra ý tưởng kinh doanh mặt hàng nông sản sạch Đà Lạt. Hàng ngày, tôi đưa những hình ảnh mới nhất các mặt hàng lên trang cá nhân trên mạng xã hội để mọi người có thể theo dõi, lựa chọn mua”. Để có nguồn hàng cung ứng cho khách hàng, gia đình chị Lý trồng hàng ngàn mét vuông rau sạch. Thường các đơn bán sỉ luôn ổn định, còn những khách mua bất thường hay mua lẻ phải báo trước 1-2 ngày thì hàng mới đảm bảo chất lượng tốt nhất. “Tôi còn liên kết với một số nhà vườn sản xuất nông sản sạch, đã đạt chứng nhận sản xuất rau an toàn để cung cấp cho khách hàng những đơn hàng lớn khi cần thiết”, chị Lý cho biết.

Còn chị Nguyễn Hương Thi (phường 5, TP Đà Lạt) từng làm truyền thông cho một tập đoàn nhưng khi theo học cao học, thời gian eo hẹp nên chị đã nghỉ làm và chọn kinh doanh rau củ quả online như một giải pháp trước mắt. Chị Thi chia sẻ, thời gian đầu tập trung bán 1-2 sản phẩm chủ lực như dâu tây, rau cải, khi có khách đều và đi vào quỹ đạo mới mở rộng thêm mặt hàng mà khách ưa chuộng. Hiện trung bình mỗi ngày chị gửi đi từ 50 - 100kg rau sạch các loại.

Chỉ cần vào công cụ tìm kiếm google và gõ từ khóa liên quan tới hoạt động mua bán hàng nông sản Đà Lạt sẽ có hàng loạt địa chỉ giúp người mua hàng có thể lựa chọn. Với một chiếc máy tính hoặc một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, người bán hàng có thể ngồi ở bất cứ đâu và cung cấp bất cứ mặt hàng nào theo nhu cầu của người mua. Đặc biệt, lợi thế không đòi hỏi vốn nhiều, tiền thuê mặt bằng ít (hoặc không mất tiền nếu tập kết hàng tại nhà), người bán lại chủ động về thời gian... nên hiện nhiều bạn trẻ đã đi theo xu hướng trên. Trường hợp cô gái trẻ Lê Thị Hồng Phương (phường 8, TP Đà Lạt) đến với kinh doanh rau sạch trực tuyến cũng xuất phát từ đó. Do người thân sinh sống ở TPHCM thích ăn rau của nhà trồng nên hàng tuần cô gửi bằng ô tô xuống. Sau đó bạn bè, đồng nghiệp biết được đã nhờ đặt mua. “Nhà tôi chỉ trồng khoảng 1.000m2 rau theo phương pháp hữu cơ, không phun thuốc hóa học nên cứ đến đợt thu hoạch là mọi người đã chờ sẵn để mua. Rau trồng hữu cơ chăm sóc vất vả, năng suất không cao nên giá bán cũng cao gấp rưỡi, gấp đôi so với bình thường”, chị Phương chia sẻ.

Khó quản lý

Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, phần lớn những người kinh doanh qua mạng xã hội (trên internet), qua điện thoại trên địa bàn đều không đăng ký kinh doanh. Theo quy định chung thì những ai chưa đăng ký kinh doanh mà có hoạt động mua bán thì vi phạm pháp luật. Chưa kể việc mua bán qua mạng sẽ không đóng thuế cho nhà nước. Hiện nay, kinh doanh trên mạng đang là một hướng phát triển có tiềm năng và ngày càng có nhiều người tham gia. Tỉnh Lâm Đồng mới ban hành kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, mục tiêu là xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình phát triển chung của cả nước, đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động phổ biến, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh. Còn về quản lý kinh doanh các mặt hàng nông sản Đà Lạt qua mạng internet thì hiện vẫn còn nhiều lúng túng vì chưa có quy định cụ thể.

Theo ông Nguyễn Văn Lục, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2016 đơn vị đã tiến hành lấy hơn 1.000 mẫu rau để phân tích định lượng các chỉ số an toàn thực phẩm, 99% trong số đó đạt tiêu chuẩn. Quá trình đi kiểm tra, xét nghiệm dù chỉ 1% chưa đạt chuẩn cũng đáng lo ngại. Chính vì vậy, việc không được tận mắt, tận tay, nhìn, sờ thấy sản phẩm nên mức độ thật giả cũng khó có thể kiểm chứng. Người mua rau cũng như một số mặt hàng khác trên mạng chỉ bởi niềm tin. Vì thế, nếu chưa thể quản lý hết được các kênh phân phối nhỏ lẻ như bán hàng qua điện thoại hay trên mạng internet thì vẫn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

ĐOÀN KIÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang