• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: Đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 06/01/2017
Ngày cập nhật: 8/1/2017

Anh Nguyễn Trí Nhân, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại (phải) đã chuyển đổi 8.000m2 đất trồng lúa sang trồng dừa.

Trước ảnh hưởng của hạn mặn diễn ra ngày càng phức tạp, nhiều hộ dân ở 3 huyện biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú của tỉnh Bến Tre đã chuyển một phần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác đem lại giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bỏ cây lúa để trồng dừa, cỏ nuôi bò

Năm 2013, gia đình anh Nguyễn Trí Nhân ở xã Châu Hưng (Bình Đại) đã mạnh dạn chuyển 4.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả lên liếp trồng 120 cây dừa. Sau 3 năm trồng, vườn dừa xiêm xanh, xiêm lai uống nước cho trái thu hoạch. Anh Nhân rất phấn khởi vì cây dừa cho rất nhiều trái, giá bán cao, ước tính cả năm 2016, trừ chi phí các khoản còn thu nhập trên 50 triệu đồng. Theo anh Nhân, trồng lúa ngày càng vất vả vì thiếu nhân công lao động và chi phí bỏ ra cao hơn trồng dừa. Trong khi thu nhập lại thấp hơn trồng dừa rất nhiều. Lúc trước, trồng lúa phải thuê nhân công từ gieo sạ đến thu hoạch, trong khi đó lao động ở địa phương khan hiếm do nhiều người đi làm công nhân. Khi chuyển sang trồng dừa có thương lái thu mua tận vườn.

Nếu như năm 2013, xã Châu Hưng (Bình Đại), có 434ha đất trồng lúa thì hiện chỉ còn 173ha. Trong khi đó, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã có diện tích trồng rau màu tăng 50ha, trồng dừa tăng 41ha, cây ăn trái tăng 36ha; trồng cỏ nuôi bò tăng 9ha… Ông Võ Thành Long ở xã Châu Hưng cho biết: “Trồng lúa năng suất thấp, công lao động khan hiếm. Nhân công bây giờ đi làm công ty hết rồi. Làm lúa không có lời nhiều nên chuyển sang trồng mãng cầu xiêm. 1.000m2 trồng mãng cầu xiêm cho trái thu hoạch bán khoảng 70 - 80 triệu đồng, trừ chi phí thì còn lời khoảng 50 triệu đồng/năm”.

Ông Trần Phong Linh - Phó chủ tịch UBND xã Châu Hưng nhẩm tính, 1.000m2 đất trồng lúa, một vụ lãi từ 500 - 700 ngàn đồng. Cũng với diện tích này, nếu trồng nhãn thì lãi cũng được 7 - 8 triệu đồng/năm, bưởi lãi từ 20 - 25 triệu đồng/năm. Trồng lúa lợi nhuận không cao, lại gặp nhiều khó khăn như: thiếu nhân công, ảnh hưởng hạn mặn… Do đó, từ đầu năm 2016 đến nay, diện tích trồng lúa trên địa bàn xã đã giảm dần.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, năm 2016 diện tích đất gieo sạ lúa ước đạt 58.246ha, giảm 7,5% so với cùng kỳ. Trong khi đó, diện tích đất trồng cỏ làm thức ăn trong chăn nuôi ngày càng tăng, đạt diện tích 3.035ha (tăng 15,8% so với cùng kỳ); tổng diện tích đất trồng dừa 69.330ha (tăng 1,1% so với cùng kỳ). Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này, trong đó nguyên nhân hàng đầu là do ảnh hưởng của hạn mặn.

Ông Ngô Văn Sơn ở xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú cho biết, nước mặn, biến đổi khí hậu làm lúa thất bát nên ông bỏ lúa chuyển sang trồng cỏ nuôi bò. “Trước đây tôi có 6 công đất trồng lúa. Sạ rồi, một tháng gặp nước mặn làm thiệt hại hết. Qua năm thứ hai cũng thế nên tôi chuyển hướng, trồng cỏ trên phần diện tích 3 công để nuôi bò” - ông Sơn nói.

“Trước đây, đất gieo sạ lúa đủ ăn một năm. Từ khi bị nước mặn đến thì không trúng mùa, thành ra tôi chuyển sang trồng cỏ làm thức ăn cho bò. Bò nuôi sinh sản bò con ra nuôi vài tháng bán mua được vài chục giạ lúa sống đủ một năm” - ông Nguyễn Văn Giác ở xã Quới Điền so sánh.

Chuyển đổi trên 800ha kém hiệu quả

Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập sâu và kéo dài, toàn tỉnh đã chuyển đổi 852,7ha đất sản xuất kém hiệu quả (đất lúa và vườn tạp kém hiệu quả) sang trồng cây có giá trị kinh tế. Trong đó, các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam thì chuyển sang trồng các loại cây ăn trái, cây có múi như: bưởi da xanh, mảng cầu xiêm, dừa… Huyện Chợ Lách chuyển một số diện tích vườn tạp sang trồng bưởi da xanh, chôm chôm, hoa kiểng... Riêng 3 huyện biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú tập trung chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác như: dừa, rau màu và trồng cỏ nuôi bò, dê hoặc nuôi trồng thủy sản.

Ông Trương Thanh Hải - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú cho biết, mùa hạn mặn năm 2016, trên địa bàn huyện chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là sản xuất nông nghiệp. Do đó, huyện khuyến cáo bà con chuyển đổi những vùng đất khó khăn khi gặp hạn mặn sang trồng một số loại cây trồng thích hợp với biến đổi khí hậu. Cụ thể trong năm 2016, bà con chuyển từ trồng lúa không hiệu quả sang trồng cây dừa, với diện tích khoảng 300ha. Trong thời gian chờ cây dừa cho trái thu hoạch, bà con cũng tận dụng khoảng đất trống để trồng cỏ, phục vụ chăn nuôi bò, dê.

Ông Võ Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết, theo lộ trình quy hoạch của tỉnh thì đến năm 2020 sẽ chuyển đổi khoảng 6.000ha đất lúa kém hiệu quả cũng như cải tạo vườn tạp sang trồng các chủng loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, hạn mặn ngày càng khốc liệt, với hướng chuyển đổi cây trồng của người dân và việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ góp phần đem lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.

Viết Duyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang