• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lào Cai: Tăng biện pháp sản xuất chè an toàn

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 13/03/2017
Ngày cập nhật: 14/3/2017

“Sản xuất chè theo quy trình an toàn là xu hướng tất yếu, bởi ngày càng có nhiều quốc gia khắt khe hơn trong nhập khẩu các sản phẩm chè. Đó là lý do để tăng cường các biện pháp sản xuất chè an toàn trong thời gian qua tại vùng chè nguyên liệu Mường Khương”, ông Giang Trung Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương (Lào Cai) khẳng định.

Mường Khương là vùng sản xuất chè lớn nhất tỉnh với diện tích hơn 2.300 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh là 1.400 ha. Phần lớn sản phẩm chè búp tươi được Công ty TNHH MTV Chè Thanh Bình (gọi tắt là Công ty Chè Thanh Bình) thu mua và chế biến. Năm 2016, Công ty chè Thanh Bình đã ký hợp đồng tiêu thụ chè búp tươi với hơn 3.000 hộ, giá thu mua nguyên liệu ổn định ở mức 6.300 đồng/kg. Do giá thu mua nguyên liệu khá cao và ổn định, nên các hộ dân thực hiện tốt hợp đồng, quan tâm đầu tư thâm canh, chăm sóc, sản lượng chè tăng 15% so với năm 2015. Sản lượng chè búp tươi trong năm qua của toàn vùng khoảng 7.000 tấn, giá trị đạt 45 tỷ đồng.

Huyện Mường Khương có diện tích chè lớn nhất tỉnh.

Hiện nay, sản phẩm chè đã qua chế biến chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Đài Loan và các nước châu Âu, các nước khu vực Tây và Nam Á. Thị trường tiêu thụ chè tuy được mở rộng, nhưng các nước đòi hỏi cao về chất lượng hàng hóa theo xu hướng xanh, sạch, thân thiện môi trường và hạn chế tối đa sử dụng hóa chất. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong nước “lao đao” vì sản lượng chè tồn kho, không xuất khẩu được thì sản phẩm của vùng chè Mường Khương hầu như được tiêu thụ hết do đảm bảo chất lượng từ nguyên liệu.

Ông Bùi Đức Rạng, Giám đốc Công ty Chè Thanh Bình cho biết: “Để có được kết quả đó, chúng tôi và người dân sản xuất chè đã áp dụng rất nhiều các biện pháp, trong đó đảm bảo từ khâu sản xuất chè nguyên liệu đến khâu chế biến, bảo quản phải sạch và an toàn. Chỉ cần một lô hàng có thông số thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng khi test (kiểm tra) thì toàn bộ sản phẩm sẽ bị trả về, thậm chí bị chấm dứt hợp đồng”.

Năm qua, Công ty Chè Thanh Bình thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với đa số diện tích vùng chè nguyên liệu của đơn vị. Theo đó, công ty thường xuyên tập huấn, tuyên truyền cho các hộ sản xuất, cung ứng 100% phân bón và thuốc bảo vệ thực vật dùng cho chè; nghiêm cấm sử dụng thuốc diệt cỏ và các loại thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, không được sử dụng trên cây chè. Việc giám sát được thực hiện bởi các nhân viên của công ty, các tổ kiểm tra đột xuất và đặc biệt là theo dõi chéo giữa các hộ dân. Tại các nương chè, cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, công ty đặt nhiều bảng, biển hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, dán danh mục các loại thuốc cấm sử dụng, không bán cho hộ sản xuất chè. Những tấm biển “không phun thuốc diệt cỏ cho chè”, hòm thư góp ý để tố giác những hộ không chấp hành được đặt ở các điểm thu mua. Khi mới thực hiện, một số hộ không chấp hành, cố ý sử dụng thuốc diệt cỏ; khi bị phát giác, công ty đã chấm dứt hợp đồng thu mua, chỉ ký hợp đồng trở lại khi hộ đó cam kết thực hiện theo quy trình được hướng dẫn.

Theo ông Rạng, ngoài việc giám sát, theo dõi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, công ty sẽ tăng cường thêm nhiều biện pháp để đảm bảo chất lượng chè nguyên liệu. Mường Khương có điều kiện về chất đất, nguồn nước, khí hậu phù hợp với cây chè, môi trường bên ngoài cơ bản an toàn, không gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến chất lượng vùng nguyên liệu, nên vấn đề mấu chốt để có sản phẩm an toàn nằm ở quy trình chăm sóc của người dân. Vì nguyên liệu đầu vào quyết định chất lượng sản phẩm có an toàn hay không, nên nếu có trường hợp sai phạm, nhất định không thu mua. Ngoài tăng cường giám sát, phát giác những sai phạm từ chính cộng đồng, từ năm 2017, công ty không cấp thuốc trước cho người dân mà bố trí nhân viên mang thuốc bảo vệ thực vật đến nương chè, trực tiếp hướng dẫn cách sử dụng, đồng thời giám sát liều lượng, theo dõi chu kỳ phun để tránh trường hợp lạm dụng.

Ông Giang Trung Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương đánh giá: “Người dân vùng chè của huyện đang thực hiện tốt những yêu cầu trong việc sản xuất chè an toàn. Từ việc giám sát chặt chẽ, theo dõi, phát giác từ cộng đồng đã góp phần nâng cao ý thức của từng hộ sản xuất. Sản xuất chè an toàn là yếu tố tiên quyết để phát triển vùng chè Mường Khương theo hướng bền vững”.

THÚY PHƯỢNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang