• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Giảm năng suất, tăng chi phí vì lúa đổ ngã

Nguồn tin: Báo An Giang, 06/01/2017
Ngày cập nhật: 7/1/2017

Canh tác liên tục, không làm đất kỹ, sử dụng phân bón chưa hợp lý, lúa trổ - chín vào thời điểm mưa chính vụ… là những nguyên nhân khiến lúa dễ đổ ngã. Tình trạng này vừa gây giảm năng suất, tốn thêm chi phí thu hoạch, vừa ảnh hưởng đến chất lượng gạo, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Vất vả thu hoạch lúa

Năm 2016 mùa mưa kết thúc muộn, kéo dài liên tục, gây thiệt hại hơn 32.920/185.122 héc-ta lúa xuống giống vụ thu đông, trong đó rất nhiều diện tích bị đổ ngã, khiến nông dân thu hoạch vất vả. “Bình thường, giá thuê máy gặt đập liên hợp khoảng 220.000 đồng/công nhưng với lúa sập nhiều, máy không cắt được, phải thuê cắt tay giá 500.000 đồng/công, rồi còn phải vất vả kiếm máy suốt. Lúa bị chìm trong nước hư hỏng nhiều, kêu bán rẻ hơn bình thường 1.000 đồng/kg mà thương lái còn chê. Năm nay thiệt hại đủ thứ” - ông Hồ Hữu Lợi, nông dân xã Tà Đảnh (Tri Tôn), than thở.

Theo Trung tâm Khuyến nông An Giang, tùy mức độ ảnh hưởng, tình trạng lúa đổ ngã có thể gây giảm năng suất lúa trên 10%. Nguyên nhân chính do giai đoạn trổ - chín trùng vào thời điểm mưa nhiều (mưa chính vụ). Khi lúa ngã ảnh hưởng đến quang hợp, quá trình tạo hột bị đình trệ, do sự vận chuyển chất khô bị trở ngại, tỷ lệ lép và lửng gia tăng, gây giảm năng suất. Lúa ngã làm bông lúa ngập trong nước, thúc đẩy hạt nẩy mầm hoặc hư, thối do nấm bệnh tấn công, giảm chất lượng gạo. Cùng với thời tiết, trong quá trình canh tác lúa, do tranh thủ mùa vụ nên nông dân có thói quen chỉ làm đất bằng cách xới ở độ sâu không quá 5cm. Khi canh tác liên tục, xới như vậy sau nhiều năm sẽ hình thành tầng đế cày gần mặt đất. Tầng đế cày là tầng đất cứng và chặt, ngăn cản rễ ăn sâu, khiến lúa dễ bị đổ ngã.

Lúa đổ ngã ảnh hưởng năng suất, chất lượng

Bên cạnh đó, việc nông dân có tập quán gieo sạ dày, sử dụng nhiều lúa giống (hơn 150 kg/héc-ta) làm cho cây lúa cạnh tranh dinh dưỡng và ánh sáng, nở bụi kém. Khi nông dân bón phân nhiều để thúc nở chồi, đặc biệt tăng lượng phân đạm, sẽ khiến cây lúa phát triển chiều cao, yếu cây, dễ đổ ngã và dễ bị sâu bệnh tấn công. Ngoài ra, đối với vụ hè thu và thu đông, giống lúa có thân càng cao càng dễ đổ ngã khi gặp thời tiết bất lợi.

Thay đổi thói quen canh tác

Theo Trung tâm Khuyến nông An Giang, tùy vào thời gian sinh trưởng của cây lúa, nông dân cần bố trí thời gian xuống giống để giai đoạn trổ - chín (khoảng 30 ngày) tránh rơi vào mùa mưa bão cao điểm. Lịch xuống giống cần thống nhất, đồng loạt trong cùng tiểu vùng. “Quan trọng là khâu làm đất. Sau khi thu hoạch lúa, cần cày xới sâu khoảng 10-15cm để phá vỡ tầng đế cày, trang phẳng, giúp rễ lúa phát triển, hấp thu phân bón và dinh dưỡng tốt hơn, lúa cứng cây hơn. Ruộng được trang bằng phẳng có hệ thống thoát nước, giúp công tác quản lý nước được tốt hơn” - ông Huỳnh Hiệp Thành, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông An Giang, đề xuất.

Đối với giống lúa vụ hè thu và thu đông, Trung tâm Khuyến nông đề nghị nông dân nên chọn giống lúa có tính chống chịu đổ ngã, có chiều cao cây trung bình (90-95cm), dạng cây gọn, bộ lá không xòe, bộ lá ôm dọc theo thân. Một số giống khuyến cáo chọn canh tác trong vụ hè thu, thu đông là OM4218, OM5451, OM2517, OM6377, OM6976… Nông dân nên sạ thưa để giúp cây lúa hấp thu ánh sáng và quang hợp tốt, cây lúa khỏe, nở bụi tốt, rễ ăn sâu, lúa cứng cây, hạn chế đổ ngã. Lượng giống khuyến cáo sử dụng theo quy trình “1 phải, 5 giảm” là 80-100 kg/héc-ta. Tuy nhiên, tùy điều kiện từng vùng, nông dân có thể giảm từng bước, xuống mức 120 kg/héc-ta, rồi 100 kg/héc-ta...

Cùng với bón phân cân đối, không bị thừa hoặc thiếu đạm, đối với vùng đất hàng năm ruộng dễ bị đổ ngã nên bón lót phân Kali (1/3 - 1/2 lượng) và phân lân. Việc bón lót Kali sớm giúp các lóng đầu tiên cứng chắc, hạn chế đổ ngã rất hiệu quả. “Ngoài ra, để lóng thân lúa dầy hơn, hạn chế đổ ngã, không nên bón nhiều phân đạm mà tăng cường bón phân Kali và Silic. Silic giúp lá, thân và rễ lúa cứng cáp. Khi cây lúa có đủ Silic, lá đứng thẳng nên hấp thu được nhiều ánh sáng và làm gia tăng khả năng quang hợp của cây, thân cứng ít bị đổ ngã và giảm được tỷ lệ hạt lép và lửng” - một cán bộ Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn.

Để hạn chế lúa đổ ngã, Trung tâm Khuyến nông đề nghị nông dân áp dụng theo quy trình tưới ngập khô xen kẽ để giúp rễ lúa ăn sâu, hấp thu dinh dưỡng, cây lúa khoẻ, ít bị đổ ngã. Lưu ý, cần rút nước ở giai đoạn 30-35 ngày sau sạ và trước trổ khoảng 7-10 ngày.

N.C

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang