• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

20 năm liên kết sản xuất lúa Nhật

Nguồn tin: Báo An Giang, 06/03/2017
Ngày cập nhật: 7/3/2017

Gần đây, chuỗi liên kết dọc cá tra bị “vỡ”, mô hình “Cánh đồng lớn” bị “lật kèo” ở một số nơi thì chương trình liên kết, sản xuất lúa Nhật lại thành công. Điều gì đã gắn kết nông dân (ND) trồng lúa Nhật với doanh nghiệp (DN) trong hơn 20 năm qua?

Minh bạch thông tin

Công ty TNHH Angimex-Kitoku (AKJ) được thành lập vào ngày 11-7-1991. Ngay sau khi ra đời, công ty tiến hành trồng thử nghiệm một số nông sản như: Lúa Nhật, mè đen, đậu đỏ trên đồng ruộng An Giang. Sau 5 năm thử nghiệm, năm 1996, công ty bắt đầu tổ chức cho ND trồng lúa Nhật và bao tiêu sản phẩm. Từ đó đến nay, sự hợp tác này luôn phát triển, diện tích trồng lúa Nhật từ vài chục héc-ta, nay đã tăng lên 3.500 héc-ta (2017) và 4.500 héc-ta (2018). ND được chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, kỹ năng sống của người Nhật, được vui chơi thỏa thích khi tham gia Giải bóng đá ND do công ty tổ chức hàng năm. “Điều làm cho ND gắn bó với DN trong hơn 20 năm qua chính là sự minh bạch trong cách làm ăn và lợi ích 2 bên luôn đảm bảo, hài hòa. Trồng lúa Nhật, ND rất yên tâm, dù bên ngoài giá lúa có biến động theo chiều hướng bất lợi cho ND. Chữ “tín” và niềm tin chính là chất keo gắn kết 2 bên…” - ông Trang Thành Long (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên), chia sẻ.

Giống Hananomai cho năng suất từ 7 - 8 tấn, nông dân rất phấn khởi

Gia đình ông Long là một trong 61 hộ ND ở phường Mỹ Hòa tham gia trồng lúa Nhật. Sự minh bạch trong chuỗi liên kết sản xuất này được thể hiện qua hợp đồng sản xuất và tiêu thụ. Hợp đồng chỉ có 2 trang với 9 điều khoản. Trong đó, quy định rõ trách nhiệm, giá cả và phương thức thanh toán; quyền lợi, nghĩa vụ của mỗi bên. Hàng năm, khi ký hợp đồng, ND biết trước mình lãi bao nhiêu trên mỗi công lúa. Năm 2017, mặc dù thời tiết sẽ bất lợi, giá cả thị trường lên xuống bất thường, ND tham gia trồng lúa Nhật vẫn biết chắc mình lãi thấp nhất 1,5 triệu đồng/công. Trong quá trình sản xuất, ND chỉ cần tuân thủ sự hướng dẫn của nhân viên “3 cùng”, làm cho năng suất đạt cao hơn thì lợi nhuận sẽ tăng thêm. Sự minh bạch trong cách làm ăn còn thể hiện ở chỗ, hợp đồng có ghi rõ mức thưởng phạt. Ai không giữ chữ “tín” bị phạt, ai làm tốt thì DN thưởng.

Lợi ích hài hòa

Với cách làm này, ban đầu lúa Nhật chỉ trồng ở TP. Long Xuyên, nay được mở rộng sang các địa phương: Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn, Tri Tôn. Bộ giống thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở An Giang là giống Hananomai, Kinu, Akitakomachi, Koshihikari. Năm 2017, ND trồng giống lúa Hananomai, Kinu được công ty ký hợp đồng bao tiêu với giá 6.300 đồng/kg. Giống Akitakomachi được mua với giá 6.700 đồng/kg. “Năm nào giá lúa bên ngoài chuỗi tăng cao, công ty sẵn sàng chia sẻ thông qua sự hỗ trợ về giá và ngược lại. Mỗi bên đều có sự chia sẻ và phụ thuộc lẫn nhau. Chính quy định thưởng, phạt phân minh làm cho mỗi bên tăng cường thêm trách nhiệm. Ai sản xuất giỏi, công ty thưởng từ 80 - 200 đồng/kg. Gắn bó với công ty từ 3 vụ trở lên, trên mỗi kg lúa được cộng thêm 100 đồng. Số tiền này, gọi nôm na là tiền “chung thủy”- bà Nguyễn Thị Bích Phượng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên), thông tin.

Sự khác biệt dẫn đến thành công của chuỗi liên kết sản xuất lúa Nhật so với các chuỗi liên kết khác đang triển khai ở An Giang là: Về phía DN, khi có thị trường tiêu thụ, DN mới tính đến việc tổ chức sản xuất để đáp ứng nhu cầu. Tiềm lực kinh tế của DN mạnh, phương thức thanh toán sòng phẳng. Giá mua cố định và công bố ngay từ đầu vụ nên ND tham gia chuỗi rất yên tâm sản xuất. Còn ở các chuỗi liên kết sản xuất khác, việc tổ chức sản xuất vẫn mang tính “đối phó”. Chưa có thị trường nhưng vẫn tổ chức sản xuất, giá mua không phải là giá cố định mà mua theo “giá thị trường”. Chính điều này gây ra sự tranh cãi giữa đôi bên, bởi định nghĩa “giá thị trường” chưa được sự đồng thuận của 2 bên. Chính phương thức mua theo “giá thị trường” và là môi trường tốt để lòng tham của mỗi bên trỗi dậy, đưa đến tình trạng “lật kèo” lẫn nhau khi giá cả bên ngoài có biến động. ND tham gia chuỗi không yên tâm, luôn bị dao động khi thương lái bên ngoài nâng giá mua. Cùng với đó là tiềm lực kinh tế của DN tham gia chuỗi chưa đủ mạnh, thị trường tiêu thụ còn nhiều trắc trở. Liên kết sản xuất lúa Nhật chính là một mô hình “tham khảo” để DN trong nước tiếp tục hoàn thiện chuỗi liên kết đang được triển khai.

“Thời gian tới, để gia tăng uy tín hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế, chúng tôi khuyến cáo ND, trong quá trình canh tác cần tuân thủ sự hướng dẫn của nhân viên “3 cùng”; bón phân theo phương pháp “4 đúng”; sản xuất theo phương pháp “5 sạch”. Có vậy, sản phẩm làm ra thị phần, thị trường mới được mở rộng; diện tích trồng lúa Nhật mới tăng lên, có nhiều ND tham gia liên kết hơn nhằm góp phần cải thiện đời sống ND…” - ông Akira Omori, Giám đốc Công ty TNHH Agimex - Kitoku, đề xuất.

MINH HIỂN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang