• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sản xuất cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển

Nguồn tin: Báo Đắk Lắk, 03/03/2017
Ngày cập nhật: 6/3/2017

Những năm gần đây, diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, khô hạn, nắng nóng, lũ lụt xảy ra bất thường trái với quy luật nhiều năm, gây nhiều khó khăn cho nông dân sản xuất cà phê.

Hiện tượng khô hạn kéo dài đã khiến nhiều diện tích cà phê ở một số địa phương đối mặt với tình trạng thiếu nước tưới, ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng và chất lượng cà phê. Chỉ tính những năm gần đây, cứ đến mùa khô, tỉnh Đắk Lắk lại đối mặt với hàng chục nghìn hécta cà phê bị thiếu nước, làm chết cây hoặc giảm năng suất, có năm một số địa phương mất từ 30 - 50% năng suất, gây thiệt hại lớn cho các nông hộ. Bên cạnh đó, diện tích sản xuất cà phê của các nông hộ nhỏ lẻ, manh mún, khó tổ chức sản xuất đồng bộ, khó khăn cho công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật để đối phó với diễn biến khí hậu; trình độ canh tác nhìn chung còn thấp, không đồng đều, một số nông dân còn sản xuất theo kinh nghiệm nên chất lượng sản phẩm cà phê chưa đồng nhất, hạn chế khả năng cạnh tranh, kém bền vững trên thị trường thế giới. Một khó khăn nữa là hiện nay diện tích cà phê được trồng từ hạt giống thực sinh do người dân tự chọn vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn nên sinh trưởng và phát triển của vườn cây không đồng đều, khả năng kháng với điều kiện bất lợi của môi trường không cao, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cà phê xuất khẩu. Thời tiết nắng nóng cũng là điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh và lây lan rệp sáp (Pseudococcus sp) gây hại trên cây cà phê diễn ra nhanh hơn. Thiếu nước, cây sinh trưởng kém cũng là nguy cơ tạo điều kiện cho tuyến trùng rễ kết hợp các loại nấm hại phát sinh gây bệnh vàng lá gia tăng.

Một giống cà phê mới cho năng suất, chất lượng cao của Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, lượng mưa nhiều cũng ảnh hưởng đến sản xuất cà phê. Tình trạng mưa liên tục kéo dài với cường độ lớn làm ảnh hưởng đến tỉ lệ đậu quả, làm xói mòn, rửa trôi các chất dinh dưỡng và bệnh hại có thể phát sinh. Ngoài ra, vấn đề thu hoạch, chế biến, bảo quản sau thu hoạch cũng chưa được đầu tư thỏa đáng, tỷ lệ thu hoạch quả xanh còn cao (do nhiều nguyên nhân) đã làm giảm giá trị sản phẩm cà phê; sân phơi của nông dân chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều hộ vẫn còn phơi trên nền đất, không có chế độ bảo quản tại sân phơi khi mưa gió thất thường nên tỷ lệ hạt đen cao, chế biến theo phương pháp xát dập còn phổ biến trong dân… đã gây khó khăn trong cạnh tranh đối với thị trường xuất khẩu. Diễn biến giá cả thị trường đầu ra nhiều năm không ổn định, giá vật tư đầu vào tăng, tác động bất lợi cho việc đầu tư chăm sóc vườn cây, sản xuất kém hiệu quả, thiếu ổn định…

Cà phê là cây trồng chủ lực trong sản xuất hàng hóa của Đắk Lắk, vì thế việc quan tâm đến sản xuất, kinh doanh cà phê được đặt lên hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp. Để tăng năng suất, chất lượng và ổn định sản lượng nhằm gia tăng giá trị sản xuất cà phê trong điều kiện biến đổi khí hậu cần có những giải pháp thiết thực.

Đầu tiên, các địa phương cần thực hiện việc rà soát toàn bộ diện tích cà phê hiện có, xác định vùng trọng điểm có tiềm năng để thực hiện triển khai phát triển sản xuất cà phê hiệu quả, chỉ chuyển đổi diện tích cà phê sang các loại cây trồng khác với từng điều kiện cụ thể. Tiếp tục khảo sát đánh giá mức độ thích nghi để thực hiện chuyển đổi những diện tích cà phê không đủ nguồn nước tưới, cà phê ở các tiểu vùng khí hậu, đất đai không phù hợp, diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh để có kế hoạch vận động, hỗ trợ, khuyến khích nông dân chuyển đổi hợp lý.

Giới thiệu công nghệ tưới nhỏ giọt kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê là một trong những giải pháp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê.

Ứng dụng các giải pháp trong sản xuất cà phê tại “Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2013. Tiếp tục triển khai và nhân rộng cánh đồng mẫu cà phê, trên cơ sở đó mới liên kết được được nông dân hình thành các “chuỗi giá trị” trong sản xuất cà phê. Đối với việc cải tạo, trẻ hóa vườn cà phê cần chú trọng đến biện pháp kỹ thuật cưa, ghép cải tạo bằng các giống cà phê mới đã được các nhà khoa học đánh giá, lồng ghép phổ biến mô hình sản xuất cà phê bền vững. Đối với cà phê tái canh, thường xuyên tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích nông dân tái canh bằng các giống cà phê có khả năng kháng bệnh gỉ sắt cao, tăng năng suất và chất lượng. Ưu tiên thực hiện đầu tư thâm canh tăng năng suất và nâng cao chất lượng vườn cây theo tiêu chuẩn bền vững cả ba mặt: kinh tế - xã hội - môi trường. Khuyến khích nông dân trồng xen vườn cà phê bằng những loại cây ăn quả có giá trị vừa làm cây che bóng (nhằm hạn chế nhiệt độ trong mùa khô) vừa tăng thu nhập, hạn chế rủi ro khi thị trường đầu ra không ổn định.

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cơ bản về trồng, chăm sóc cà phê, đặc biệt là chuyển giao “Quy trình tái canh cà phê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” đến tận người sản xuất. Hướng dẫn nông dân nắm vững biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM (Integrated Pests Management) trên cây cà phê. Áp dụng các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất cà phê. Hỗ trợ, đầu tư nhân rộng công nghệ tưới tiết kiệm kết hợp bón phân qua nước cho cây cà phê để tiết kiệm nước và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng theo nhu cầu sinh lý của cây cà phê, tạo điều kiện cho cây cà phê khỏe mạnh kháng sâu, bệnh tốt. Có chính sách phù hợp về hỗ trợ, đầu tư, cho vay… để người sản xuất, kinh doanh cà phê có điều kiện tác động đúng mức trong sản xuất và chế biến. Hỗ trợ nông dân đảm bảo an ninh trong mùa thu hoạch cà phê để thu hoạch đúng độ chín, tăng chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Một điều quan trọng nữa là cần đẩy mạnh hoạt động giao dịch mua bán cà phê trực tiếp đến các nhà rang xay, hạn chế thông qua nhà môi giới trung gian; cung cấp thông tin cho các địa phương, các đại lý và nông dân về diễn biến thị trường, giá mua bán hằng ngày. Cần quan tâm đến tính đa dạng của sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm cà phê rang, cà phê xay và cà phê hòa tan để gia tăng giá trị của sản phẩm cà phê.

Cẩm Lai

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang