• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thị trường hồ tiêu ngày càng kén chọn

Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 03/03/2017
Ngày cập nhật: 6/3/2017

Do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, vụ thu hoạch tiêu năm nay sản lượng giảm mạnh từ 30-50% so với mọi năm. Tuy nhiên, hiện giá tiêu bán ra chỉ còn khoảng 120 ngàn đồng/kg, giảm gần một nửa so với mức giá cao điểm vụ thu hoạch năm ngoái.

Nhiều hộ nông dân trồng tiêu vẫn trữ hàng chưa bán vì giá tiêu giảm mạnh. Trong ảnh: Nông dân huyện Trảng Bom phơi tiêu để trữ hàng.

Sản lượng thấp, giá tiêu giảm mạnh nên nhiều nông dân quyết định trữ tiêu mà không bán ngay cho thương lái như mọi năm. Theo dự đoán của một số doanh nghiệp xuất khẩu tiêu, áp lực đầu ra cho hồ tiêu sẽ tập trung vào cuối vụ khi sản lượng thu hoạch tăng mạnh, vì hiện thị trường tiêu thế giới đang mất cân bằng cán cân cung - cầu do diện tích tiêu tăng “nóng” suốt thời gian qua.

* Mất mùa, giá vẫn giảm sâu

Từ đầu vụ đến nay, gia đình bà Nguyễn Thị Vân (xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) chỉ thu hoạch được vài tạ tiêu, giảm 50% sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Do giá tiêu đang ở mức thấp nên gia đình bà Vân chưa tính đến chuyện bán tiêu cho thương lái mà trữ lại chờ thăm dò thêm thị trường. Hiện rất nhiều nông dân trồng tiêu của Đồng Nai đều có chung nỗi lo như gia đình bà Vân vì vụ thu hoạch tiêu năm nay năng suất giảm mạnh, nhưng giá bán ra vẫn rất thấp chứ không theo quy luật thường thấy là mất mùa, giá cao.

Giá tiêu trong nước thấp không chỉ do ảnh hưởng từ thị trường chung của thế giới. Ông Nguyễn Ngọc Luân, Giám đốc Hợp tác xã hồ tiêu Lâm San (huyện Cẩm Mỹ), so sánh: “1 tấn tiêu Việt Nam xuất khẩu thường có giá thấp hơn từ 200-300 USD so với mặt bằng chung của thế giới. Nguyên nhân là do tiêu Việt không có thương hiệu, bị đánh giá thấp về chất lượng, nhất là vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên phải chấp nhận ở phân khúc giá rẻ”. Để tính bài toán cạnh tranh cho tiêu Việt Nam, ông Luân cho rằng ngành hồ tiêu cần hướng đến phát triển bền vững, nâng chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Muốn như vậy, nông dân phải đầu tư khoa học - kỹ thuật để sản xuất theo hướng an toàn, sản phẩm có thể truy xuất được nguồn gốc. Khâu thương mại cũng cần phải tổ chức lại, giảm bớt trung gian.

* Áp lực dồn cuối vụ

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh (xã Lộ 25, huyện Thống Nhất), thời điểm này đang rộ vụ thu hoạch tiêu nhưng hoạt động mua bán vẫn kém sôi nổi. Phía nông dân thì trữ hàng chờ giá khởi sắc, các công ty xuất khẩu cũng không mấy mặn mà thu gom hàng như những vụ trước. Vì mùa tiêu năm ngoái, những doanh nghiệp trữ tiêu bị thua lỗ nặng nên năm nay chỉ khi có đơn đặt hàng, chốt giá doanh nghiệp mới tập trung thu gom và sau đó “đẩy” đi ngay để tránh rủi ro. “Cả thị trường trong nước và thế giới đều đang bão hòa về mặt hàng tiêu. Thị trường xuất khẩu sẽ ngày càng kén chọn hơn. Hiện nông dân lại có xu hướng trữ tiêu chưa vội bán nên áp lực đầu ra sẽ dồn vào cuối vụ. Theo đó, càng về cuối vụ, rủi ro về giá giảm thấp, khó tiêu thụ là hoàn toàn có thể xảy ra” - bà Hiền cảnh báo.

Cùng chung quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Lâm, đại diện Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam, doanh nghiệp có vốn đầu tư Hà Lan (tỉnh Bình Dương), cũng cho rằng mức giảm giá của hồ tiêu sẽ chưa dừng lại. Tuy nhu cầu tiêu thụ của thế giới vẫn mỗi năm mỗi tăng, nhưng thời gian qua diện tích tiêu Việt Nam và thế giới tăng trưởng “nóng” dẫn đến sự mất cân đối cung - cầu. Ông Lâm phân tích: “Từ năm 2015, thị trường tiêu thế giới đã có dấu hiệu cung vượt cầu và ngày càng rõ nét vào những năm sau đó. Tuy nhiên mỗi khi giá giảm, nông dân thường trữ tiêu nên chưa xảy ra hiện tượng giá biến động đột ngột. Nhưng hậu quả của việc mất cân đối cung - cầu này đang bộc lộ rõ dần khi vụ thu hoạch này, tiêu không ngừng “rớt” giá. Cung vượt cầu nên khách hàng kén chọn hơn, hoạt động xuất khẩu tiêu trong nước sẽ khó khăn hơn trong thời gian tới”.

Bình Nguyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang