• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đìu hiu vì cây tiêu

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 03/03/2017
Ngày cập nhật: 4/3/2017

Chư Pưh và Chư Sê là các vùng trồng tiêu trọng điểm của tỉnh Gia Lai. Nhờ cây tiêu mà nhiều hộ dân xây được nhà to, sắm ô tô đẹp. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, tình trạng tiêu chết hàng loạt khiến không ít người dân lâm cảnh nợ nần.

Ôm nợ vì tiêu

Men theo con đường từ trụ sở UBND xã Ia Blứ (huyện Chư Pưh) vào thôn Phú Hà (xã Ia Blứ), hai bên đường là nhiều rẫy tiêu đã chết khô, nằm trải dài. Có vườn tiêu hàng trăm trụ nhưng chỉ còn khoảng chục trụ sống. Dẫn chúng tôi ra vườn tiêu đã chết trụi, ông Trần Xuân Thịnh (thôn Phú Hà) cho biết, gia đình ông có 2 mảnh vườn trồng tiêu. Mảnh thứ nhất trồng khoảng 10 năm với 4.500 trụ, vài năm qua tiêu chết như rạ, chỉ còn 30 trụ. Mảnh thứ hai trồng được 3 năm với 2.200 trụ, hiện cũng chỉ có 800 trụ sống. “Bây giờ gia đình tôi còn nợ ngân hàng 500 triệu đồng. Hàng tháng phải đóng lãi hơn 7 triệu đồng. Tôi không biết lấy gì để trả nợ”, ông Thịnh nghẹn ngào. Tương tự, bà Nguyễn Thị Năm (thôn Phú Vinh, xã Ia Blứ) trồng 3 sào với khoảng 400 trụ tiêu, đến nay còn vài chục trụ. Nếu như năm cao nhất, vườn tiêu cho thu hoạch 600kg, thì năm ngoái còn 200kg, năm nay chỉ thu được 20kg. Bà Năm cho biết, gia đình bà vay hàng chục triệu đồng để đào giếng, đúc trụ, thuê nhân công trồng tiêu, đến nay vẫn chưa trả hết nợ.

Vườn tiêu của ông Trần Xuân Thịnh (thôn Phú Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) chết trụi

Dạo quanh thôn Thủy Phú (xã Ia Blứ), chúng tôi thấy nhiều căn nhà to đẹp mọc sừng sững. Ông Đặng Thanh Long, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Thủy Phú nói, nhìn bên ngoài khang trang thế nhưng bên trong ai cũng ôm nợ đầm đìa vì vay tiền trồng tiêu. Cũng tại thôn này, đã có hộ phải bán nhà để trả nợ ngân hàng do thua lỗ vì… tiêu. Một hộ khác là hộ chị Nguyễn Thị Hằng cũng đang treo biển bán nhà để trả khoản nợ 350 triệu đồng mà gia đình vay để trồng 2.000 trụ tiêu nhưng đã chết sạch vào năm 2016…

Theo ông Trần Hoàng, Chủ tịch UBND xã Ia Phang (huyện Chư Pưh), đầu tháng 12-2016 đến nay, ông đã ký hàng trăm đơn xin việc của thanh niên địa phương xin vào làm trong các khu công nghiệp ở các tỉnh phía Nam. Lý do thanh niên bỏ xứ đi làm ăn xa một phần cũng do tiêu chết, ở quê không có việc làm. Ông Lưu Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh cho biết, người dân mong muốn các tổ chức tín dụng trên địa bàn giãn nợ, khoanh nợ và cho vay mới.

Tìm hướng đi bền vững

Tình trạng tiêu chết diễn ra nhiều năm nay, tại huyện Chư Pưh, cao điểm năm 2015 là 300ha; huyện Chư Sê năm 2016 là 350ha. Theo ngành nông nghiệp các huyện Chư Pưh, Chư Sê, nguyên nhân tiêu chết do bệnh, già cỗi, thời tiết biến động. Ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Pưh, cho biết, đơn vị khuyến cáo người dân khi trồng nên dùng giống sạch bệnh. Đồng thời, tiếp tục triển khai dự án công nghệ sinh học để phòng bệnh trên cây hồ tiêu. Đối với những vùng đất có tiêu chết, người dân muốn tái canh thì phải để sau 3 năm. Trong thời gian chờ tái canh, có thể chuyển đổi sang các loại cây trồng ngắn ngày khác như ngô, chanh dây, phù hợp theo từng điều kiện. Trong chương trình tái cơ cấu hồ tiêu, Phòng NN-PTNT Chư Pưh đã tham mưu tổ chức tập huấn cấp cơ sở để dân hiểu những vùng đất và điều kiện nào nên phát triển hồ tiêu.

Còn theo ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cây hồ tiêu (Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên), ngoài những lý do trên, tiêu chết còn do trồng ồ ạt nên nấm, bệnh phát triển; trồng tiêu trên diện tích đất không phù hợp; trồng phải giống tiêu trôi nổi, không kiểm soát được mầm bệnh; sử dụng phân bón và thuốc quá liều… Điều đáng lo ngại là hiện tại, nhiều hộ vẫn đang có tư tưởng trồng tiêu theo kiểu “cú đấm ăn xôi”. Họ quan niệm trồng nếu sống và cho thu hoạch hai năm thì sẽ cho lời nên khi tiêu chết, họ cứ trồng và lặp lại điệp khúc chết - trồng như thế. “Hai vùng Chư Sê và Chư Pưh, mầm bệnh nằm từ trên cây tiêu đến xuống đất. Đi vườn tiêu nào cũng thấy nhiễm bệnh. Ở những vùng đất nhiễm bệnh nặng, muốn trồng lại hiệu quả, cần có đề tài khoa học nghiên cứu cụ thể vùng đất ấy, xác định các yếu tố trong đất gây nên việc trồng không thành công, cách xử lý thế nào, sau đó mới đưa ra quy trình trồng”, ông Ngọc nói.

HỮU PHÚC

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang