• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hiệu quả trồng mía xen lạc

Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 02/03/2017
Ngày cập nhật: 4/3/2017

Trong khoảng thời gian 4 tháng đầu, cây mía chưa khép tán khoảng cách giữa hàng và hàng đất trống, cỏ mọc nhiều, mất nhiều công làm cỏ, nếu trồng xen lạc, năng suất mía không những không giảm mà còn tăng nhẹ...

Từ 5 năm nay, nông dân xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên - Huế) đã mạnh dạn chuyển đổi hàng chục ha đất lúa, đất cồn vệ hiệu quả thấp sang trồng mía đỏ. Không những thế, họ còn trồng xen lạc dưới mía vừa tăng thu nhập vừa góp phần cải tạo đất.

Mía Quảng Phú nổi tiếng thơm ngon

Ông Nguyễn Văn Bảo, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Quảng Phú cho biết, năng suất lúa vụ xuân bình quân tại địa phương giao động ở mức 3,5 - 3,6 tạ/sào (500m2). Năng suất, sản lượng lúa cao nên những năm gần đây, người dân Quảng Phú không còn phải lo cái ăn nữa mà đã nghĩ tới chuyện tìm cây trồng phù hợp để làm giàu. Vì thế, những cánh đồng cánh đồng lúa, màu năng suất thấp đã dần được thay bằng những loại cây trồng hiệu quả.

Trong số này, một số diện tích nhỏ được chuyển sang trồng rau má, đầu ra hiện nay tương đối rộng. Địa phương cạnh bên là xã Quảng Thọ có HTX chuyên thu mua rau má hoặc tư thương đến tận vườn thu mua nên nông dân bán được giá. Phần lớn diện tích được nông dân chuyển sang trồng mía Cẩm Tân (mía đỏ).

Đây là giống mía ngọt, mềm, năng suất khá, tư thương đến tận ruộng thu mua chuyển vào Nam, ra Bắc tiêu thụ. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó, giá cả luôn đảm bảo có lãi cao hơn nhiều lần trồng lúa và hoa màu. Đặc biệt, mía Cẩm Tân trồng trên đất Quảng Phú, tưới từ nguồn nước sông Bồ nổi tiếng thơm, ngon, mềm, ngọt.

Mía được tập kết đầu bờ

Sau 4 - 5 năm trồng thử nghiệm, đến nay Quảng Phú đã có gần 30ha mía Cẩm Tân. Chính quyền địa phương đang có kế hoạch tăng thêm 50 ha từ nay cho đến năm 2020. Đặc biệt, trong khoảng thời gian trồng trên, nông dân Quảng Phú còn tận dụng diện tích đất trống giữa các hàng mía để trồng xen lạc. Hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt.

Ông Hồ Nhớ, đội 5, HTX Phú Thuận là một trong những hộ trồng nhiều mía Cẩm Tân nhất xã Quảng Phú. Ông Nhớ cho biết, trước đây toàn bộ diện tích đất của gia đình đều trồng lạc nhưng năng suất chỉ đạt 1 - 1,2 tạ/sào. 3 - 4 năm nay, ông chuyển sang trồng mía Cẩm Tân. Trồng giống mía này, năng suất cao, dễ trồng, ít sâu bệnh, đầu tư thấp nên hiệu quả thấy rõ.

Nhận thấy, trong khoảng thời gian 4 tháng đầu, cây mía chưa khép tán khoảng cách giữa hàng và hàng đất trống, cỏ mọc nhiều, mất nhiều công làm cỏ, ông nghĩ ra cách trồng xen lạc. Kết quả là, năng suất mía không những không giảm mà còn tăng nhẹ, đầu tư tăng không đáng kể. Với mỗi sào trồng mía xen lạc, ông vẫn thu về 50 - 60kg lạc, tương đương với 1 - 1,2 triệu đồng. Với 2 - 2,5 nghìn cây mía/sào, bán với giá 5 - 6 nghìn đồng/cây, ông thu về thêm 10 - 12 triệu đồng. Trừ chi phí đầu tư, giằng giữ cây, phân đạm, tính ra mô hình trồng mía xen lạc ông lãi 10 triệu đồng/sào, tương đương với 200 triệu đồng/ha. Đến nay thì hầu hết các hộ trồng mía tại Quảng Phú đều áp dụng mô hình này.

Một chiếc xe đợi “ăn hàng”

“Việc trồng xen lạc dưới tán mía không ảnh hưởng đến năng suất mía nếu tính toán đầu tư hợp lý. Thực ra, chỉ cần tăng đầu tư phân bón rất ít, cây mía vẫn phát triển tốt. Bên cạnh đó, rễ lạc có chứa hàm lượng ni tơ nhất định, có tính cải tạo đất nên sẽ làm cho đất mùa sau phì nhiêu hơn mùa trước”, ông Nhớ cho biết.

Theo ông Nhớ, khoảng cách hàng - hàng theo mô hình này nên rộng khoảng 1,5m, hom cách hom (mía) 12 - 15cm. Mía được trồng vào khoảng tháng chạp và trồng xen luôn lạc. 3 - 4 tháng sau, lạc đến tuổi thu hoạch cũng là thời điểm cần làm cỏ, bón thêm phân đạm cho mía. 5 - 6 tháng sau, cây mía vào vụ thu hoạch. Như vậy, chu kỳ sinh trưởng, phát triển của mô hình sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ 1 - 11 tháng.

Ông Nhớ giới thiệu kỹ thuật trồng lạc xen mía

Được biết, mới đây, bà con nông dân Quảng Phú còn áp dụng mô hình cải tiến nhân giống từ hom với sản xuất mía Cẩm Tân. Theo kỹ thuật này, cây con cũng được cắt từ đoạn trên của cây mẹ nhưng áp dụng thêm các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng ra chồi để tạo thêm nhiều cây giống có chất lượng tốt. Mô hình này đã giúp nông dân xã Quảng Phú giảm được chi phí mua cây giống.

Trong buổi chiều tà, khi chúng tôi rời Quảng Phú cũng là lúc một vài chiếc xe tải đang bon bon trên con đường bê tông ra giữa cánh đồng “ăn mía”. Nông dân Quảng Phú cho biết, năm nay năng suất mía không cao như những năm trước nhưng với giá 6 nghìn đồng/cây, mỗi sào khoảng 2 - 2,5 nghìn cây thì nông dân vẫn lãi lớn, gấp nhiều lần so với trồng lúa.

VĂN DŨNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang