• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bến Tre: “Hội chứng lúa sạch” - Tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhãn hiệu lúa Thạnh Phú

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 01/03/2017
Ngày cập nhật: 3/3/2017

Ông Nguyễn Văn Thiện phát biểu tại hội nghị.

Nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào thị trường lúa sạch Thạnh Phú (Bến Tre) sau khi sản phẩm này được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận Nhãn hiệu lúa sạch.

Với giá từ 6.800 - 7.000 đồng/kg lúa tươi, các doanh nghiệp mua được khoảng 500 tấn. Trong khi đó, với diện tích hơn 6.000ha, tổng sản lượng thu hoạch được trong vụ lúa mùa 2016-2017 lên đến hơn 27.000 tấn. Các doanh nghiệp đều bày tỏ muốn thu mua với số lượng nhiều hơn nhưng không được. “Hội chứng lúa sạch” mà các thương lái nhỏ lẻ tại địa phương gây ra khiến giá lúa lên đến gần 10.000 đồng/kg.

Kiểm soát để tránh diễn ra “hội chứng lúa sạch”

“Kế hoạch của công ty là thu mua với số lượng lớn nhưng khi liên hệ với các đầu mối trên địa bàn xã Mỹ An chỉ thu mua được 50 tấn. Chính tôi cũng không hiểu vì sao như vậy”, ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH lương thực Thịnh Phát phát biểu mở đầu hội nghị “Tổng kết mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa sạch năm 2016, triển khai kế hoạch năm 2017”, do UBND huyện Thạnh Phú vừa tổ chức, với sự tham dự của lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và nhiều doanh nghiệp.

Theo ông Tuấn, việc có nhiều doanh nghiệp tham gia vào thị trường lúa sạch đã tạo ra nhiều cơ hội lựa chọn cho người nông dân. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang bị thất thế trong cạnh tranh giá với “hàng sáo” địa phương (người thu mua nhỏ lẻ) trong quá trình liên kết tiêu thụ. Trong đó, vướng ngại lớn nhất là người dân không đảm bảo lúa tươi đúng chuẩn. “Thói quen của người nông dân hay cắt rồi để ngoài ruộng, vài ngày mới gom suốt. Tuy nhiên, trong mấy ngày đó lúa sẽ bị tác động bởi sương đêm, mưa… dẫn đến âm độ, trọng lượng lúa đều tăng cao khiến doanh nghiệp sau khi thu mua sẽ tốn nhiều chi phí hơn trong bảo quản. Trong khi đó, “hàng sáo” địa phương thì không phải chịu các chi phí này. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chịu thêm tiền thuế tiêu thụ lúa nội địa, trong khi sản lượng lúa Thạnh Phú không đủ để xuất khẩu” - ông Tuấn nói.

Vẫn theo ông Tuấn, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp khó triển khai kế hoạch thu mua với số lượng nhiều, giá cao là do việc quản lý Nhãn hiệu lúa sạch còn một số tồn tại như có tình trạng pha trộn lúa trong ao tôm với lúa canh tác nơi khác. “Tôi khẳng định thực tế đã xảy ra việc trộn lẫn lúa sạch với lúa khác. Ngoài ra, việc có quá nhiều giống lúa đã khiến doanh nghiệp khó có thể tiếp thị sản phẩm với đối tác. Trong khi khắc phục các vấn đề trên, tôi cũng đề nghị chính quyền địa phương cần định hướng cho người dân canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, tại vì hiện nay phần lớn bà con đều sử dụng phân bón hóa học” - ông Tuấn kiến nghị.

Ông Nguyễn Văn Thiện - Giám đốc Công ty Lương thực Bến Tre cho biết, chi phí vận chuyển cũng là nguyên nhân quan trọng khiến doanh không thể tăng giá lên cao. Trong năm 2016, công ty chủ yếu mua để xây dựng thương hiệu lúa sạch chứ chưa thực hiện kế hoạch thu mua lớn. “Tuy chỉ mua với số lượng ít nhưng việc vận chuyển đã gây ra quá nhiều khó khăn. Tôi đề nghị các hợp tác xã, tổ hợp tác nên có tổ dịch vụ vận chuyển ra các tuyến đường lớn trước khi có những con đường đủ lớn để xe tải của công ty có thể đến tận ruộng. Chúng tôi luôn ưu tiên thu mua lúa qua liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã nhưng trên thực tế nhiều hộ dân bị ghi tên tham gia các tổ chức này nhưng họ không biết, hoặc được vận động rồi sau đó được “hàng sáo” địa phương nhóng giá lên cao bẻ kèo… Những việc đó sẽ khiến các kế hoạch thu mua, tiêu thụ của doanh nghiệp không đạt được. Tôi cũng kiến nghị chính quyền địa phương có những giải pháp kiểm soát để tránh diễn ra “hội chứng lúa sạch” địa phương. Bởi, giá lúa, giá gạo hiện nay chênh lệch quá nhiều khiến người tiêu dùng hoài nghi khi sử dụng lúa sạch và thực trạng này gây khó khăn lớn cho công ty khi đang thực hiện kế hoạch giúp người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc gạo sạch Thạnh Phú” - ông Thiện nói.

Hoàn thiện chuỗi giá trị liên kết lúa sạch

Trong khi các doanh nghiệp kiến nghị về những nguyên nhân để kiềm giá ở mức thấp, ông Dương Văn Huyện - Chủ tịch UBND xã An Nhơn cho biết, giá lúa ở thời điểm cuối vụ thu hoạch, “hàng sáo” tại địa phương thu mua với giá lên đến gần 10.000 đồng/kg lúa tươi và nông dân không đủ bán.

“Tình hình ở thị trường như vậy khiến chúng tôi cũng khó mà tuyên truyền để nông dân tham gia các liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp. Theo tôi, nếu có thể, các doanh nghiệp nên ngồi lại với nhau để thống nhất nâng mức giá lên ít nhất cũng gần bằng với giá thị trường và các bất cập khác liên quan sẽ tìm cách giải quyết sau. Việc đó sẽ khiến nông dân an tâm khi tham gia kinh tế hợp tác và đó chắc chắn là hành động “hào hiệp” của các doanh nghiệp, góp phần giúp nông dân, địa phương giữ uy tín cho Nhãn hiệu lúa sạch. Làm được như vậy, sẽ kiểm soát được các tiêu cực từ “hội chứng lúa sạch” đang diễn ra hiện nay” - ông Huyện đề xuất.

Chia sẻ với những kiến nghị của phía doanh nghiệp, ông Trương Thanh Hải - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Phú cho biết, trong các giống lúa được dân sử dụng hiện nay như: OM 5451, OM 3535, OM 4900, Đài thơm 8, Nàng hoa 9 và một số giống lúa mùa địa phương như Nàng keo, Nhỏ hương, Tém trắng… thì Đài thơm là giống nổi trội lên vì phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện thời tiết tại địa phương, đồng thời gạo từ chủng loại lúa này được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong vụ lúa mùa năm 2017-2018, huyện sẽ tuyên truyền nông dân ở các địa phương trồng đồng loạt chủng loại lúa này.

Ông Lâm Văn Tân - Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú cho biết, trong năm 2017, huyện sẽ tập trung xây dựng hoàn chỉnh, đảm bảo thành lập hợp tác xã lúa tại xã An Nhơn. Các xã khác sẽ tập trung vận động dân tham gia các tổ hợp tác sản xuất. Trong xây dựng và hoàn thiện chuỗi giá trị liên kết lúa sạch Thạnh Phú, trong đó 3 phương thức được áp dụng là doanh nghiệp đầu tư “trọn gói” từ sản xuất đến cho nông dân hoặc chỉ tập huấn kỹ thuật canh tác và thu mua hoặc chỉ thu mua. Dù doanh nghiệp chọn phương thức nào thì cũng phải là thành viên của chuỗi. “Tôi cho rằng trong liên kết, nếu doanh nghiệp và nông dân hài hòa về lợi ích thì những tác động tiêu cực từ “hội chứng lúa sạch” do “hàng sáo” gây ra hiện nay sẽ bị triệt tiêu. Nhãn hiệu lúa sạch Thạnh Phú sẽ luôn giữ được uy tín cao trong người tiêu dùng” - ông Tân khẳng định.

Riêng vấn đề canh tác theo hướng hữu cơ (organic), ông Tân cho rằng các doanh nghiệp giao kết với nông dân khi thỏa thuận bao tiêu sản phẩm.

Thái Phương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang