• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Gạo Việt lại khó đầu ra

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 26/02/2017
Ngày cập nhật: 1/3/2017

Các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang thu hoạch rộ lúa đông xuân 2016-2017, giá lúa gạo đang ở mức cao. Trong khi thị trường xuất khẩu gạo không mấy sáng sủa, các nước nhập khẩu đang đẩy mạnh tự túc lương thực và thay đổi chính sách nhập khẩu. Gạo Việt vẫn loay hoay giải quyết bài toán đầu ra bền vững.

Giá lúa nội địa tăng

Thị trường lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL tuần qua đã đồng loạt tăng giá, dù các địa phương đang thu hoạch rộ lúa đông xuân. Theo nhận định của giới chuyên môn, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các yếu tố thời tiết, thủy văn bất lợi làm năng suất lúa đông xuân giảm là một trong những yếu tố khiến giá lúa gạo tăng. Ngoài ra, việc các doanh nghiệp thu gom hàng để kịp giao hơn 293.000 tấn cho thương nhân Philippines cũng góp phần đưa giá lúa gạo nội địa tăng. Giá lúa, gạo tại TP Cần Thơ hiện tăng thêm ít nhất 100-200 đồng/kg so với trung tuần tháng 2-2017. Tại nhiều quận, huyện của TP Cần Thơ, giá lúa tươi IR50404 hiện ở mức 4.600 - 4.700 đồng/kg; nhiều loại lúa tươi hạt dài (OM2514, OM2517, OM4218, OM5451, OM6976) có giá 4.800-5.300 đồng/kg. Các loại lúa thơm như: Jasmine 85, RVT, VD20… được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp thu mua ở mức 5.250-6.200 đồng/kg. Các nhà máy thu mua gạo lứt nguyên liệu IR50404 ở mức 6.500-6.600 đồng/kg; gạo trắng 7.450-7.600 đồng/kg. Tại Kiên Giang, giá lúa IR50404 tăng 100 đồng/kg lên mức 5.300 đồng/kg; lúa OM4218 tăng 200 đồng/kg, lên mức 5.900 đồng/kg; lúa Jasmine 6.500 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg. Tại An Giang, lúa IR50404 ổn định ở mức 4.500 đồng/kg…

Nông dân xã Phú Nhuận (huyện Cai Lậy) tập kết lúa chờ bán cho thương lái. Ảnh: KHẢI CA

Theo ông Võ Văn Rô, ở xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bao tiêu lúa tươi Jasmine 85 của nông dân trong các cánh đồng lớn tại huyện Cờ Đỏ phổ biến từ 5.250- 5.480 đồng/kg, nhưng có tiểu thương thu mua đến 5.500 - 5.600 đồng/kg. Gần đây, lúa tươi RVT, VD20 tiểu thương thu mua tại một số nơi lên đến 6.100-6.400 đồng/kg nhưng số lượng không nhiều. Còn tại địa bàn tỉnh Hậu Giang, ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: "Lúa đông xuân năm nay bán được giá hơn so với cùng kỳ năm 2016. Lúa IR50404 được thương lái thu mua ở mức 4.600 đồng/kg; OM5451 giá 5.400 đồng/kg, lúa RVT 6.000 đồng/kg... Với mức giá này, nông dân có thể đạt lợi nhuận trên 30%. Năng suất thu hoạch các trà lúa hiện tại đạt 7 tấn/ha, cao hơn thời điểm đầu vụ đông xuân trên 1 tấn/ha".

Tuy nhiên, giá lúa tại nhiều nơi cũng có dấu hiệu "tăng ảo". Theo dự báo của giới chuyên môn, giá lúa gạo sẽ chững lại trong vài ngày tới, do có tình trạng tiểu thương muốn nhanh chóng giao đủ số lượng cho doanh nghiệp, nên đẩy giá tăng cao và mua ngay những nơi họ tập kết ghe xuồng để không tốn chi phí vận chuyển. Mặt khác, thị trường xuất khẩu không sáng sủa, áp lực cạnh tranh với các nước xuất khẩu gạo thế giới đang đè nặng lên doanh nghiệp.

Thiếu chiến lược vững chắc

Thời gian qua, để nông dân trồng lúa trong các cánh đồng lớn an tâm gắn bó lâu dài với các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư và bao tiêu lúa cho nông dân. Vụ đông xuân này, giá lúa thị trường cao hơn giá doanh nghiệp bao tiêu, một số doanh nghiệp đã chủ động hỗ trợ và tăng thêm giá mua lúa cho nông dân. Tuy nhiên vẫn có trường hợp "bẻ kèo" hợp đồng. Một nông dân bức xúc: "Nói là "4 nhà" nhưng nhà ai nấy ở! Mối liên kết không tốt nên nông dân không có định hướng vững chắc. Ai cũng muốn sản xuất ra sản phẩm có người tiêu thụ, chứ cũng rất chán cảnh "tự sản, tự tiêu" lắm rồi. Nhưng làm lúa suốt 3 tháng ròng, rất nhiều thứ phải chi, doanh nghiệp gần cận ngày thu hoạch lúa mới đến mua, còn thương lái họ đặt cọc trước, do thiếu tiền xoay xở, đành phải thất tín với doanh nghiệp". Lý giải về vấn đề "bẻ kèo" hợp đồng, một chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, nguyên nhân chính là thiếu niềm tin lẫn nhau. Thị trường lúa gạo cứ biến động theo từng mùa vụ, thiệt thòi luôn là nông dân. Một nghịch lý hiện tại là giá lúa gạo nội địa đang tăng, thị trường xuất khẩu vẫn chưa khởi sắc thì việc giá lúa gạo tăng là dấu hỏi lớn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), việc Thái Lan quyết định bán hết toàn bộ 8 triệu tấn gạo tồn kho trong nửa đầu năm nay sẽ tiếp tục tác động xấu đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam. Theo đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong năm nay. Ngoài yếu tố tồn kho của Thái Lan, gạo Việt đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác. Hiện nay, tồn kho gạo toàn cầu tăng cao, các nước nhập khẩu lại đẩy mạnh chính sách tự túc an ninh lương thực. Kèm theo đó là xu hướng tự do hóa trong thương mại gạo và hàng rào kỹ thuật ở các nước nhập khẩu ngày càng cao, sẽ khiến tiêu thụ gặp nhiều khó khăn. Theo tính toán của một nhà khoa học, hằng năm, tổng lượng lúa hàng hóa của Việt Nam khoảng 45 triệu tấn, dùng cho an ninh lương thực khoảng 28 triệu tấn, còn lại 16 triệu tấn dành cho xuất khẩu. Nếu tính 16 triệu tấn lúa qui đổi được 8 triệu tấn gạo, nhưng không năm nào xuất hết lượng này. Năm 2016 xuất khẩu 4,8 triệu tấn gạo; năm 2017 kế hoạch là 5 triệu tấn. Nhiều năm qua, một số doanh nghiệp bị phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, nhưng hiện nay Trung Quốc đã cấm xuất tiểu ngạch. Điều này có thể tác động đến thị trường lúa gạo Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối, cho biết: "Vụ đông xuân này, sản lượng lúa hàng hóa ước khoảng 10-11 triệu tấn. Giá lúa hiện tại đã cao hơn vụ đông xuân trước; ngay cả lúa IR50404 cũng bán được giá cao. Do đó, không cần đặt vấn đề tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân này. Vấn đề cần giải quyết là phía doanh nghiệp xuất khẩu cần có chiến lược bài bản để đứng vững ở thị trường". Theo Tiến sĩ Bảnh, việc Thái Lan xả gạo tồn kho và chuyện gạo Việt Nam tiêu thụ được bao nhiêu trên thị trường thế giới là hai vấn đề khác nhau. Tại sao họ bán được giá cao, còn gạo Việt bán giá thấp. Cần tính toán căn cơ để giải quyết triệt để vấn đề thương hiệu cho gạo Việt.

Nhận định tình hình xuất khẩu gạo năm 2017, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) cho biết: "Những năm trước, sau Tết Nguyên đán là có các hợp đồng ngay, còn năm nay chờ đến giờ này mà chưa có đối tác nào liên hệ. Chúng tôi đang tập trung giao 20.000 tấn gạo cho đối tác Trung Quốc và Hồng Công (Trung Quốc) theo hợp đồng năm rồi. Còn năm nay, giá lúa gạo trong nước đang khá cao nên các đối tác đều dừng lại để chờ diễn biến của thị trường nước ta khi vụ đông xuân 2016-2017 thu hoạch rộ". Hiện nay, giá gạo thơm xuất khẩu khoảng 530 USD/tấn, nếp 510-515 USD/tấn". Theo ông Đôn, thời gian tới, chưa biết thị trường sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn khó khăn hơn năm 2016. Còn ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho rằng: "Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, dù tình hình khả quan nhưng xuất khẩu gạo vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn do dư thừa nguồn cung, người mua sẽ quyết định thị trường thay vì người bán như những năm trước đây. Do đó, bắt buộc phải nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp". Theo ông Khiêm, Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục chi phối thị trường lúa gạo Việt Nam trong năm nay. Chính vì vậy mỗi sự thay đổi của thị trường này cũng đủ làm cho thị trường lúa gạo Việt Nam nóng - lạnh theo. Khó khăn của ngành lúa gạo năm nay được dự báo còn lớn hơn khi thị trường này không còn dễ tính như trước.

NHÓM PHÓNG VIÊN-CTV

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang