• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăm sóc và chế biến hồ tiêu theo quy trình GAP

Nguồn tin: Nhân Dân, 21/02/2017
Ngày cập nhật: 22/2/2017

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), khối lượng xuất khẩu hồ tiêu năm 2016 đạt 177 nghìn tấn với kim ngạch 1,42 tỷ USD, tăng 34,3% về khối lượng và 12,9% về giá trị so với năm 2015. Tuy nhiên, sang năm 2017, theo dự báo của VPA, tình hình xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ tiếp tục gặp nhiều trở ngại. Nguyên nhân là do hầu hết các thị trường nhập khẩu hồ tiêu chính của Việt Nam sẽ gia tăng các biện pháp kiểm soát chất lượng hồ tiêu nhập khẩu, nhất là thị trường Mỹ và EU.

Cụ thể, tại thị trường EU, nhiều năm trước dư lượng tối đa cho phép (MRLs) của hóa chất Metalaxyl trên hạt tiêu nhập khẩu vào EU chỉ là 0.1ppm, nhưng năm 2017 con số này sẽ có sự thay đổi. Ủy ban châu Âu (EC) đang kiến nghị áp dụng MRLs cho phép của hóa chất này là 0.05ppm. Nếu như quy định này được áp dụng, ngành hồ tiêu Việt Nam sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn. Không những vậy, hiện nay, ngoài các quy định về dư lượng tối đa cho phép của một số hoạt chất trừ sâu bệnh (Carbendazim, Metalaxyl...) còn nảy sinh một số vấn đề mới liên quan tới quy định đối với các hoạt chất, như Pyrrolicidinealcaloids (PA), chất dầu khoáng lây nhiễm trong quá trình đóng gói, vận chuyển hoặc vấn đề nhiễm bẩn vào hạt tiêu trong quá trình sấy, chế biến sai quy cách.

Đáng chú ý, trong thư gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VPA cuối tháng 1-2017, Hiệp hội Gia vị châu Âu (ESA) cho biết, trong năm 2016, tổ chức này đã lấy mẫu và phân tích 799 mẫu hạt tiêu đen nhập vào EU thì chỉ có 17% số mẫu có mức dư lượng tối đa cho phép dưới 0.05ppm. Trong khi đó, đây lại là một trong những thị trường chính của hồ tiêu Việt Nam, tiêu thụ gần 40 nghìn tấn/năm, chiếm 23% tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu hằng năm.

Nhiều năm qua, nguyên nhân khiến cho chất lượng hồ tiêu ở nước ta thường xuyên gặp “trục trặc” khi xuất khẩu là do người dân mở rộng diện tích nhưng không chú trọng đến việc cải tạo đất, xử lý mầm bệnh hoặc trồng trên vùng đất không phù hợp; sử dụng phân hóa học với liều lượng cao, khiến cho đất thoái hóa, bạc màu, cây tiêu dễ bị mắc sâu bệnh, chất lượng sản phẩm kém. Khi tiêu bị bệnh, người nông dân chữa bệnh cho cây theo cảm tính, sử dụng nhiều loại thuốc không phù hợp. Trong quá trình trị bệnh, các loại thuốc ngấm vào hạt, đến khi xuất bán, thương lái gom hàng từ nhiều vùng cho nên tiêu đạt chất lượng, tiêu chưa đạt chất lượng trà trộn với nhau khiến cho chất lượng tiêu Việt Nam không được bảo đảm. Chưa kể trong quá trình bảo quản và đóng gói, do không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sản phẩm hồ tiêu Việt Nam bị lây nhiễm chất dầu khoáng, hóa chất độc hại.

Chất lượng là vấn đề sống còn của hồ tiêu Việt Nam. Hơn 90% số sản phẩm của ngành hồ tiêu nước ta phục vụ cho việc xuất khẩu. Nếu như các nhà nhập khẩu quay lưng, ép giá thì ngành hồ tiêu sẽ phải chịu những tổn thất nặng nề về uy tín và kinh tế. Nông dân là người trực tiếp làm ra sản phẩm. Do vậy, chỉ khi nào người trồng tiêu nhận ra được tính nghiêm trọng của vấn đề thì chất lượng hạt tiêu mới có thể cải thiện, xuất khẩu theo đó mới có thể bền vững. Để làm được điều đó, trước mắt, ngành chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cách thức sử dụng hóa chất đúng và các loại hóa chất không nằm trong danh mục được phép sử dụng đến từng hộ trồng tiêu.

Cả người trồng tiêu và các đơn vị liên quan tránh lạm dụng hóa chất trong khâu chăm sóc cũng như bảo quản. Bên cạnh đó, phải hoàn thiện và đẩy mạnh quy trình canh tác hồ tiêu theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), hỗ trợ ngành sản xuất hồ tiêu đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế. Cùng với quá trình cải thiện chất lượng, các địa phương cần rà soát diện tích hồ tiêu trên từng địa bàn, làm rõ những yếu kém, bất cập để có những điều chỉnh cần thiết.

MINH HUỆ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang