• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Rau màu và nghịch lý cung cầu

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc, 18/02/2017
Ngày cập nhật: 20/2/2017

Đầu ra cho nông sản luôn là vấn đề mà người nông dân, cũng như các ngành liên quan đặc biệt quan tâm. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc xúc tiến, tìm đầu ra cho nông sản, tuy nhiên vấn đề này vẫn còn là câu chuyện “ám ảnh” người nông dân. Quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng thành quả thu lại vẫn không như mong muốn.

Giá rau màu “lao dốc”

Thời điểm trước tết, nhu cầu thực phẩm tăng cao dẫn đến giá các mặt hàng nông sản tăng theo là điều bình thường. Hiện tại, các mặt hàng nông sản đang bắt đầu “lao dốc” khiến cho hoạt động sản xuất gặp không ít khó khăn. Qua ghi nhận, tại các chợ cũng như các nhà vườn, giá rau màu đã giảm một nửa so với thời điểm trước tết.

Theo một số thương lái tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang giá rau màu đã giảm mạnh sau tết do nguồn cung tăng. Cụ thể, giá bán các loại rau màu tại nhà vườn như: Bầu, bí đao từ 4.000 - 5.000 đồng/kg, ngò gai từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, cà chua từ 2.000 - 4.000 đồng/kg, hành lá từ 3.000 - 4.000 đồng/kg…

Thương lái thu mua rau màu của nông dân.

Cùng với cây lúa, rau màu là cây trồng chủ lực của xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông. Những năm qua, nỗi lo lớn nhất của người dân nơi đây chính là giá cả bấp bênh. Ông Nguyễn Văn Nuôi (ấp Trung, xã Tân Điền) có khoảng 2 công đất trồng cà chua. Hiện tại, ruộng cà chua của ông đã thu hoạch được hơn 1 tháng. Ông Nuôi bày tỏ: “Trước tết giá các mặt hàng nông sản nói chung và cà chua nói riêng có giá cao nên bà con rất phấn khởi. Đến thời điểm này, giá đã giảm một nửa khiến mọi người lo lắng. Hiện nay, mặc dù là người sản xuất nhưng chúng tôi chưa thể tự chủ được đầu ra, tất cả đều do các thương lái quyết định. Chỉ cần trái không đẹp mắt là thương lái phàn nàn đòi xuống giá. Nhiều khi mua 4 - 5 chuyến họ mới trả tiền cho mình”.

Gần đó, anh Lê Văn Thạnh có hơn 1 công đất trồng đậu bắp, hằng ngày sau khi thu hoạch xong anh mang ra chợ bỏ mối cho các tiểu thương với giá 5.000 - 6.000 đồng/kg. Anh Thạnh chia sẻ: “Mình bán cho họ với giá 5.000 đồng, khi họ bán cho người tiêu dùng hơn 10.000 đồng/kg, 1 lời 1. Trong khi đó, công sức, chi phí mình bỏ ra rất nhiều, chỉ có người trồng là chịu thiệt”.

Còn tại xã Bình Ân (huyện Gò Công Đông), chị Châu Thị Huyền Trang có 3 công đất trồng rau quế đang trong giai đoạn thu hoạch. Theo chị Trang, cứ cách 10 ngày là ruộng quế của chị lại thu hoạch 1 lần. Đây là lần thu hoạch thứ 2, đợt đầu tiên do lá quế bị bệnh nên phải tiến hành cắt bỏ. Cũng theo chị Trang, giá rau quế từ tết đến nay nằm ở mức thấp (5.000 đồng/kg), thêm vào đó là tình hình thời tiết bất lợi khiến cho nông dân gặp không ít khó khăn. Trong đó, công chăm bón, chi phí đầu tư là đáng kể.

Người tiêu dùng phải mua giá cao

Mặc dù người nông dân đang lo lắng bởi giá các loại rau màu đang ở mức thấp nhưng qua ghi nhận, giá các mặt hàng này tại một số chợ trên địa bàn tỉnh vẫn còn tương đối cao. Mặc dù theo một số tiểu thương giá bán này đã giảm một nửa so với trước tết, nhưng nếu so giá bán ở chợ và nhà vườn thì vẫn còn sự chênh lệch lớn.

Khảo sát tại chợ TX. Gò Công, chúng tôi nhận thấy một số loại rau màu có giá cao gấp đôi, thậm chí một số loại còn chênh lệch cao hơn nhiều so với tại nhà vườn. Cụ thể, cà chua có giá 8.000 đồng/kg, dưa leo 10.000 đồng/kg, khổ qua 8.000 đồng/kg, hành lá 10.000 đồng/kg… Một tiểu thương tại chợ TX. Gò Công cho chúng tôi biết: “Tùy theo người bán, mỗi sạp sẽ có sự chênh lệch khác nhau, ai muốn có lời nhiều thì sẽ nâng giá lên”.

Còn tại chợ thị trấn Vĩnh Bình (huyện Gò Công Tây), qua ghi nhận, bên cạnh một số loại rau màu đã “hạ nhiệt” thì giá bán một số mặt hàng nông sản còn chênh lệch lớn so với tại nhà vườn. Cụ thể, hành lá có giá 18.000 đồng/kg, ngò gai 20.000 đồng/kg, đậu que 18.000 đồng/kg, đậu bắp 12.000 đồng/kg, bí đao 7.000 đồng/kg…

Khi chúng tôi thắc mắc về chênh lệch giá giữa nhà vườn và ngoài chợ, anh N.V.B (xã Bình Ân, huyện Gò Công Đông) thương lái thu mua rau cho biết: “Chúng tôi mua rau của bà con về phải trải qua công đoạn sơ chế, sau đó mới mang bỏ mối ở TX. Gò Công và TP. Hồ Chí Minh. Nói chung là phải trải qua nhiều giai đoạn trung gian”. Còn theo một số tiểu thương tại chợ, giá bán cao hay thấp là do các đầu mối định giá, họ giao giá cao thì bắt buộc phải bán lên giá mới có lãi.

Có thể nhận thấy, cùng một loại rau củ nhưng từ nhà vườn đến tay người tiêu dùng lại có mức chênh lệch gấp đôi và thậm chí là nhiều lần. Suy cho cùng, người nông dân và người tiêu dùng hoàn toàn chịu thiệt. Khoảng chênh lệch ấy bộ phận trung gian là người hưởng lợi.

Để người nông dân tránh khỏi thua thiệt, người tiêu dùng mua sản phẩm đúng giá, các ngành chức năng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ trong việc ổn định đầu ra cho các mặt hàng nông sản. Và quan trọng hơn, người nông dân phải liên kết lại với nhau, cùng phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

MINH THÀNH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang