• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tăng chất, giảm lượng, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 04/01/2017
Ngày cập nhật: 5/1/2017

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, có thế mạnh lớn trong sản xuất lúa gạo so của cả nước. Tuy nhiên, trong những năm qua, giống lúa sử dụng không đạt phẩm cấp còn cao. Nhiều nơi, nông dân vẫn giữ thói quen lấy lúa thịt để làm giống. Một số giống lúa sử dụng qua nhiều năm đã trở nên thoái hóa, lẫn tạp, nhiễm sâu bệnh nặng, năng suất thấp, chất lượng gạo không đạt. Lẽ đó, việc nâng cao chất lượng hạt giống, hình thành mạng lưới cung cấp giống lúa chất lượng, đáp ứng nhu cầu sản xuất cần có sự tham gia tích cực của các nhà khoa học, các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh giống lúa.

Nâng chất lượng hạt giống

Đánh giá giống lúa triển vọng tại Viện lúa ĐBSCL.

Theo Viện Lúa ĐBSCL, những năm gần đây, sản lượng và chất lượng lúa gạo ở vùng ĐBSCL không ngừng tăng lên. Để đáp ứng nhu cầu canh tác, hằng năm, toàn vùng cần khoảng 500.000 tấn lúa giống các loại. Tuy nhiên, khoảng 70% lượng hạt giống sản xuất vẫn chưa được cung ứng theo tiêu chuẩn quốc gia. Tiến sĩ Đoàn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tiến bộ Kỹ thuật Nông nghiệp - Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: Từ năm 2014-2016, Viện Lúa ĐBSCL được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ triển khai Dự án "Xây dựng mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần chất lượng cao phục vụ sản xuất lúa hàng hóa tại vùng ĐBSCL". Qua 3 năm triển khai, Viện Lúa đã liên kết với 11 tỉnh, thành ở ĐBSCL tổ chức được 108 điểm thực hiện mô hình sản xuất giống lúa cấp xác nhận, tổng diện tích 2.329 ha. Tổng sản lượng lúa giống xác nhận các đơn vị cung cấp ra thị trường là 12.580 tấn giống các loại. Ngoài nguồn vốn đầu tư từ Dự án, các đơn vị tham gia liên kết phát triển mô hình bằng nguồn từ vốn huy động và đóng góp thêm cho 62.000 tấn giống xác nhận cung cấp ra thị trường. Đến nay, Dự án đã góp phần tăng diện tích sử dụng giống xác nhận lên 57% tại ĐBSCL.

Cùng với việc nâng cao chất lượng giống lúa, đưa giống xác nhận đến nông dân, Bộ NN&PTNT cũng đặc biệt quan tâm chỉ đạo các địa phương vận động nông dân giảm lượng lúa giống gieo sạ để giảm chi phí và tăng năng suất. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang triển khai Dự án "Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại ĐBSCL và Nam Trung bộ". Dự án thực hiện trong 3 năm 2016-2018 tại 11 tỉnh của vùng ĐBSCL và 2 tỉnh ở duyên hải Nam Trung bộ. Ông Trần Văn Dũng, Trưởng bộ phận Văn phòng thường trực tại Nam bộ-Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết: "Nông dân trồng lúa ở khu vực phía Nam còn có thói quen sạ dày. Mật độ gieo sạ bình quân từ 150-200kg/ha, có nơi lên đến 250kg/ha. Diện tích sử dụng giống lúa cấp xác nhận còn thấp. Trong năm đầu tiên của dự án (2016), có 6 tỉnh ở ĐBSCL tham gia xây dựng mô hình với 5 giống lúa chính là: RVT, Jasmine 85, Nàng Hoa 9, OM 5451, OM 4900. Ruộng mô hình có lượng hạt giống gieo sạ thấp hơn ngoài mô hình từ 40-120kg giống/ha; chi phí hạt giống giảm tương ứng 1,085 triệu đồng/ha; chi phí phân bón giảm 380.000 đồng/ha; chi phí thuốc bảo vệ thực vật giảm 1,822 triệu đồng".

Thay đổi tư duy canh tác

Đối với các địa phương ở ĐBSCL, nhu cầu tăng tỷ lệ gieo sạ giống lúa cấp xác nhận và giảm lượng giống lúa gieo sạ là rất cần thiết để giảm chi phí đầu vào cho nông dân. Ông Phạm Văn Mịch, Giám đốc Trung tâm giống tỉnh Cà Mau, cho biết: Hiện nay, OM 5451 và OM 6162 là 2 giống lúa chủ lực của tỉnh. Tuy nhiên, giống lúa OM 5451 đang có dấu hiệu thoái hóa, chất lượng giống giảm so với trước, tỷ lệ sâu bệnh tăng. Vì vậy, Cà Mau rất mong nhận được sự hỗ trợ của Viện Lúa ĐBSCL để phục tráng giống OM 5451 để đảm bảo chất lượng và kiểm soát chất lượng giống đầu vào, phục vụ sản xuất. Hiện nay, tỉnh cũng có nhu cầu cấp thiết đối với các giống lúa có khả năng chống chịu mặn cao để thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt. Một vấn đề nữa là nông dân ở Cà Mau vẫn còn tập quán gieo sạ lúa với mật độ dày (khoảng 200kg/ha) với tâm lý phòng ngừa, trừ hao khi bị chuột, ốc cắn phá. Do đó, Cà Mau rất mong muốn được tham gia vào Dự án "Xây dựng và nhân rộng mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ trong sản xuất lúa tại ĐBSCL và Nam Trung bộ" của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân trong việc giảm lượng giống lúa gieo sạ, giảm chi phí đầu vào.

Với Dự án "Xây dựng mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần chất lượng cao phục vụ sản xuất lúa hàng hóa tại vùng ĐBSCL", Viện Lúa ĐBSCL hỗ trợ về mặt kỹ thuật, phương tiện, điều kiện nhân giống với số lượng giống lớn, có chất lượng cao theo yêu cầu của từng vùng sinh thái. Từ đó, phát triển mạng lưới sản xuất giống địa phương từ khâu sản xuất, chế biến cung ứng giống, từng bước nâng dần diện tích sử dụng giống có chất lượng, nhằm góp phần cải thiện năng suất, cải thiện chất lượng lúa thương phẩm trên toàn vùng". Tiến sĩ Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, chia sẻ: Mô hình liên kết sản xuất hạt giống lúa thuần chất lượng cao phục vụ sản xuất lúa hàng hóa tại vùng ĐBSCL mong muốn huy động sự tham gia của các doanh nghiệp và trung tâm giống với vai trò là hạt nhân quy tụ các tổ sản xuất, hợp tác xã tham gia vào mạng lưới sản xuất và cung ứng giống lúa. Điều quan trọng doanh nghiệp và trung tâm giống vẫn tiếp tục đầu tư, mở rộng thêm diện tích sản xuất giống lúa cấp xác nhận, bao tiêu đầu ra với các đơn vị liên kết để đáp ứng nhu cầu giống cho sản xuất lúa của vùng ĐBSCL.

Các mô hình, dự án về nâng cao chất lượng hạt giống lúa, giảm lượng giống gieo sạ đã và đang được nhân rộng tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Trong đó, nông dân là đối tượng trực tiếp hưởng lợi nếu sử dụng giống đảm bảo phẩm cấp với mật độ gieo sạ thích hợp. Để duy trì và nhân rộng mô hình, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của nông dân cần được ngành nông nghiệp các địa phương triển khai thường xuyên và liên tục. Khi người dân có ý thức càng cao về vai trò quan trọng của giống cây trồng thì càng có động lực để thúc đẩy công tác sản xuất giống, kích cầu cung ứng giống. Khi đó, hệ thống giống từ khâu nghiên cứu, sản xuất và lưu thông giống mới có điều kiện phát triển, đáp ứng nhu cầu của một nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.

MINH HUYỀN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang