• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hiệu quả mô hình sản xuất mới

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 09/02/2017
Ngày cập nhật: 10/2/2017

Cùng với việc ứng dụng công nghệ cao để sản xuất rau sạch, nhiều đơn vị tại vùng rau Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã chủ động kết nối với các đầu mối tiêu thụ để sản phẩm có đầu ra ổn định.

Gắn sản xuất với tiêu thụ

Những năm gần đây, cụm từ “chuỗi liên kết” không còn xa lạ đối với nông dân sản xuất rau sạch tại Đà Lạt và vùng phụ cận. Hợp tác xã (HTX) Anh Đào là một trong những đơn vị tiên phong trong thực hiện chuỗi liên kết này. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc HTX Anh Đào cho biết, năm 2008, HTX và hệ thống siêu thị Co.opMart đã ký hợp đồng tiêu thụ mỗi ngày 7,5 tấn rau tiêu chuẩn VietGAP với giá thu mua cao hơn rau sản xuất kiểu truyền thống 10% - 15%. Từ đó, 22 hộ xã viên và hộ liên kết đã yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích. Đến nay, HTX có 270ha rau trồng trong nhà kính, nhà lưới và áp dụng các kỹ thuật canh tác hiện đại. Hàng năm, HTX Anh Đào cung cấp ra thị trường hơn 43.000 tấn rau theo hợp đồng đã được ký kết, với 70 chủng loại rau, có thể đáp ứng được những đơn hàng lớn và liên tục bất kể mùa nào trong năm.

Sản xuất rau sạch tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng)

Công ty TNHH Viet Farm (Đà Lạt) cũng đã thành công nhờ hướng đi liên kết với các hộ nông dân. Cụ thể, với 15ha trong chuỗi trồng rau sạch của mình, có 10ha do đơn vị này hợp tác với nông dân để sản xuất 40 loại rau như xà lách, cà chua, rau cải theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP; trung bình mỗi tháng cung cấp ra thị trường hơn 300 tấn rau củ cho 7 hệ thống siêu thị và chuỗi 20 cửa hàng tiện lợi. “Đơn vị tiêu thụ sẽ đưa ra con số (sản lượng) và loại sản phẩm dự đoán thị trường sẽ cần, sau đó mình ký cam kết đáp ứng theo đơn hàng cho cả năm. Với sản lượng năm 2016 đạt hơn 4.000 tấn, công ty chúng tôi thu về hơn 52 tỷ đồng, trong đó có 40% dành để xuất khẩu”, anh Nguyễn Đông Hải, Giám đốc Công ty TNHH Viet Farm cho biết.

Đầu ra sản phẩm rau Đà Lạt ổn định hơn nhờ sản xuất theo đơn đặt hàng

Ngoài những mô hình kể trên, hiện ở Lâm Đồng còn doanh nghiệp liên kết với nông dân để sản xuất - tiêu thụ rau sạch, thu hút hàng trăm nông hộ tham gia như: HTX Xuân Hương, HTX Tân Tiến, Công ty Dalat G.A.P, Công ty Liên doanh Organik Dalat, trang trại Phong Thúy... Tại đây, doanh nghiệp hỗ trợ nông dân về giống, vật tư, quy trình kỹ thuật, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm sản xuất ra; nông dân thì góp đất, vốn, công lao động trực tiếp, chịu trách nhiệm sản xuất các loại hàng hóa theo hợp đồng đã ký, giá cả theo thị trường tại thời điểm thu hoạch. Bằng cách làm này, rau củ sản xuất có thể cung cấp cho các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị và nhà hàng lớn. Hiện đã có 6 cơ sở ký kết tiêu thụ sản phẩm với Saigon Co.op; 30 cơ sở tham gia tiêu thụ rau với các siêu thị Lotte, BigC, Metro, Maximark, Aeon.

Kết nối các “đầu tàu”

Mặc dù hiện nay sản phẩm rau sạch của các doanh nghiệp tại Đà Lạt có đầu ra khá ổn định do sản xuất theo hợp đồng, nhưng tỷ lệ rau sạch trên tổng sản lượng không lớn vì doanh nghiệp, nông dân đang gặp khó trong việc mở rộng thị trường. Theo Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh có 2 chợ đầu mối rau củ, trong đó chợ đầu mối nông sản chất lượng cao huyện Đức Trọng với quy mô hạng 1, hàng ngày tập kết rồi vận chuyển về các chợ đầu mối chủ yếu ở TPHCM (chợ Bình Điền, chợ Thủ Đức), Vũng Tàu, miền Trung… với sản lượng tiêu thụ đạt 300 tấn/ngày. Toàn tỉnh cũng có hơn 100 đơn vị cung ứng rau. Tuy nhiên, các đơn vị thu mua còn rải rác, nhiều đơn vị vừa sản xuất nhưng đồng thời cũng có nơi tiêu thụ trực tiếp thông qua một số trung gian, chưa có một đầu mối thu mua rau đủ mạnh để bao quát toàn bộ vùng sản xuất.

Còn theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện chưa có nhiều doanh nghiệp, HTX có quy mô lớn, đóng vai trò “đầu tàu” cho chuỗi sản xuất - tiêu thụ rau. Do đó, sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao chưa ổn định, còn bấp bênh về thị trường, nặng về số lượng. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, cho biết, để giải quyết căn bản tình trạng trên, phải gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với các hộ nông dân trồng rau để hình thành các chuỗi sản xuất tiêu thụ khép kín, được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Đặc biệt, các chuỗi này sẽ là định hướng về thị trường tối ưu cho người trồng rau. Tỉnh Lâm Đồng hiện đang tích cực thực hiện các chương trình hợp tác với các địa phương là thị trường chủ lực như: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Đồng thời, phê duyệt đề án hình thành các chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn để khuyến khích doanh nghiệp và người dân liên kết với nhau tạo sự bền vững trong sản xuất.

Sẽ có trung tâm giao dịch hoa Đà Lạt

Tỉnh Lâm Đồng đang xúc tiến thành lập trung tâm giao dịch hoa Đà Lạt với khối lượng giao dịch khoảng 550 triệu cành/năm. Nhiệm vụ của trung tâm là thu gom hoa tại Đà Lạt và vùng phụ cận; tổng hợp đơn đặt hàng từ người mua và thông tin sản phẩm từ người trồng, phân phối sản phẩm; thông tin hoạt động, giá cả; xử lý sau thu hoạch; tổ chức vận chuyển bằng xe lạnh về chợ đầu mối TPHCM (dự kiến xây dựng tại chợ Bình Điền, quân 8). Tại chợ đầu mối TPHCM, bộ phận phân phối và lưu trữ sẽ phân phối hoa về các chợ nhỏ hơn hoặc đưa thẳng đến các cửa hàng hoa theo đơn đặt hàng.

ĐOÀN KIÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang