• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nông dân trồng lúa gặp khó vì mưa trái mùa, muỗi hành

Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 09/02/2017
Ngày cập nhật: 10/2/2017

Đông xuân là vụ lúa trúng mùa nhất so với các vụ lúa khác trong năm. Tuy nhiên, thời điểm bước vào thu hoạch lúa đông xuân 2016-2017 đã xuất hiện mưa trái mùa, làm cho nhiều trà lúa bị đổ ngã, gây khó khăn cho thu hoạch, tăng chi phí và tỷ lệ thất thoát lúa. Dịch muỗi hành cũng gây tổn thất lớn cho nông dân trồng lúa.

Thất mùa vì mưa trái mùa

Thời điểm trước Tết Nguyên đán 2017, còn khoảng 15-20 ngày tới vụ thu hoạch lúa đông xuân 2016-2017, nhiều nông dân rất phấn khởi vì ruộng lúa của mình nặng trĩu bông, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Nhưng những cơn mưa trái mùa với cường độ lớn kèm gió mạnh đã liên tục xuất hiện từ trước, trong và sau Tết Nguyên đán làm nhiều trà lúa đông xuân bị đổ ngã trên nền ruộng bị ngập nước, năng suất lúa giảm.

Lúa đổ ngã gây khó khăn và thất thoát trong thu hoạch. Ảnh: VĂN CÔNG

Ông Huỳnh Văn Minh, ở khu vực Tân Lợi 2, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: "4 công lúa vụ này phát triển rất tốt, ước mỗi công (tầm lớn 1.300m2) có thể đạt hơn 1,1 tấn lúa như cùng kỳ năm rồi. Giảm thì cũng được 1 tấn/công. Tuy nhiên, những cơn mưa trái mùa xuất hiện từ 28 Tết đã làm ruộng lúa ngã sập và chìm trong nước. Tôi đã nỗ lực tiêu thoát nước cho ruộng lúa nhưng mưa lớn liên tục nên nền đất ruộng không ráo được. Do vậy, lúc thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn vì nền đất bị sình lún, khó thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp". Theo ông Minh, tỷ lệ lúa thất thoát theo rơm rạ trong quá trình thu hoạch lên đến hơn 40%. Kết quả là 4 công lúa của ông năng suất chỉ đạt 600 kg/công, với giá 4.400 đồng/kg, tính ra vụ lúa này ông không có lợi nhuận nhiều.

Theo ông Nguyễn Hồng Cưng, ngụ ấp Thới Bình A3, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, ruộng lúa sắp thu hoạch thường khá nặng bông và gốc rạ không còn cứng nữa nên rất dễ bị đổ ngã khi gặp phải mưa lớn kèm theo gió mạnh. Nông dân đã quan tâm tiêu thoát nước kịp thời cho ruộng lúa để tránh lúa bị ngập úng, thúi rụng và bị lên mộng. Tuy nhiên, khi lúa bị ngã và nền đất ruộng bị sình lầy đã khiến tỷ lệ lúa bị thất thoát trong quá trình thu hoạch bằng máy gặt đập rất lớn. Nông dân có thể đoán biết trước nhưng không thể khắc phục được, nếu thuê cắt tay thì không có nhân công và bây giờ không còn máy suốt lúa như ngày xưa. "Vừa qua, tôi đã thu hoạch 10 công lúa, ước tính ban đầu năng suất lúa đạt phải đạt 900 kg đến 1 tấn/công tầm lớn, nhưng thực tế chỉ được 700kg/công"- ông Nguyễn Hồng Cưng nói.

Theo nhiều nông dân, chưa có năm nào thời tiết lại kỳ lạ như năm nay bởi qua tháng Giêng mà còn có mưa. Ngoài bị thất thu trong quá trình thu hoạch, vụ lúa này, nhiều nông dân khó đạt lợi nhuận cao bởi chi phí thu hoạch lúa tăng và giá lúa cũng chưa cao như mong đợi. Nếu cùng kỳ năm trước, giá thuê máy gặt đập liên hợp cắt lúa vụ đông xuân chỉ ở mức 270.000-280.000 đồng/công thì vụ này do lúa ngã, giá thuê máy từ 290.000-370.000 đồng/công, tùy nơi. Ông Huỳnh Văn Đâu, ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, cho biết: "Trước Tết Nguyên đán 2017, tôi và nhiều hộ dân ở đây nhận tiền cọc bán lúa tươi IR50404 cho thương lái với giá chỉ 4.300 đồng/kg. Giá chưa cao như mong muốn nhưng nếu neo lại chờ, qua Tết lúa phải thu hoạch ngay, chúng tôi sợ không có ai mua". Đến ngày 7-2-2017, giá lúa trên thị trường tăng lên mức 4.500-4.600 đồng/kg, nhưng nhiều nông dân phải bán cho thương lái với giá đã nhận cọc trước Tết để giữ chữ tín cho các vụ lúa sau. Theo ông Huỳnh Văn Đâu, một số thương lái đồng ý nâng giá mua lúa cho bà con thêm 50 đồng/kg nhưng lợi nhuận không cao do năng suất lúa giảm mạnh.

Tại nhiều quận, huyện của TP Cần Thơ, giá lúa tươi IR50404 đang ở mức 4.500-4.600 đồng/kg, tăng khoảng 50- 200 đồng/kg so với cách nay hơn 2 tuần. Trong khi đó, nhiều loại lúa hạt dài và lúa thơm đang có giá từ 4.700-5.250 đồng/kg. Giá lúa tăng vào đầu vụ phần nào giảm bớt khó khăn cho nông dân trước thời tiết bất lợi trong vụ đông xuân năm nay. Nhưng đó là với những ruộng lúa không bị đổ ngã do mưa, còn lúa đổ ngã, năng suất giảm 30-40% so với dự kiến.

Muỗi hành hoành hành

Không chỉ giảm năng suất vì mưa trái mùa, nhiều trà lúa đông xuân còn bị muỗi hành. Vụ đông xuân 2016-2017, TP Cần Thơ xuống giống 85.449ha; tập trung chủ yếu tại các huyện: Vĩnh Thạnh, Thới Lai, Cờ Đỏ… Trong đó, huyện Thới Lai xuống giống 19.167ha; các trà lúa đang trong giai đoạn trổ 1.024,8ha, chắc xanh 8.079,9ha, chín là 9.971,1ha. Tính đến ngày 7-2, nông dân huyện Thới Lai đã thu hoạch được 91,2ha, năng suất 6,86 tấn/ha. Do ảnh hưởng của mưa trong tuần qua, lúa đổ ngã 2.314ha, chủ yếu tập trung trên các chân ruộng lung, trũng, sạ dày, bón thừa phân đạm. Huyện Vĩnh Thạnh xuống giống hơn 25.123ha; trong giai đoạn đẻ nhánh 587,5ha, làm đòng 8.221ha, trổ 3.825,7ha, chắc xanh 4.161,4ha, chín là hơn 7.390ha và đã thu hoạch hơn 947ha. Theo Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, trên trà lúa đẻ nhánh và giai đoạn làm đòng có một số diện tích bị muỗi hành gây hại (ở vùng Bắc Cái Sắn, gồm các xã: Thạnh Thắng, Thạnh An, Thạnh Lợi…). Đáng chú ý là tại ấp E2, xã Thạnh Lợi có 126ha bị nhiễm nặng với tỷ lệ từ 70% trở lên.

Lãnh đạo thành phố kiểm tra, chỉ đạo khắc phục muỗi hành gây hại lúa đông xuân ở ấp E2, xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: ANH KHOA

Một số diện tích bị nhiễm muỗi hành nặng ở ấp E2, xã Thạnh Lợi, nông dân đã phải trục bỏ ruộng lúa. Ông Chu Anh Kiệt, cho biết: "20 công lúa đông xuân của gia đình được 36 ngày tuổi thì phát hiện muỗi hành, thiệt hại gần như hoàn toàn. Gia đình phải trục bỏ và hơn 20 triệu đồng tiền giống, phân thuốc… coi như mất trắng vụ này". Còn ông Nguyễn Ngọc Trường có 20 công lúa đang phát triển tốt, đột nhiên đến Mùng 4 Tết phát hiện muỗi hành gây hại. Nông dân ở đây chưa bao giờ gặp tình trạng này, nên còn lúng túng trong phòng trừ, phát hiện muỗi hành, ông Trường đã phun xịt thuốc sâu nhưng lúa đã thiệt hại khoảng 90%.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: "Trước giờ, muỗi hành chỉ là đối tượng gây hại thứ yếu, nhưng vụ đông xuân năm nay gây hại lớn ở khu vực Bắc Cái Sắn. Khu vực này, nông dân xuống giống trễ nhất của thành phố và cũng trễ so với lịch thời vụ của ngành nông nghiệp thành phố khuyến cáo, đã gây áp lực lớn về sâu bệnh. Ngoài ra, nông dân sạ dày và bón phân thừa đạm là cơ hội cho muỗi hành phát triển, cũng như các đối tượng sâu hại khác bộc phát. Cần khắc phục dịch muỗi hành để tránh cho vụ lúa tới, ruộng nhiễm nặng quá nông dân phải trục bỏ". Theo bà Nguyễn Thị Kiều, ngành nông nghiệp cũng lưu ý nông dân không nên sạ lại ngay mà tới vụ hè thu chính vụ (giữa tháng 4 và đầu tháng 5-2017) mới gieo sạ cho đúng lịch thời vụ để né sâu rầy và tránh được tình trạng ngộ độc hữu cơ.

Vừa qua, kiểm tra tình hình sản xuất lúa đông xuân 2016-2017 trên địa bàn huyện Thới Lai và Vĩnh Thạnh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng yêu cầu huyện Thới Lai quan tâm theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh đối với diện tích lúa xuống giống trễ. Tổ chức, hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa, tiêu thụ lúa. Huyện Vĩnh Thạnh cần đánh giá chính xác mức độ thiệt hại trên lúa của nông dân do muỗi hành. Lúa bị thiệt hại trên 70% nên trục bỏ, Nhà nước xem xét hỗ trợ thiệt hại cho nông dân theo quy định. Sở NN&PTNT thành phố và địa phương tập trung cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa tại nơi có muỗi hành gây hại. UBND huyện làm việc với ngân hàng, các đại lý vật tư nông nghiệp để khoanh nợ cho nông dân có lúa bị thiệt hại do muỗi hành.

Công - Khoa

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang