• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trung tâm huấn luyện nông dân… làm mạ, cấy lúa đầu tiên ở Việt Nam

Nguồn tin: Nông nghiệp VN, 22/12/2017
Ngày cập nhật: 23/12/2017

Theo thống kê của các nhà khoa học trong top những người mắc bệnh xương khớp cao như nông dân cấy lúa, thợ cắt tóc, nha sĩ, thợ xây, diễn viên xiếc…

Nông dân cấy lúa đứng đầu về bệnh xương khớp

Ngâm mạ, cấy lúa ngỡ tưởng như đã thành bản năng ngấm sâu vào máu huyết của nông dân thế mà vẫn phải huấn luyện như thường là bởi giữa thời đại của thế giới phẳng, không thể cứ mãi “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” theo cung cách của tổ tiên được. Nó vừa kém hiệu quả về kinh tế lại vừa dễ khiến cho nông dân mắc thêm các bệnh về xương khớp như thoái hóa cột sống, đốt sống cổ.

Dây chuyền làm mạ

Theo thống kê của các nhà khoa học trong top những người mắc bệnh xương khớp cao như nông dân cấy lúa, thợ cắt tóc, nha sĩ, thợ xây, diễn viên xiếc…thì nông dân cấy lúa luôn dẫn đầu bởi họ thường xuyên làm việc ở tư thế cúi, cử động nhiều ở vùng đầu cổ cộng với cường độ lao động cao, thời tiết ngoài trời khắc nghiệt. Làm sao để giải phóng cho hàng vài chục triệu cái lưng của nông dân Việt khỏi phải còng xuống trong giá lạnh vụ xuân, trong nắng lửa vụ mùa? Câu hỏi đó trước đây rất khó trả lời.

Hà Nội tiếng là Thủ đô của cả nước nhưng vẫn còn có hàng trăm 100.000 ha lúa, vẫn còn cả triệu nông dân. Trong khi đó mới chỉ có khoảng 4% được giải phóng khỏi bệnh xương khớp vì đã dùng máy cấy hay công cụ xạ hàng. Một tỷ lệ quá nhỏ! Dù Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa nhưng vẫn khó có thể thúc đẩy được công đoạn mạ khay, máy cấy.

Nông dân nào đã mạnh dạn đầu tư máy móc thì cứ “loay hoay như gà mắc tóc” bởi không có được quy trình chuẩn thế nào là mạ khay, thế nào là cấy bằng máy, không đủ diện tích để chứa mạ…Bởi vậy mà sự kiện mới đây Trạm khuyến nông Thạch Thất-Công ty Kubota-Công ty Công nông nghiệp Hà Nội tổ chức khai trương Trung tâm mạ khay chuẩn Nhật Bản đầu tiên ở Việt Nam là hết sức đáng mừng. Tất cả các công đoạn ở đây đều được chuyên gia Nhật Bản kiểm tra, giám sát để đảm mỗi cây mạ xuất xưởng đều đạt tiêu chuẩn của Kubota toàn cầu. Đây cũng là nơi tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về mạ khay, cấy máy cho nông dân các vùng có thể đến học tập...

Mô hình mẫu

Khi những tia nước nhỏ đều đặn xuống khay tưới đủ ẩm để tiếp theo từng hạt giống bỏ chính xác từng cm một vào thì khuôn mặt ông Yuji Tabira-Tổng Giám đốc Công ty Kutota Việt Nam bỗng trở nên giãn nở, bừng sinh khí.

Một khay mạ chuẩn Nhật Bản

Ông cho hay: “Cấy lúa là công việc không hề đơn giản và đòi hỏi nhiều sức lao động. Xu thế chi phí nhân công đang tăng lên gần đây khiến người nông dân ngày càng khó khăn hơn. Kubota và các đại lý ủy quyền đã đưa ra giải pháp sử dụng máy cấy để giảm sức lao động và giảm chi phí.

Tuy nhiên, việc cung cấp mạ chất lượng cao chính là trở ngại đáng kể của việc cơ giới hóa. Và giờ đây, Trung tâm mạ Kubota ra đời sẽ cung cấp mạ chất lượng cao cho người sử dụng máy cấy nói riêng và người trồng lúa nói chung. Chúng tôi tin tưởng rằng, nó sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình cơ giới hóa tại khu vực này”.

Anh Nguyễn Bùi Hải-Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thạch Thất thông tin rằng ngay từ năm 2012 đơn vị đã có ý tưởng sản xuất mạ khay, cấy máy. Tuy nhiên đây là khâu khó khăn nhất đòi hỏi áp dụng nhiều kỹ thuật từ làm mạ và cấy cho đến tập quán của người nông dân vốn quen cấy với mật độ dày. Khi bắt đầu cơ sở vật chất cũng như kỹ thuật còn ít (thiết bị gồm 1 máy cấy 4 hàng, 1 giàn gieo đẩy tay, 1.500 khay nhựa), mỗi vụ chỉ sản xuất được 1.500 khay mạ, cấy diện tích 6 ha, phục vụ cho khoảng 60 hộ dân. Tiến thêm một bước, Trạm có thêm các thiết bị như máy nghiền đất, băng tải, 1 dây truyền gieo mạ, 1 máy cấy 4 hàng, 14.000 khay nhựa, nhà xưởng và khu kỹ thuật. Đến năm 2017 đơn vị đã sản xuất được 15.000 khay/vụ, cung cấp mạ cho 7 máy cấy, phục vụ cho trên 800 hộ dân (trong đó có gần 100 hộ cấy bằng tay). Nhưng bấy nhiêu đó cũng chỉ chiếm chưa tới 5% diện tích lúa của toàn huyện.

Trung tâm mạ khay chuẩn Nhật Bản ra đời được ví như một bước tiến lớn trong khi có khả năng cung cấp mạ cho 100 ha lúa mỗi vụ. “Những nơi nào chủ động được tưới tiêu, áp dụng cấy máy vào được thì mua mạ về cấy máy còn nơi nào không chủ động được thì mua mạ về cấy tay. Nếu như làm mạ dược kiểu truyền thống rồi cấy tay mỗi sào mất 350.000đ thì mạ khay cấy máy chỉ mất 130-150.000đ. Không chỉ vậy nó còn tiết kiệm được công sức cho những vùng nông thôn cận đô thị, nhiều ngành nghề nhưThạch Thất để không còn tình trạng bỏ hoang ruộng đồng kiểu da báo vào mỗi mùa vụ nữa”. Anh Hải giải thích.

Mạ vừa được gieo

Cũng xin phải nói qua về Trạm khuyến nông Thạch Thất-đơn vị đặc biệt nhất trong hệ thống khuyến nông của Hà Nội với quân số lên tới 19 người nhưng được chia thành 2 là bộ phận chuyển giao và bộ phận sản xuất kinh doanh, dịch vụ (làm dịch vụ để tự chi trả lương). Trước xu thế các Trạm khuyến nông huyện sẽ dần chuyển theo hướng dịch vụ để tự nuôi sống mình thì việc thành lập trung tâm mạ khay, cấy máy sẽ là hướng đi tiên phong của Thạch Thất. Đó là ở cấp huyện, còn ở cấp xã cũng có thể hình thành những trung tâm mạ khay, cấy máy quy mô nhỏ hơn do các HTX hay các nhóm nông dân nòng cốt vận hành.

VÂN ĐÌNH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang