• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Trồng rừng theo hộ gia đình cần chú trọng giống cây lâm nghiệp

Nguồn tin: Báo Chính phủ, 22/12/2017
Ngày cập nhật: 23/12/2017

Theo các chuyên gia trồng trọt, giống cây lâm nghiệp là một khâu quan trọng và có tính quyết định đến toàn bộ chuỗi sản xuất hàng hóa đối với ngành lâm nghiệp.

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2017 tăng 6,6%. Sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung bình quân đạt 17 triệu m3, theo ước tính cả năm 2017 đạt 19 triệu m3.

Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng gấp hơn 2 lần trong vòng 5 năm (2,8 tỷ USD/năm giai đoạn 2006-2010 lên bình quân 6,52 tỷ USD/năm giai đoạn 2011-2015). Theo ước tính năm 2017 đạt khoảng 7,8 tỷ USD. Nước ta đã trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ, đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á.

Để duy trì được những thành quả này, việc bảo đảm chất lượng giống cây lâm nghiệp đang được đặt ra như một thách thức lớn với ngành. Hiện nay diện tích trồng rừng sản xuất trong nhân dân khá lớn nhưng bất cập là lâu nay nông dân sử dụng các giống cây hạt bán trôi nổi trên thị trường. Khâu quản lý giống đưa vào trồng rừng tập trung và phân tán còn thả nổi.

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (VAFS) cho biết: Hiện nay, Viện đã nghiên cứu, chọn tạo được nhiều loại giống các loài cây trồng rừng chủ lực như keo lai, keo lá tràm, keo tai tượng, keo lá liềm, bạch đàn và tràm… Các giống này đều có năng suất cao (24-43 m3/ha/năm), có khả năng kháng bệnh và thích nghi tốt với các điều kiện lập địa phía nam.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế, một số vấn đề trong nghiên cứu khoa học lâm nghiệp còn khoảng trống cần giải quyết. Đó là loài, giống cây và công nghệ tạo rừng cho các vùng đất khô hạn, ngập nước; cơ chế và chính sách phát triển rừng quy mô hộ gia đình trong điều kiện đã được giao đất để phát triển rừng; xây dựng nhiều mô hình trình diễn các giống tiến bộ kỹ thuật và biện pháp thâm canh rừng trồng gỗ lớn bền vững cho các loài cây chủ lực để người dân tham quan học tập và nhân rộng.

Theo GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc VAFS, thời gian tới cần chú trọng đến các nghiên cứu chọn tạo giống mới và các giải pháp kỹ thuật phục hồi, phát triển rừng theo hướng bền vững. “Cần ưu tiên các nghiên cứu mũi nhọn, liên hoàn theo chuỗi để thực hiện tốt Quyết định số 120 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 và Quyết định 4817 năm 2016 về Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020”, GS Hải nhấn mạnh.

Ngoài ra, cũng cần có các nghiên cứu chính sách phát triển rừng trồng nguyên liệu, cung cấp gỗ lớn, chính sách phát triển thị trường nội địa gỗ, sản phẩm gỗ và quan tâm thúc đẩy các hoạt động khuyến lâm, hội nghị khoa học để giới thiệu, chuyển giao giống, tiến bộ kỹ thuật và các kết quả nghiên cứu lâm nghiệp vào sản xuất, góp phần thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Theo nhận định của ông Nguyễn Bá Ngãi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), giống cây trồng lâm nghiệp không những tác động đến năng suất, chất lượng rừng trồng, mà còn cả tính ổn định, bền vững và sức sản xuất của đất và hệ sinh thái.

Đỗ Hương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang