• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chú trọng phòng trừ dịch bệnh trên cây hồ tiêu

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 13/12/2017
Ngày cập nhật: 17/12/2017

Hồ tiêu là 1 trong 6 cây trồng chủ lực của tỉnh Quảng Trị. Trong những năm qua, cây hồ tiêu đã mang lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, mưa lớn kéo dài từ giữa tháng 10/2017 đến nay nên nhiều diện tích hồ tiêu trên địa bàn tỉnh bị chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn về kinh tế và tâm lý lo lắng cho người dân.

Kiểm tra dịch bệnh chết nhanh gây hại trên cây hồ tiêu

Gia đình ông Nguyễn Đình Tuấn ở xã Vĩnh Hiền, huyện Vĩnh Linh có gần 150 cây hồ tiêu hơn 5 năm tuổi, đang phát triển xanh tốt. Tuy nhiên năm nay sau mấy đợt mưa lớn kéo dài, hàng loạt cây hồ tiêu đang xanh tốt trong vườn nhà ông bỗng nhiên rụng lá, rụng quả rồi chết rất nhanh. Theo ông Tuấn, những năm trước với gần 150 gốc tiêu này ông thu được gần 3 tạ hạt tiêu khô. Năm 2017 gia đình ông đã tập trung chăm sóc, bón phân ngay từ đầu vụ, nên cây tiêu phát triển xanh tốt, dự kiến sẽ thu hoạch được từ 3 - 3,5 tạ. Nhưng chỉ sau mấy đợt mưa lớn kéo dài cây tiêu trong vườn nhà ông cứ rụng lá rồi chết dần. “Từ trước đến nay tôi chưa thấy cây tiêu bị bệnh gì mà lây lan nhanh, chết nhanh như thế này. Ban đầu chỉ có mấy gốc bị chết, giờ lan ra khắp vườn, cây tiêu rụng hết lá, hết quả rồi chết rất nhanh”, ông Tuấn nói.

Ông Nguyễn Thuận Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiền, Vĩnh Linh cho biết, hồ tiêu là cây công nghiệp chủ lực của xã với tổng diện tích 107 ha, mang lại thu nhập cho người dân hàng tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên thời gian qua do tình trạng mưa rét kéo dài đã làm cho nhiều vườn tiêu trên địa bàn xã bị vàng lá, héo úa, rụng lá, rụng quả và chết rất nhanh. Theo thống kê của UBND xã, đến thời điểm này toàn bộ diện tích hồ tiêu của xã đã có dấu hiệu bị rụng lá, rụng quả, trong đó có 11,73 ha hồ tiêu bị thiệt hại từ 70 - 100%. Các cây tiêu bị bệnh đều có triệu chứng đặc trưng là gốc cây bị thối đen, lá chuyển sang màu vàng trước khi rụng, dây thân tiêu thâm đen. Cây tiêu chết rất nhanh, từ khi thấy triệu chứng lá bắt đầu héo đến khi cây chết chỉ từ 1 - 2 tuần, cây tiêu chết khô nhưng các thân dây chính vẫn bám trên trụ. Không chỉ gây chết nhanh mà bệnh này còn lây lan rất nhanh, đặc biệt là ở những vườn tiêu thoát nước kém.

Theo ông Hiếu, với tình trạng mưa rét vẫn tiếp tục diễn ra như hiện nay, nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời, rất có khả năng toàn bộ diện tích trồng tiêu của xã Vĩnh Hiền nói riêng và các xã vùng Đông Vĩnh Linh nói chung sẽ bị nhiễm bệnh, ảnh hưởng lớn đến năng suất cũng như thu nhập của người dân. “Với những diện tích hồ tiêu chưa bị nhiễm bệnh, chúng tôi đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) hướng dẫn người dân các biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Còn với những diện tích hồ tiêu đã chết do dịch bệnh, chúng tôi cũng đã hướng dẫn kê khai thiệt hại để người dân có sự hỗ trợ trong thời gian sớm nhất nhằm ổn định đời sống”, ông Hiếu cho biết.

Trao đổi với chúng tôi về nguyên nhân cây tiêu bị bệnh và hướng khắc phục, ông Trần Minh Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết: Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV tỉnh, toàn tỉnh có 2.450 ha hồ tiêu. Tuy nhiên do mưa lớn kéo dài đã làm hơn 600 ha hồ tiêu bị ngập úng. Đặc biệt trong đó đã có 166 ha bị bệnh với các triệu chứng rụng lá, rụng quả, chết khô. Qua kiểm tra có thể nhận định các vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh. Nguyên nhân là do mưa lớn kéo dài, không có hệ thống thoát nước tốt làm rễ tiêu bị thối, nấm bệnh Phytophthora spp có sẵn trong đất xâm nhập gây nên. Loài nấm này tấn công ở bộ rễ và phần thân nằm trong đất của cây tiêu, khiến các mầm ngừng phát triển, lá chuyển màu xanh nhạt rồi biến màu vàng và rụng, phần dây thân trên mặt đất chết khô. Triệu chứng này xảy ra khá nhanh, chỉ sau một vài tuần sẽ làm chết cả cây tiêu. Nấm bệnh lây lan theo nước mưa từ cây này sang cây khác, do đó chỉ cần trong vườn có một vài cây bị bệnh, bệnh sẽ nhanh chóng lây lan cho các cây khác trong vườn khi có mưa lớn, nước chảy tràn trên bề mặt của vườn tiêu dẫn tới việc tiêu chết hàng loạt.

Theo ông Tuấn, cuối năm 2016, đầu năm 2017 bệnh chết nhanh này cũng đã gây hại nặng trên cây hồ tiêu với gần 373 ha bị nhiễm. Trong đó diện tích nhiễm nặng là 153,4 ha tương ứng với khoảng hơn 2.000 hộ có vườn tiêu bị nhiễm bệnh nặng; nhiều vườn cây chết hàng loạt với tổng diện tích quy đông đặc là gần 23 ha. Trước tình hình thời tiếp tiếp tục mưa rét kéo dài như hiện nay, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại trên cây hồ tiêu, Chi cục TT&BVTV tỉnh đã cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp về tận các hộ nông dân để kiểm tra các vườn hồ tiêu. Vườn nào bị ngập úng thì phải khẩn trương đào mương rãnh để thoát nước triệt để. Đồng thời hướng dẫn người dân các biện pháp vệ sinh vườn tiêu sạch sẽ, tiêu hủy các cây tiêu bị bệnh để tránh mầm bệnh lây lan, rắc vôi bột và phun các loại thuốc phòng bệnh. Đối với trụ tiêu bị bệnh nặng và cây tiêu đã chết thì cần thu gom đưa ra khỏi khu vực vườn tiêu rồi đốt tiêu hủy, xử lý đất tại các gốc tiêu bị bệnh bằng vôi bột. Tiêu trồng lại trên đất vườn đã bị bệnh chết nhanh cần được xử lý đất bằng vôi bột, trước khi trồng bón chế phẩm sinh học Trichoderma để hạn chế nguồn nấm bệnh trong đất.

Với tập quán trồng tiêu của người dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu là trồng âm (đào hố thấp hơn so với mặt đất để trồng) nên khi gặp thời tiết mưa lớn kéo dài thì lượng nước mưa hầu như là đổ dồn hết vào vườn tiêu làm cây tiêu bị ngập úng, dễ bị nhiễm bệnh và chết. Vì vậy để trồng tiêu hiệu quả, hạn chế dịch bệnh thì yêu cầu đầu tiên là phải chọn những vùng đất có mực nước ngầm thấp hoặc là có mương rãnh để thoát nước kịp thời. Còn với những vùng đất có mực nước ngầm cao hoặc không thoát nước được thì tốt nhất là không nên trồng hồ tiêu mà nên chuyển sang trồng các loại cây trồng khác. Đối với những vườn tiêu đang kinh doanh thì cần phải khẩn trương thoát nước, đồng thời xử lý những cây đã có dấu hiệu nhiễm bệnh để tránh lây lan ra diện rộng.

Thục Quyên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang