• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nguyên nhân dong riềng giảm giá

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn, 12/12/2017
Ngày cập nhật: 14/12/2017

Vụ dong riềng năm 2017, toàn tỉnh Bắc Kạn trồng được hơn 900ha dong riềng. Đầu vụ khai thác (tháng 10/2017), giá dong thu mua tại chân ruộng ổn định từ 1.500 đồng đến 2.000 đồng/kg. Tuy nhiên do một số nguyên nhân nên đến thời điểm hiện nay, giá dong đã giảm chỉ còn 1.100 - 1.300 đồng/kg tại xưởng chế biến.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giảm giá này được các chủ xưởng chế biến cho rằng: Chu kỳ sinh trưởng tới lúc thu hoạch của cây dong riềng là 9 tháng, như vậy, bà con nông dân thu hoạch vào lúc tháng 10 là hợp lý. Đó là thời điểm củ cho tỷ lệ bột cao khoảng 20 đến 21%. Tuy nhiên, do tâm lý chờ giá lên nên việc thu hoạch dong rất cầm chừng, vì không đủ lượng củ dong cho chế biến nên giá ở mức khá cao. Hiện nay đã vào tháng 12, bà con lại ồ ạt thu hoạch, thời tiết năm nay mưa nhiều, củ dong ngậm nước và nẩy mầm nên tỷ lệ tinh bột chỉ đạt khoảng 15% (1 tấn củ được khoảng 150kg bột). Với giá bột dong khoảng 10 đến 12.000 đồng/kg, nên chủ xưởng lãi ít dẫn tới giá thu mua củ giảm.

Thu hoạch dong riềng ở xã Côn Minh, Na Rì

Đồng chí Phạm Ngọc Thịnh- Trưởng phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Na Rì cho biết: Năm nay Na Rì có diện tích trồng dong riềng khá lớn, mặc dù giá giảm nhưng do có nhiều xưởng cùng tham gia chế biến tinh bột nên đến nay đã thu hoạch được khoảng 65 - 70% diện tích. Tỷ lệ bột thấp do nhiều nguyên nhân như mưa nhiều, thời điểm thu hoạch quá vụ, trang thiết bị chế biến củ còn thô sơ… Điểm quan trọng nổi bật trong công tác điều hành của huyện là khi dong riềng xuống giá, đã tổ chức họp bàn với người dân trồng dong và các chủ cơ sở chế biến dong để điều chỉnh giá hợp đồng lúc đầu vụ từ 1.500 đồng/kg xuống còn 1.300 đồng.

Tại huyện Ba Bể, vụ dong riềng năm 2017 có 02 đơn vị cùng ký hợp đồng bao tiêu với các hộ dân trồng dong, tuy nhiên hiện nay duy nhất chỉ có cơ sở Nhất Thiện là thu mua theo hợp đồng và sản xuất, chế biến tinh bột. Ông Nguyễn Văn Thiện- Chủ cơ sở miến dong Nhất Thiện cho biết: Tôi vẫn phải cố gắng mua của bà con theo hợp đồng là 1.500 đồng/kg ở tận Khang Ninh, Đồn Đèn theo đúng giá hợp đồng, chở về tới xưởng lên tới 1.700 đồng/kg. Cùng với chi phí máy móc, nhà xưởng, nhân công… thì chế biến bột dong không có lãi.

Được biết, tại các xã Hà Hiệu, Phúc Lộc, Bành Trạch cũng có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu củ dong, tuy nhiên, do giá dong giảm sâu, đơn vị này đã không thực hiện cam kết theo hợp đồng. Đồng chí Lý Văn Tiến- Chủ tịch UBND xã Hà Hiệu cho biết: Để khắc phục tình trạng thừa củ dong, lãnh đạo các cấp đã thống nhất được với cơ sở Nhất Thiện “giải cứu” số diện tích gần 100ha của 03 xã trên với giá 1.200 đồng/kg tại nơi ô tô vận chuyển được. Với giá trên, sau khi trừ chi phí giống, công gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển ra đường cái… thu nhập của người trồng dong còn rất ít. Lẽ ra, trong trường hợp doanh nghiệp “bẻ cò” không thực hiện cam kết, huyện Ba Bể cần có biện pháp chế tài theo các điều khoản trong hợp đồng, tránh được tình trạng để người nông dân trồng dong lo lắng và thiệt hại.

Người dân mang dong đến bán cho cơ sở Nhất Thiện

Thêm một nguyên nhân khiến giá dong riềng giảm là do tại Hà Tây, “thủ phủ” của dong riềng và miến dong cũng tiêu thụ chậm vì khắp các tỉnh đông, tây bắc đều chở về đây bán, nguồn cung quá lớn khiến giá thu mua giảm chỉ còn khoảng 1.200đồng/kg. Chính vì vậy, việc chở dong riềng Bắc Kạn xuống bán ở Hà Tây là không có lãi, nên tư thương không thực hiện khiến giá dong lại càng giảm.

Ngoài ra, hầu hết các cơ sở sản xuất chế biến dong riềng đều thiếu vốn sản xuất chứ chưa nói đến vốn để mua bột tích lũy, nên quy trình cũng rất ngắn là mua củ về, nghiền xong, bán luôn để lấy tiền trả nông dân và mua củ dong để sản xuất tiếp. Hiếm có cơ sở nào có vốn để tích bột số lượng lớn, trường vốn nhất là cơ sở Nhất Thiện cũng than thở là chỉ khoảng một tuần nữa là hết tiền mua củ.

Thực tế cho thấy, ngay trong tháng 11 vừa qua, nắm bắt được xu hướng giá dong riềng giảm, Đảng uỷ xã Mỹ Phương đã ban hành văn bản khuyến cáo nông dân nhanh chóng thu hoạch dong riềng để bán cho cơ sở Nhất Thiện. Nhưng với tâm lý chờ giá lên (như năm 2016), bà con vẫn cố đợi, dẫn tới việc dong riềng ở huyện Ba Bể khó tiêu thụ như hiện nay.

Có thể thấy những năm qua, cây dong riềng chiếm vị trí quan trọng trong cơ cấu cây trồng của tỉnh. Tuy nhiên, do giá cả thị trường tiêu thụ không ổn định, diện tích trồng lúc tăng cao, lúc giảm thất thường; trong khi đó khâu thăm dò đánh giá thị trường còn bỏ ngỏ, cùng với đó, việc điều tiết của các cấp, ngành chức năng chưa sát thực tế, từ khâu trồng đến khâu chế biến, đặc biệt chưa chủ động trong khâu tiêu thụ sản phẩm dong riềng, dẫn đến tình trạng giá củ dong thấp như hiện nay. Đây cũng là một kinh nghiệm để tỉnh Bắc Kạn có sự điều chỉnh hợp lý trong vụ gieo trồng dong riềng năm 2018./.

Phan Quý - Thu Hà

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang