• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng bằng sông Cửu Long: Ngành mía đường trước bước ngoặt tái cơ cấu

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 12/12/2017
Ngày cập nhật: 14/12/2017

Bước sang tháng 12-2017, nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào thu hoạch rộ mía nguyên liệu. Giá đường cát đang ở mức thấp. Các nhà máy đường thấp thỏm, bấm bụng mua mía nguyên liệu với giá ổn định để duy trì vùng mía nguyên liệu đang trên đà giảm.

Các nhà máy đường đang tiêu thụ mía nguyên liệu cho nông dân.

Mía đã “vượt lũ”

Những ngày này, hàng ngàn nông dân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang thở phào khi thu hoạch hơn 2.000ha mía chạy lũ. Ông Điền Văn Bảnh, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, thở phào khi vừa bán xong 2 công mía giống ROC 16 với giá 1.000 đồng/kg. “Nước lũ vừa bò lên chân mía, cũng may thương lái kịp thời mua nên phần nào đã an tâm”, ông Bảnh cho biết. Nhiều gia đình ở xã Phương Bình trước đó phải bán mía với giá 850 đồng/kg để chạy lũ. “Với giá đường đầu vụ năm nay đang ở mức 13.500 đồng/kg, thấp hơn 2.500kg so với cùng kỳ các nhà máy đang chịu nhiều áp lực. Giá mía nguyên liệu tại rẫy hiện dao động từ 950-1.050 đồng/kg đối với giống mía ROC 16. Hiện ĐBSCL đã có nhiều nhà máy đường vào vụ ép nên số lượng thương lái có phần giảm so với cùng kỳ”, ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) cho biết.

Được biết Hậu Giang là nơi có mía nguyên liệu chín sớm nhất khu vực ĐBSCL. Hiện nông dân Hậu Giang đã thu hoạch được 6.700/10.700ha. Được biết, dù tình hình giá đường gặp nhiều khó khăn nhưng phía công ty CASUCO vẫn duy trì giá mua tương đối cao để đảm bảo lợi nhuận, giúp nông dân tái tạo sản xuất, ổn định vùng nguyên liệu. Được biết đến ngày 22-11, thương lái mua mía tại liếp của nông dân ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang từ 1.050-1.100 đồng/kg, cao hơn đầu vụ 200 đồng/kg. Thương lái ưa chuộng và mua giống mía ROC 16 và K 88-92. Đây là hai giống mía có chữ đường cao, thương lái mua nếu trên 10 chữ đường bán lại cho các nhà máy đường sẽ có chính sách cộng thêm giá.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đến nay, các nhà máy đường vùng ĐBSCL (Vị Thanh, Phụng Hiệp, Sóc Trăng, Bến Tre, Long Mỹ Phát), vùng Đông Nam bộ (Nhà máy đường Nước Trong) đã vào vụ sản xuất. Sản lượng ép đạt gần khoảng 350.000 tấn mía, sản xuất hơn 31.000 tấn đường.

Theo kế hoạch, niên vụ sản xuất đường 2017-2018, các nhà máy sẽ ép khoảng 15,17 triệu tấn mía nguyên liệu, sản lượng đạt 1,42 triệu tấn. Bộ NN&PTNT đã chỉ ra những yếu kém của ngành mía đường: Giống mía cho năng suất và chất lượng thấp, kỹ thuật canh tác lạc hậu. Quy mô và trình độ chế biến đến tiêu thụ sản phẩm chưa hoàn thiện - nhất là đa dạng hóa các sản phẩm cạnh đường và khâu phân phối sản phẩm còn yếu.

Hình thành “các tập đoàn ngành đường”

Niên vụ 2017-2018 đã khởi động nhưng đang gặp nhiều khó khăn do diễn biến bất thường về khí hậu, thời tiết, như: lũ lụt, bão lũ ở các tỉnh Bắc Trung bộ và miền Trung - Tây Nguyên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía, (sơ bộ ước thiệt hại khoảng 15-20% sản lượng). Biến động thị trường, giá cả bất thường: giá đường trong nước liên tục giảm trong những tháng gần đây; tình trạng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại mặt hàng đường vẫn phức tạp và chưa giảm đã tác động nhiều đến thị trường đường trong nước. Đặc biệt là đường tiêu thụ chậm, lượng tồn kho lớn, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, tồn kho đến cuối tháng 10-2017 (gồm của niên vụ 2016-2017 và sản xuất niên vụ 2017-2018) ở các nhà máy là 268.308 tấn, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước (sang tháng 12-2017, lượng đường tồn kho đang tăng lên đáng kể).

Trong khi đó, Tổ chức đường Thế giới (ISO) đưa ra dự báo khá “u ám”: Cân đối cung cầu đường thế giới niên vụ 2017-2018 dư khoảng 5 triệu tấn (niên vụ 2016-2017 thiếu 3,1 triệu tấn), nên giá đường khó có thể hồi phục, tiếp tục ở mức thấp. Tình hình trong nước diễn biến bất thường khí hậu thời tiết, mưa bão; thị trường, giá cả, tiêu thụ trong nước tiếp tục khó khăn, dự báo giá đường có thể xuống mức thấp nhất so với nhiều năm gần đây.

“Cần rà soát quy hoạch lại các vùng sản xuất mía nguyên liệu theo hướng phát huy lợi thế vùng. Chú trọng nghiên cứu - chuyển giao công nghệ để tiến đến chủ động cung cấp đủ giống cho năng suất, chất lượng cao. Xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn; áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, hạ giá thành nguyên liệu mía. Trong đó, cần tổ chức lại hệ thống tiêu thụ đường nội địa, xây dựng hệ thống xuất khẩu, ngăn chặn hiệu quả đường nhập lậu. Đặc biệt là nâng cao năng lực chế biến, cơ cấu lại ngành đường, hình thành các tập đoàn, các công ty lớn trong đó có doanh nghiệp đầu tàu và các doanh nghiệp vệ tinh”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thành Nam nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi mà thời hạn thực hiện cam kết Hiệp định thương mại các nước ASEAN (ATIGA) đang đến gần, ngành đường cần chuyển mục tiêu tăng trưởng theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng mía và hiệu quả tổng hợp của ngành chế biến đường theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, tạo giá trị gia tăng, hạ giá thành sản xuất để đủ cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế.

Đề án thành lập trung tâm kiểm nghiệm xác định chất lượng mía chữ đường (CCS):

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, tại Hội nghị tổng kết niên vụ mía đường 2016-2017 về việc giao Hiệp hội Mía đường Việt Nam thực hiện việc kiểm nghiệm, xác định chất lượng mía chữ đường (CCS); Ban chấp hành đã thống nhất và xác định đây là vấn đề cần thiết, cần có cơ quan độc lập để kiểm nghiệm, xác định chất lượng mía chữ đường (CCS). Tuy nhiên, phải có sự thống nhất của tất cả các thành viên hiệp hội, do vậy cần xây dựng lộ trình kế hoạch triển khai phù hợp tạo sự đồng thuận và phù hợp với điều kiện sản xuất kinh doanh hiện nay. Trước mắt (bước 1), thực hiện thí điểm đối với những đơn vị thành viên có đủ điều kiện và tự nguyện triển khai, thực hiện sau đó sẽ nhân rộng toàn ngành.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng yêu cầu: Các nhà máy đường, tiếp tục mở rộng diện tích mía có hợp đồng tiêu thụ dưới hình thức hợp đồng đầu tư, gắn trách nhiệm, nghĩa vụ và chia sẻ lợi ích giữa nhà máy và người trồng mía. Thực hiện nghiêm hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đã ký kết; hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng mua nguyên liệu mía ở vùng của nhà máy khác đã đầu tư. Tổ chức triển khai thực hiện tốt việc kiểm soát chất lượng mía (chữ đường CCS) bảo đảm công khai minh bạch trong quá trình đánh giá chất lượng mía.

VĨNH TƯỜNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang