• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thừa Thiên Huế: Gỗ keo, tràm rớt giá

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 11/12/2017
Ngày cập nhật: 12/12/2017

Thời điểm cuối năm, gỗ keo, tràm rớt giá, thấp hơn khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với năm trước, giá gỗ keo, tràm năm nay giảm đến 20%

Thị trường thu hẹp

Theo Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 70.000 ha rừng trồng đã khép tán, trong đó 80% diện tích là rừng keo. Huyện Nam Đông là một trong những địa phương có diện tích keo, tràm khá lớn. Năm 2017 đã khai thác và trồng lại 920 ha keo, tràm, sản lượng đạt trên 73 ngàn tấn.

“Mỗi ha rừng keo sau khi thu hoạch thường đạt khoảng 100 tấn với trị giá trên 100 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, người trồng lãi khoảng 60-70 triệu đồng/ha”, anh Hồ Văn Bảy, người dân trồng rừng tại huyện Nam Đông cho biết.

Đầu năm nay, giá gỗ keo, tràm dao động từ 1,1-1,2 triệu đồng/tấn, song những tháng trở lại đây, giá gỗ bất ngờ rớt xuống chỉ còn 900 nghìn đồng/tấn khiến thu nhập của các hộ dân trồng keo, tràm giảm sút.

Ông Mai Thiện Hân, Phó Giám đốc Công ty CP Chế biến lâm sản xuất khẩu Pisico Huế cho rằng, gỗ keo tràm hạ giá có nhiều nguyên nhân, và lý do lớn nhất là các công ty chế biến lâm sản đang bí đầu ra, lượng hàng tồn kho không bán được nên buộc phải hạ giá.

“Đối với công ty chúng tôi, hàng đã được nhập đầy kho nhưng không chủ động được thị trường. Mỗi năm chúng tôi thu mua khoảng 300 ngàn tấn gỗ, trong đó xuất khẩu khoảng 140 ngàn tấn. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, nhưng so với năm trước, giá năm nay rớt đến 20%”, ông Hân chia sẻ.

Ông Lê Văn Tảo, thôn Khe Sòng, xã Dương Hòa, TX. Hương Thủy, chủ nhân của 50ha rừng keo, tràm; đồng thời là chủ doanh nghiệp chuyên mua bán rừng trồng trong và ngoại tỉnh nhận định: Việc diện tích rừng keo tràm trên địa bàn tỉnh liên tục được mở rộng, trong khi thị trường của các loại gỗ này bị thu hẹp là nguyên nhân dẫn đến rớt giá. Các loại gỗ keo, tràm chủ yếu được nhập tại các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trong và ngoại tỉnh, song, do ảnh hưởng của thị trường chung của thế giới nên người trồng rừng cũng bị ảnh hưởng.

“Thị trường trong và ngoài nước đang hướng đến những loại gỗ chất lượng, trong khi, đại bộ phận người dân trồng keo tràm chỉ 4-5 năm là thu hoạch nên chất lượng đôi khi không như mong muốn. Do vậy, nguồn cung tuy lớn nhưng nhu cầu lại nhỏ khiến giá gỗ bị rớt là điều dễ hiểu”, ông Tảo phân tích.

Hướng đến rừng gỗ lớn

Để giải quyết bài toán chất lượng gỗ rừng trồng, ngành nông nghiệp cũng đã hướng đến các mô hình rừng trồng gỗ lớn. Toàn tỉnh đã có trên 5.000 ha rừng trồng gỗ lớn được triển khai với sự tham gia của hàng trăm hộ dân. Những loại gỗ này được trồng theo tiêu chuẩn chất lượng chuẩn, được Hội đồng Quản trị rừng Quốc tế công nhận.

UBND tỉnh đã ban hành các chính sách khuyến khích phát triển rừng trồng gỗ lớn theo chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Theo đó, các hộ tham gia sản xuất được hỗ trợ 50% giá cây giống với diện tích tối thiểu 2 ha, nhưng tối đa không quá 4 triệu đồng/ha và 50 triệu đồng/dự án. Theo đó, các địa phương cũng đã từng bước thực hiện chủ trương này.

Ông Trần Quốc Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, việc gỗ keo, tràm hạ giá do thị trường gây ra khó khăn cho người trồng, song, hiện chưa có chính sách gì để hỗ trợ người dân.

“Toàn huyện có khoảng 4.500 ha keo tràm. Để trồng rừng bền vững, chúng tôi tuyên truyền, triển khai dự án rừng trồng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC. Vận động các xã Thượng Nhật, Hương Phú, Hương Lộc chuyển hướng sang rừng trồng gỗ lớn để hạn chế chi phí và nâng cao giá trị rừng trồng, tiến tới tăng thu nhập. Dự kiến, từ nay đến năm 2020, huyện Nam Đông sẽ có khoảng 1.000ha rừng keo tràm được trồng theo chứng chỉ FSC, hướng đến trồng rừng kinh tế bền vững”.

Quỳnh Viên

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang