• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bắc Kạn: Gừng Tân Sơn xuất ngoại

Nguồn tin: Báo Bắc Kạn, 05/12/2017
Ngày cập nhật: 7/12/2017

Chẳng ai nghĩ những củ gừng ở bản đồng bào Dao tại Tân Sơn (Chợ Mới, Bắc Kạn) có thể được xuất khẩu sang Nhật Bản thậm chí cả những nước xa xôi tận vùng Trung Đông. Thế nhưng vài năm gần đây điều đó đã trở thành hiện thực.

Ngược vào Tân Sơn những ngày đầu tháng 12, trong cái rét se se, giữa không khí trong lành của những khu rừng núi đá thấy xen lẫn những nương canh tác của bà con. Lên đỉnh đèo Áng Toòng đến bản Nặm Dất thấy nhiều nhà xây kiên cố, khang trang. Trưởng thôn Nặm Dất Hoàng Phúc Trường, dẫn chúng tôi lên thăm vườn gừng sát nhà. Ở đây người ta trồng xen gừng vào rừng trồng. Dừng chân giữa lưng đồi sau một hồi leo dốc, tôi nhìn quanh chả thấy khóm gừng nào chỉ thấy những cây mỡ, cây xoan hơn năm tuổi đang xanh lá. Thì ra gừng đã lụi lá, anh Trường dùng dao bẩy nhẹ một cụm củ chỉ trồi lên một phần nhỏ trên đất. Hai cụm gừng tươi hàng chục nhánh mỗi củ hiện ra.

Trưởng thôn Hoàng Phúc Trường cho biết: Nặm Dất có 86 hộ với 350 khẩu, tất cả đều là đồng bào dân tộc Dao. Ở vùng đất chỉ có đá, rừng đặc dụng này thì ruộng làm lúa nước đếm trên đầu ngón tay, chẳng đủ ăn. Cây gừng bắt đầu được trồng ở Nặm Dất từ năm 1991, khi ấy anh Trường mới 1 tuổi. Đến giờ, tất cả các hộ trong thôn đều trồng. Mỗi năm, cây gừng cho năng suất 15 tấn/ha, toàn thôn mỗi năm trồng khoảng 20ha thu về sản lượng 300 tấn. Giá bán gừng trung bình 6.000 đồng/kg, mỗi năm thôn thu về hơn 01 tỷ đồng. Nhờ cây gừng, xét theo tiêu chí cũ, cả thôn không còn hộ nghèo. Có những hộ trồng nhiều mỗi năm thu hàng trăm triệu trở lên như Bàn Quý Thim, Bàn Duy Khánh…

Chủ tịch UBND xã Tân Sơn Bàn Tân Khách chia sẻ: Xã có 6 thôn với 378 hộ, 1.600 khẩu thì 99% là đồng bào dân tộc Dao. Diện tích rừng đặc dụng ở xã nhiều nên đất đai chủ yếu là núi đá, rất ít ruộng nước. Nhờ cây gừng mà đời sống của bà con được từng bước nâng lên. Đến giờ tất cả cả thôn đều trồng gừng nhưng tập trung chủ yếu ở Nặm Dất và Bản Lù. Vụ gừng 2017, xã trồng được 60ha, đạt 100% kế hoạch; năng suất trung bình 18 tấn/ha cho tổng sản lượng 1.080 tấn. Đầu ra được bao tiêu ổn định với giá trung bình 6.000 đồng/kg. Nhiều hộ khá lên nhờ gừng như Bàn Quý Trương, Bàn Văn Toản, Bàn Văn Long…

Trưởng thôn Nặm Dất Hoàng Phúc Trường giới thiệu về củ gừng Tân Sơn.

Trước đây, cây gừng trồng rải rác ở Tân Sơn, thị trường tiêu thụ chủ yếu nội tỉnh nên giá trị kinh tế không cao. Người có công lớn đưa gừng Tân Sơn xuất ngoại cũng là một người con của bản Dao ở Tân Sơn là Bàn Văn Minh. Từ chỗ buôn gừng của nhà tự trồng, thấy có lãi, ông Bàn Văn Minh đã vận động người dân Tân Sơn trồng gừng thay cho trồng ngô. Với kinh nghiệm sẵn có, ông đến tận nơi cầm tay chỉ việc, hướng dẫn bà con cách trồng; ứng trước giống gừng cho bà con. Cách làm của ông là tự mày mò nhưng đã bước đầu hình thành liên kết sản xuất khá bền vững. Ông thành lập doanh nghiệp tư nhân Xuất khẩu chế biến nông sản Minh Bê, đứng ra cung ứng giống, cam kết bao tiêu; nông dân nhận giống, tiếp thu kỹ thuật trồng và bán cho cơ sở Minh Bê. Đây là cách làm bền vững mà nhiều loại nông sản đặc sản ở Bắc Kạn vẫn loay hoay chưa làm được.

Ông Minh cho biết: Mỗi năm, cơ sở của ông tiêu thụ hơn 2.000 tấn gừng tươi với thị trường chủ yếu là các tỉnh miền Nam. Các tỉnh này tiêu thụ rất nhiều gừng nhưng thời vụ trồng gừng ngắn trong khi ở Tân Sơn không khí lạnh, cây gừng hợp cho năng suất cao. Cho nên đầu ra của gừng Tân Sơn luôn ổn định, dù rằng giá vẫn lên xuống theo thị trường. Mỗi năm, ông phải từ chối cung ứng khoảng 500 tấn do sản lượng gừng thu mua không đủ.

Tiếng lành đồn xa, hương gừng Tân Sơn được công nhận nên hàng loạt đối tác đã tự tìm đến ông Minh. Một số công ty chuyên xuất khẩu gừng đã đặt hàng với doanh nghiệp Minh Bê. Năm 2016, doanh nghiệp Minh Bê đã xuất khẩu hơn 300 tấn gừng tươi sang thị trường khó tính Nhật Bản. Tiếp đà thắng lợi, doanh nghiệp xuất khẩu tiếp hơn 600 tấn trong năm 2017 đồng thời xuất khẩu hơn 100 tấn sang thị trường các nước Trung Đông. Bên cạnh đó, cơ sở tiêu thụ hơn 500 tấn vào thị trường miền Nam.

Đồng bào Dao Tân Sơn có lẽ cũng không quan tâm lắm tới việc ông Bàn Văn Minh đưa được củ gừng mình trồng sang tận một nước xa xôi nào đó, mà chỉ quan tâm vụ gừng này thắng lợi. Thế nhưng, nếu xét tới mức độ đầu tư, sự quan tâm của các cấp chính quyền với cây gừng so với các cây trồng nông sản khác, thì có thể coi đây là thắng lợi lớn của gừng Tân Sơn. Bởi lẽ cây gừng Tân Sơn đang đứng trước nhiều “giông bão” của thị trường.

Năm 2011 là năm mà giá gừng Tân Sơn đạt kỷ lục ở mức 60.000 đồng/kg. Sau đó giá giảm dần, cách đây đôi ba năm vẫn được mức 27.000 đồng/kg nhưng giờ chỉ còn 6.000 đồng/kg. Giá tụt gấp 10 lần do đầu ra của gừng Tân Sơn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái và các công ty trung gian ở các tỉnh. Gừng Tân Sơn xuất ngoại nhưng doanh nghiệp Minh Bê lại không tự xuất khẩu được mà phải thông qua bên thứ ba là điều rất đáng tiếc. Chính vì điều này mà doanh nghiệp Minh Bê cũng không thu được lợi nhuận lớn, dẫn tới không thể bao tiêu giá cao hơn cho người trồng gừng.

Vài năm gần đây, gừng Tân Sơn còn bị bệnh thối củ gây thiệt hại nặng. Theo trưởng thôn Nặm Dất Hoàng Phúc Trường có những diện tích mới xuất hiện bệnh, không theo dõi, nắm bắt kịp thì chỉ vài hôm sau đã hỏng cả. Người dân làm đủ cách theo kỹ thuật nhưng không mang lại hiệu quả gì. Năm 2016, toàn xã Tân Sơn có khoảng 50ha bị bệnh thối củ; vụ năm 2017 tiếp tục bị nhiễm vài chục héc-ta nữa.

Đây là những vấn đề mà ngành chức năng cần hết sức quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời để ổn định phát triển gừng Tân Sơn. Đặc biệt phải có chính sách, cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp Minh Bê có thể hội tụ đủ điều kiện chế biến và xuất khẩu trực tiếp sản phẩm gừng Tân Sơn, để tiềm năng sản xuất hàng hóa của cây gừng nơi đây được khơi dậy và phát triển mạnh mẽ./.

Tuấn Sơn

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang