• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lâm Đồng: Ðưa kỹ thuật tái canh cà phê về vùng sâu

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 01/12/2017
Ngày cập nhật: 2/12/2017

Trước thực trạng việc canh tác cà phê của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa còn kém hiệu quả và thiếu tính bền vững, Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh đã tổ chức thực hiện mô hình trồng tái canh kết hợp với quản lý tuyến trùng và nấm hại rễ cà phê trong điều kiện không luân canh, làm cơ sở tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả tái canh, cải tạo cà phê.

Đồng bào dân tộc thiểu số đánh giá cao hiệu quả mô hình tái canh. Ảnh: Lam Phương

Gia đình ông K’Blùi ở thôn Bộ Bê, xã Gia Bắc có hơn 1,8 ha cà phê được trồng từ năm 1988 nên đã già cỗi và cho năng suất rất thấp, chỉ đạt gần 2 tấn cà phê nhân/ha/năm. Năm 2016 được Trung tâm Nông nghiệp huyện đưa mô hình trồng tái canh cà phê kết hợp với quản lý tuyến trùng và nấm hại rễ cà phê vào thực hiện, ông K’Blùi đã mạnh dạn đăng ký và được hỗ trợ đầu tư mô hình với diện tích 0,1 ha, sử dụng giống cà phê rôbusta dòng TR4.

Ông K’Blùi cho biết: “Nhờ được Trung tâm chọn triển khai thực hiện mô hình thí điểm tái canh cà phê, giờ tôi đã nắm bắt được khoa học kỹ thuật từ việc làm đất, trồng, bón phân cho đến cách tỉa cành tạo tán, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý tuyến trùng và nấm hại rễ. Với kiến thức có được, thời gian tới tôi sẽ tiếp tục từng bước cải tạo số diện tích còn lại để nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây”.

Mô hình trồng tái canh kết hợp với quản lý tuyến trùng và nấm hại rễ cà phê trong điều kiện không luân canh ở xã Gia Bắc là mô hình thực hiện liên tục trong ba năm và được áp dụng theo quy trình kỹ thuật tái canh của Cục Trồng trọt ban hành.

Kết quả sau 2 năm thực hiện cho thấy, hầu hết cây cà phê đều sinh trưởng tốt: Trong số 110 cây, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%; cây có chiều cao 1,26 m; số cây phát triển tốt có 84 cây và chỉ có 11/110 cây phải trồng lại…

Do xử lý tốt đất trước khi trồng, nên đã hạn chế đáng kể mầm bệnh tuyến trùng và nấm gây hại. Dự báo đến niên vụ 2018, nếu không có biến động lớn về thời tiết và sâu bệnh hại cây trồng thì bình quân sẽ cho năng suất từ 2 - 2,5 kg nhân/cây. “Hôm nay, tôi rất mừng được tham gia buổi hội thảo đầu bờ. Qua buổi hội thảo này, Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh không chỉ giải đáp những thắc mắc của bà con, mà còn cung cấp thêm cho bà con về vốn kiến thức khoa học kỹ thuật canh tác cây cà phê, giúp bản thân tôi cũng như bà con trong xã cải tạo vườn cà phê của gia đình được tốt hơn” - anh K’Hỏi, Trưởng thôn Hà Giang phấn khởi.

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực trong việc xóa đói, giảm nghèo bền vững, nên những năm qua, ngành nông nghiệp huyện Di Linh đã triển khai nhiều mô hình cho các xã vùng sâu, vùng xa, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, giúp bà con nâng cao kiến thức nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện tái canh những diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả. Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2013 đến 2016, Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh đã thực hiện 5 mô hình trồng tái canh cà phê kết hợp với quản lý tuyến trùng và nấm hại rễ trong điều kiện không luân canh cho một số xã trong huyện. Qua đó, làm cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn các xã, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa nâng cao hiệu quả tái canh, cải tạo cà phê.

Ông Dương Củi - Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Di Linh cho biết: “Những năm vừa qua, phong trào tái canh cà phê đã thực sự lan tỏa trên địa bàn các xã trong huyện. Tuy nhiên, một số xã vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều hạn chế, mặc dù bà con nông dân đã được chuyển giao khoa học kỹ thật rất nhiều nhưng chưa thật sự mạnh dạn thực hiện. Rút kinh nghiệm từ mô hình tái canh ở xã phát triển rất mạnh, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tại các xã như Sơn Điền, Gia Bắc, với mục đích làm sao cho bà con nơi đây ý thức được chương trình tái canh và hiệu quả mà nó mang lại, trên cơ sở đó, giúp bà con nhận thức được và tự giác tái canh ngày càng mạnh hơn”.

Thời gian tới, cùng với việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức, giúp người dân tiếp cận với những quy trình kỹ thuật tái canh, huyện Di Linh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tái canh, cải tạo hiệu quả những diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng.

LAM PHƯƠNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang