• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nỗ lực lấy lại đà xuất khẩu gạo

Nguồn tin: Hà Nội Mới, 06/02/2017
Ngày cập nhật: 8/2/2017

Với mức tụt giảm gần 2 triệu tấn đã khiến 2016 trở thành năm đáng buồn đối với xuất khẩu gạo, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Ngành Nông nghiệp Việt Nam. Vì thế, sang năm 2017 ngành lúa gạo quyết tâm lấy lại đà tăng trưởng, tiếp tục đưa mặt hàng này trở thành nông sản xuất khẩu chiến lược. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, ngoài nâng cao chất lượng, ngành lúa gạo dứt khoát phải phân khúc, mở rộng thị trường tiềm năng để duy trì tính bền vững.

Nâng cao chất lượng giống sẽ mang lại cho gạo thành phẩm có chất lượng, giá trị cao và đáp ứng thị trường xuất khẩu. Ảnh: Linh Ngọc

Nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu

Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo trong năm nay chỉ ở mức trên 5 triệu tấn. Theo Tổng Thư ký VFA Huỳnh Minh Huệ, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam. Tuy nhiên quốc gia này đang siết chặt các quy định khắt khe về vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nên lượng gạo xuất khẩu vào thị trường này sẽ khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu gạo vẫn chưa công bố nhu cầu cần nhập khẩu, trong khi sản lượng và tồn kho gạo trên thế giới tăng ở mức kỷ lục trong những năm qua.

Ngoài khó khăn trên, ngành lúa gạo Việt Nam cũng đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ hai quốc gia là Thái Lan và Ấn Độ. Với lượng gạo tồn kho lớn, chất lượng và thương hiệu gạo được ưa chuộng trên thị trường thế giới, đặc biệt với “chiến thuật” hạ giá, gạo Thái Lan xuất khẩu sang thị trường ASEAN và Trung Quốc tăng đáng kể. Đồng thời, gạo Việt Nam cũng phải cạnh tranh gay gắt với Ấn Độ ở thị trường Châu Phi và Trung Đông, khu vực hiện chiếm gần một nửa lượng gạo nhập khẩu của thế giới.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất khẩu gạo giảm. Trong đó, việc hạn chế về chất lượng cũng như sự cạnh tranh thị trường là cản trở lớn nhất cho khả năng bứt phá, lấy lại tăng trưởng của lúa gạo. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, trong đó nâng cao chất lượng là tiêu chí quan trọng, xuyên suốt cả đề án.

Theo đó, để nâng cao chất lượng, các địa phương sản xuất lúa cần thay đổi cơ cấu giống, tập trung nghiên cứu chọn tạo giống lúa chất lượng, lúa thơm có giá bán cao, cạnh tranh cả trên thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa.

Đặc biệt, với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT cùng với bộ, ngành liên quan đang hoàn thiện việc xây dựng chương trình thương hiệu gạo quốc gia, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu. Đây được xem là giải pháp tối ưu để lúa gạo tăng trưởng trở lại như kỳ vọng.

Giáo sư Võ Tòng Xuân - chuyên gia lúa gạo hàng đầu Việt Nam cho rằng, để lấy lại được đà tăng trưởng, lúa gạo không còn con đường nào khác là tập trung tái cơ cấu, nâng cao chất lượng, xây dựng, quảng bá thành công thương hiệu trên thị trường thế giới.

Đẩy mạnh phát triển thị trường

Cuối năm 2016, Bộ Công Thương đã có quyết định bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh và xuất khẩu gạo, một trong những cản trở gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo thời gian qua. Theo quyết định này, các tiêu chí, điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo như: Khống chế số lượng tối đa 150 đầu mối xuất khẩu gạo; khống chế địa bàn đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tiêu chí thành tích xuất khẩu gạo đã được bãi bỏ.

Đánh giá về việc bãi bỏ quy định này, ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu An Giang cho rằng: Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang đối diện nhiều khó khăn từ thị trường gạo thế giới, do đó việc “xóa bỏ” một vài quy định trong nước sẽ giúp doanh nghiệp tập trung phát triển thị trường.

Theo ông Tiến, "đã xuất khẩu thì sản phẩm phải chất lượng, việc nâng cao chất lượng là yếu tố hàng đầu. Tuy nhiên, có sản phẩm chất lượng mà không thiết kế được thị trường thì hiệu quả cũng không cao". Do đó, ngành lúa gạo cần tăng cường năng lực nghiên cứu thị trường, dự báo và cung cấp minh bạch thông tin thị trường để các tác nhân trong ngành lúa gạo chủ động ra quyết định sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, khuyến khích và tạo điều kiện để các khách hàng nhập khẩu gạo lớn và ổn định tham gia đầu tư, chế biến gạo Việt Nam, góp phần bảo đảm đầu ra cho các vùng chuyên canh chính; hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, có điều kiện liên kết sản xuất với nông dân tại các vùng là những giải pháp quan trọng. Đồng thời, cần hạn chế tối đa các biện pháp quản lý xuất khẩu làm méo mó, gián đoạn thị trường như tạm dừng xuất khẩu, hạn ngạch xuất khẩu, trợ giá…

Đối với thị trường xuất khẩu, cần tăng tỷ trọng loại gạo trắng, hạt dài, gạo chất lượng cao, giảm tỷ trọng gạo trên 15% tấm, đa dạng các sản phẩm chế biến từ gạo. Để đạt được mục tiêu lấy lại đà tăng trưởng, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành gạo phát triển thị trường mới nhằm khai thác hiệu quả các cam kết hội nhập. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, ký kết hợp đồng xuất khẩu trực tiếp tới các hệ thống phân phối tại các thị trường nhập khẩu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường:

"Đi đôi với nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu lúa gạo, thời gian tới, Ngành Nông nghiệp sẽ tập trung phát triển thị trường cả trong nước và xuất khẩu. Đối với thị trường trong nước, tập trung phát triển sản xuất các nhóm sản phẩm theo phân khúc thị trường. Hình thành các trung tâm, chợ bán buôn, chuỗi bán lẻ tại vùng chuyên canh, đô thị lớn, khu công nghiệp".

Việt Phong

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang