• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thận trọng thuê lao động mùa cà phê

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 28/11/2017
Ngày cập nhật: 29/11/2017

Cà phê đang vào mùa thu hoạch, vấn đề thuê người thu hái đang được nhiều nông hộ ở Lâm Hà (Lâm Đồng) quan tâm. Tuy nhiên, người dân vẫn đang khá thận trọng, không thuê lao động ồ ạt như một vài năm trước.

Những lao động được ông Phạm Hùng Thao sang Đắk Lắk tìm thuê để thu hoạch cà phê trong vụ mùa năm nay

Nhu cầu cao nhưng cẩn trọng sử dụng

Hằng năm, riêng trên địa bàn huyện Lâm Hà, với trên 40.000 ha cà phê đã thu hút khoảng 10.000 lao động vào mùa thu hoạch cà phê cao điểm từ tháng 10 đến tháng 1 năm sau. Theo thông tin đăng ký tạm trú tại Công an huyện Lâm Hà, phần đông lao động đến từ các tỉnh miền Tây, một số ít ở các tỉnh miền Trung và miền Bắc. Lượng lao động này cũng trải đều ở 16 xã, thị trấn.

Theo thống kê của Phòng Lao động thương binh và xã hội Lâm Hà, hiện có khoảng 2.000 lao động được các chủ vườn thuê, chủ yếu thông qua giới thiệu từ người quen, lao động đã từng đến địa phương hái cà phê các năm trước.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, Buôn Chuối, xã Mê Linh có hơn 4 ha cà phê đã vào mùa thu hoạch nhưng vẫn chưa tìm được lao động với lý do “không an tâm”.Còn ông Phạm Hùng Thao, thôn Liên Trung, xã Liên Hà có 3 ha cà phê phải thuê từ 10 - 15 lao động để thu hoạch từ các lao động tự do đến tìm việc tại Lâm Hà. Nhưng năm nay ông quyết định tự mình sang Đắk Lắk tìm thuê 12 nhân công với giá thu hái 950 đồng/1kg cà phê tươi trong khoảng 20 ngày để thực sự yên tâm.

“Ngày trước người dân thường ra các công ty môi giới để thuê lao động nhưng bây giờ thì người ta không tin tưởng vào cách này. Bởi vậy các vườn thường chọn cách thuê lao động quen biết, đổi công cho nhau hoặc gia đình tự hái lần cho đến lúc thuê được lao động. Một số vườn xung quanh nhà tôi vẫn chưa thu hoạch do chưa thuê được người hái. Đã có người quen liên hệ nhờ tôi giữ nhóm nhân công này, sau khi hái hết vườn nhà tôi sẽ sang hái tiếp vườn nhà họ”, ông Thao cho biết.

Cảnh giác trước nguy cơ tội phạm

Đó là nỗi lo của cả người dân và chính quyền địa phương khi mà nhiều năm về trước đã có những vụ giết người, trộm cắp, chiếm đoạt tài sản… do lao động tự do gây ra trong vụ thu hoạch cà phê.

Theo Công an huyện Lâm Hà, tại xã Tân Hà, trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, khi lực lượng lao động tự do bắt đầu xuất hiện tại xã thì đã xảy ra một số vụ trộm cắp tài sản là điện thoại, xe máy… rồi nhanh chóng lẩn trốn đi nơi khác. Mặc dù cơ quan an ninh đã bắt được các đối tượng song điều này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo cho chính quyền các địa phương và người dân.

Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng - Trưởng Công an huyện Lâm Hà cho biết: “Hiện Công an huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể để đảm bảo an ninh trật tự trong vụ cà phê. Các đồng chí là lãnh đạo công an huyện thường xuyên thăm nắm địa bàn, nhắc nhở đôn đốc, hỗ trợ lực lượng công an xã nắm tình hình lao động tự do, cập nhật, giữ thông tin mỗi ngày”.

Đại úy Đinh Đăng Quý - Trưởng Công an xã Tân Hà nói thêm: “Mỗi năm, Tân Hà có khoảng 500 lao động tự do đến làm việc trong mùa cà phê. Người sử dụng lao động tại địa phương chưa hiểu, hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về quy định sử dụng lao động nên không tự giác đưa nhân công đến công an xã để làm thủ tục đăng ký tạm trú. Từ đó dẫn đến tình trạng một số đối tượng trà trộn vào địa phương để thực hiện các hành vi phạm tội. Vì vậy, Công an xã Tân Hà đã tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai việc đề nghị người dân ký cam kết sử dụng lao động tự do mùa vụ cà phê năm 2017”.

Cũng theo Thượng tá Hoàng, đối với những người là lao động tự do theo mùa vụ trên địa bàn như hiện nay thì phần lớn là lao động phổ thông nên nhận thức pháp luật của họ chưa cao, hoàn cảnh cuộc sống đa phần khó khăn. Để xảy ra những sự việc đáng tiếc như trước đây thì nguyên nhân xuất phát từ cả người lao động và người sử dụng lao động. Người sử dụng lao động nếu quá hà khắc, chèn ép… sẽ dẫn đến tâm lý và hành động chống cự. Nhưng ngược lại, nếu dễ dãi, cả tin thì lại tạo cơ hội cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Bởi vậy, để các vụ việc đáng tiếc không xảy ra, bản thân người sử dụng lao động phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật, ứng xử nhân văn với người lao động.

N.NGÀ - H.THẮM

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang