• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

“Đóng dấu” cho thương hiệu Gạo Việt Nam

Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 19/11/2017
Ngày cập nhật: 20/11/2017

Đánh giá về sự kiện gạo ST24 được lọt vào “Top 3 gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo tổ chức tại Ma Cao - Trung Quốc vào ngày 8-11, GSTS. Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, chuyên gia lúa gạo có uy tín của Việt Nam và thế giới nhận định: “Kết quả trên có một ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành lúa gạo Việt Nam, là sự “đóng dấu” chính thức cho thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới”.

Chất lượng cao, thời gian sinh trưởng ngắn và cơ cấu mùa vụ đa dạng là những lợi thế cạnh tranh lớn của ST24 nói riêng...

Không chỉ sánh ngang với gạo ngon nhất của Thái Lan và Campuchia, gạo thơm ST24 còn có ưu thế vượt trội là ngắn ngày (100 - 105 ngày) so với gạo Thái Lan và Campuchia (khoảng 150 ngày). Điều này cũng đồng nghĩa với phạm vi sản xuất sẽ rộng hơn, cơ cấu mùa vụ sẽ đa dạng hơn, sản lượng sẽ lớn và liên tục, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ quanh năm của thị trường trong và ngoài nước.

Tính vượt trội và nổi bật của gạo ST24 nói riêng và một số gạo ST khác nói chung đã được các thương nhân chuyên sản xuất, kinh doanh gạo thơm trong nước thừa nhận, như chia sẻ của một nữ doanh nghiệp ở Tiền Giang: “Hồi trước, nếu muốn ăn gạo thơm, ngon nhất phải đợi đến mùa mới có, vì chỉ có gạo của Campuchia và Thái Lan, nhưng mỗi năm họ chỉ làm được có 1 vụ. Từ khi có các giống gạo thơm ST của Sóc Trăng và nhất là giống ST24, giới kinh doanh tụi tui có hàng bán quanh năm, không còn phải lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu nữa”.

Ở Việt Nam không chỉ có gạo ST24, mà còn có một số loại gạo khác cũng thơm, ngon và được thị trường ưa chuộng, nhưng phần lớn chỉ phù hợp với một vài vùng sản xuất đặc thù, khó phát triển trên diện rộng, nên sản lượng không cao. Trong khi đó, giống ST24 và một số giống ST khác không chỉ thích nghi cao với nhiều vùng (phèn, lợ), nhiều cơ cấu sản xuất, như: 2 vụ lúa, 1 lúa + 1 tôm, 1 lúa + 1 màu… Lợi thế đó, cùng với yếu tố chất lượng thơm, ngon hảo hạng là những điều kiện cần thiết để doanh nghiệp tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu. Theo người viết được biết, hiện giống lúa thơm ST24 đang được đưa vào dự án sản xuất lúa hữu cơ trên vùng đất tôm - lúa tại xã Thạnh Quới (Mỹ Xuyên).

... và một số giống gạo thơm khác của tỉnh.

ST24 đã “đóng dấu” được tên tuổi của mình trong lòng các nhà khoa học, nhà nhập khẩu và các đầu bếp nổi tiếng thế giới, nhưng để trở thành một thương hiệu gạo Việt Nam mạnh trên thị trường thế giới vẫn còn không ít việc để làm. Trước tiên, đó là việc tổ chức đánh giá công nhận giống quốc gia, để đủ điều kiện xây dựng thương hiệu quốc gia hay chỉ dẫn địa lý, sau đó là tổ chức quy hoạch vùng sản xuất, quy trình sản xuất thống nhất để đảm bảo chất lượng đồng nhất. Ngoài ra, còn phải tính đến yếu tố bảo quản sau thu hoạch, chế biến, đóng gói thành phẩm…

Như thế có thể thấy, từ “Top 3 gạo ngon nhất thế giới” đến thương hiệu gạo Việt Nam vẫn còn một quãng đường tương đối dài và không ít khó khăn cho cả nhà nghiên cứu giống, nông dân sản xuất lúa, các doanh nghiệp và nhà quản lý. Hay nói cách khác, ngay từ bây giờ nếu có hành động cụ thể, thiết thực để xây dựng hoàn chỉnh chuỗi liên kết giá trị “4 nhà” thì gạo ST24 nói riêng và một số giống gạo khác nói chung vẫn khó có thể trở thành thương hiệu gạo mạnh trên thị trường trong và ngoài nước.

Cơ hội đang đến rất gần để lần đầu tiên gạo Việt Nam có được thương hiệu bước chân vào phân khúc thị trường cao cấp thế giới với lượng và giá đều tăng lên. Đây không chỉ là mong mỏi của những nhà khoa học lai tạo ra các giống lúa chất lượng hàng đầu, hay những nhà quản lý, mà còn của cả nông dân trồng lúa và giới kinh doanh lúa gạo trong nước, để họ không chỉ được tự hào, mà còn có được hiệu quả sản xuất, kinh doanh một cách cao nhất, để có thể xóa đi “lời nguyền” bấy lâu nay là: “làm lúa không thể khá giàu”.

“Top 3 gạo ngon nhất thế giới” và sự “đóng dấu” tên tuổi gạo thơm Việt Nam trên thị trường thế giới chỉ mới là sự khởi đầu cho mục tiêu xa hơn, lớn hơn là “định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới”. Mục tiêu đó có được hoàn thành hay không và hoàn thành khi nào phụ thuộc rất nhiều vào chiến lược hành động sắp tới của tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị gạo thơm.

Tích Chu

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang